Chỉ trong một đêm, cơn lũ đã cuốn đi 4 người trong một gia đình. Tiếng la hét, tiếng kêu cứu vang lên đến xé lòng. Đến nay, bão số 3 vẫn là một cơn ác mộng với người dân huyện Lang Chánh.
Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, nhiều tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn kèm theo lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
Sau trận lũ quét, nhiều nơi ở huyện Lang Chánh chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh: VOV |
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão Sơn Tinh, tính đến trưa ngày 20/7 đã có 5 người chết, 58 người mất tích và bị thương do mưa lũ, sạt lở đất hậu bão Sơn Tinh.
Tại Thanh Hoá, vào 22h đêm 19/7, lũ đã tràn về cuốn trôi một gia đình gồm 4 người tại xã Trí Nang (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa). 4 nạn nhân bị lũ cuốn gồm bà Lê Thị B., ông Vi Văn T. (con bà Biến), Hà Thị B. (con dâu ông Thiên), Vi Thị Huyền T. (cháu nội ông Thiên). Ngoài ra, còn 3 người khác bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh.
Đến thời điểm này, lực lượng chức năng và người dân địa phương đã tìm thấy thi thể của 2 nạn nhân là ông Vi Văn T. và bà Hà Thị B.. Hiện vẫn còn 2 người đang mất tích.
Anh Vi Văn Dũng kể lại giây phút kinh hoàng khi lũ cuốn trôi cả gia đình. Ảnh: ANTT |
Trận lũ đi qua đã thực sự để lại nỗi đau lớn cho anh Vi Văn Dũng (SN 1990). Với đôi mắt thẫn thờ đỏ hoe, người đàn ông 28 tuổi này kể, chỉ vòng vài giây ngắn ngủi, anh đã mất đi tất cả: mất nhà, mất bà, mất bố, mất vợ và mất con.
"Khoảng 22h ngày 19/7, khi đang ngồi trong nhà thì nghe có tiếng ầm ầm bên ngoài nhưng 2 bố con tôi đều không nghĩ đó là tiếng nước lũ đang đổ về. Tôi chỉ nghĩ đó tiếng sấm, còn bố tôi lại tưởng đó là tiếng ô tô đang chạy qua.
Sau đó, tôi nghe tiếng nổ ở rất gần, nên mới bảo bố là sạt lở và giục chạy vội. Lúc tôi chạy ra thì suýt bị nhấn chìm nhưng vẫn cố ôm được cây cột rồi ngồi lên đó. Đèn không có nên cố định hướng xem bơi vào chỗ nào. Tôi xuống ở đoạn nước chảy không xiết, túm được ngọn cây nứa và gốc cây lát để leo lên thì lúc này bàng hoàng phát hiện bà, bố mẹ và vợ con đã bị cuốn trôi hết. Tôi định lao ra đi tìm thì mấy người hàng xóm giữ lại không cho", anh Dũng đau đớn kể lại.
Đến nay, cơn bão số 3 vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân bản Hắc. Ảnh: ANTT |
Còn bà Vi Thị Thuận (em gái ông Vi Văn T.), nước mắt nghẹn ngào nhớ lại: "Khi đó, anh tôi chạy sang bế mẹ, nhưng trời tối đường lại trơn nên bị lũ cuốn theo luôn. Còn cháu dâu và cháu gái chạy theo chồng nhưng không kịp, cũng bị lũ cuốn mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy".
Ông Hà Văn Huynh, một người dân bản Hắc đau xót cho biết: "Mọi thứ diễn ra rất nhanh trong khoảng vài phút. Tiếng người la hét, kêu cứu vang lên trong đêm. Người còn sống nhốn nháo đi hỏi thăm nhau thì phát hiện 4 người trong gia đình ông Thiên mất tích. Sáng ra tìm thấy 2 người thì đều đã tử vong, còn 2 mẹ con cô Biển (vợ anh Dũng) vẫn chưa biết ra sao".
Cũng chia sẻ với PV, ông Vi Văn Tằm, Chủ tịch UBND xã Trí Nang cho hay, gia đình ông cũng sống gần với 3 ngôi nhà bị lũ cuốn. Nhưng may mắn căn nhà của ông xây hàng rào bê tông và cây cối che chắn nên thoát nạn.
"Mưa lớn suốt 4 tiếng đồng đồ trước khi cơn lũ ập đến. Lũ quét qua rất nhanh sau những tiếng nổ ầm ầm. Chưa bao giờ tôi chứng kiến một trận lũ nào khủng khiếp như vậy ở địa phương này. Hiện chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp để tìm kiếm 2 người còn lại", ông Tằm nói.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân sau cơn lũ quét. Ảnh: ANTT |
Được biết, chiều 19/7, mưa to, nước lũ dâng cao khiến gần 50 hộ gia đình ở bản Trải 2, thị trấn Lang Chánh cũng đã phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đến các xã, thị trấn, thôn bản bị chia cắt. Huyện Lang Chánh đã thành lập các tổ chốt để hướng dẫn và ngăn không cho người dân qua lại các ngầm, tràn có nước lũ nguy hiểm
Sau khi xảy ra tình trạng lũ ống, lũ quét trên địa bàn, huyện Lang Chánh đã khẩn trương chỉ đạo, phối hợp khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm các nạn nhân. Đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt và thông báo cho các gia đình trong vùng nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, đảm bảo thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.
Nguyễn Phượng (T/h)