Theo cuộc khảo sát nhanh mà chúng tôi thực hiện, đa số các bà vợ đều biết được công việc của em chồng đang làm là gì. Họ cũng cho rằng em chồng "là người thân". Điều này cho thấy mối quan hệ gia tộc ở Việt Nam vẫn còn bền chặt, mặt khác, nó rất có thể là mảnh đất dung dưỡng "tư bản thân hữu".
Nhân sự việc “bộ trưởng không biết em chồng làm gì”, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhanh với một số phụ nữ (thuộc nhiều ngành nghề khác nhau) để tìm ra câu hỏi “Vợ có nắm được công việc của em chồng hay không”? Qua cuộc khảo sát này, hầu như tất cả mọi người đều khẳng định em chồng là người thân và nắm rõ công việc của họ.
Ảnh minh họa. |
Chị Mai Thị Thúy (40 tuổi, trú Cầu Giấy – Hà Nội) – nhân viên văn phòng trả lời: “Có phải người dưng đâu mà không biết được em chồng làm gì. Em chồng tôi làm nghề kinh doanh tự do (bán hàng tạp hóa). Vì công việc tự do nên tôi cũng không biết rõ hàng tháng chú ấy kiếm được bao nhiêu tiền.”
Trả lời về việc chị có xem em chồng là người thân trong gia đình hay không? Chị T. cho rằng, đã là người thân trong gia đình thì phải đầy đủ song thân phụ mẫu (hai bề cha mẹ). Vậy nên em chồng cũng là người thân thiết trong gia đình.
Chị Nguyễn Thùy Linh (38 tuổi, trú Ba Đình, Hà Nội) – nhân viên truyền thông chia sẻ: “Tôi có một anh chồng và một em chồng. Em chồng tôi làm bên lĩnh cực marketing, anh chồng làm bên lĩnh vực môi giới bất động sản. Dù công việc của cả hai đều không liên quan tới lĩnh vực của tôi nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi, chia sẻ công việc với nhau vì cùng là người thân trong gia đình.”
Chị Hồ Thị Hải (35 tuổi, trú Gia Lâm – Hà Nội) cho rằng: “Thật khó để hình dung có người phụ nữ nào lại không biết công việc của anh hay em ruột đằng chồng là gì. Nếu không biết thì có thể giữa họ đã xảy ra mâu thuẫn, cãi vã dẫn tới việc đôi bên coi nhau như người dưng, không them quan tâm tới công việc của nhau.”
Chị Nguyễn Thị Bé ( 28 tuổi, trú Thanh Xuân – Hà Nội) – nhân viên ngân hàng cho biết, vì em chồng làm cùng ngành (ngân hàng) nên chị biết rõ công việc và mức lương. Chị Bé cũng tỏ ra ngạc nhiên nếu có trường hợp người vợ không nắm được công việc của em chồng.
Qua cuộc khảo sát nhanh nói trên, có thể thấy phụ nữ đều quan tâm tới công việc của người thân nhà chồng (đặc biệt là anh em ruột thịt).
Đề cập tới quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp” trong luật Phòng chống tham nhũng, Luật sư Lê Khắc Hải – Trưởng văn phòng Luật sư Việt Dũng cho rằng:
“Luật đã quy định rất rõ ràng, người đứng đầu cơ quan không được để người thân gồm chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý. Quy định này nhằm hạn chế tối đa việc cán bộ cấu kết với người thân trong gia đình để thực hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên theo tôi, việc xác định người thân trong chuyện này nên được mở rộng. VD như nếu họ hàng của người đứng đầu cơ quan làm trong lĩnh vực họ quản lý thì sao? Trong trường hợp này có thể chúng ta không yêu cầu họ không được làm trong lĩnh vực người thân quản lý, tuy nhiên, việc làm cũng cần phải được thông báo để cơ quan Nhà nước nắm bắt.”
Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không biết gì về công việc kinh doanh của em chồng Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Minh Hùng (TGĐ VN Pharma) cùng đồng phạm về tội buôn thuốc điều trị ung thư lậu. Trong một diễn biến liên quan, chiều 30/8, báo điện tử Vietnamnet.vn phát đi bản tin cho biết bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã xác nhận em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm phó giám đốc công ty này, phụ trách đầu tư. Thông tin này một lần nữa khiến dự luận đặc biệt quan tâm, bởi trước đó, trả lời báo chí Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói "trong gia đình bà không có ai tham gia VN Pharma”. Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời với báo chí rằng: “Không hề can thiệp hay biết gì về công việc kinh doanh cá nhân em chồng”. |