Collagen giả hiện được bày bán tràn lan làm “nhũng loạn” thị trường và gây những hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng, nhất là phái đẹp.
TS.Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. |
Vài năm trở lại đây, để chăm sóc sắc đẹp nhiều chị em đã tin dùng những sản phẩm được cho là có thành phần Collagen. Tuy nhiên, nắm bắt được nhu cầu đó nhiều đầu nậu đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm Collagen kém chất lượng, thậm chí là hàng nhái, hàng giả để trục lợi, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Những sản phẩm này thường được gắn dưới mác “xách tay” và không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế.
Từ lò nấu cám lợn chuyển sang chế xuất thực phẩm chức năng
Thưa ông, thời gian qua cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến việc buồn bán sản phẩm Collagen giả, nhái, kém chất lượng, ông đánh giá thế nào về thị trường này?
Đây đúng là như vậy, thực phẩm chức năng và thực phẩm có chứa Collagen được bày bán rất tùm lum, đặc biệt là tại các hiệu thuốc, mặc dù Bộ Y tế có nói trong Thông tư, quyết định 04 là “cấm kê đơn cho điều trị ngoại trú”, nhưng đó chỉ là nói thôi còn thực tế nó vẫn diễn ra, vì cấm kê đơn nên nhiều người bán lậu. Tất cả là do quản lý.
Một thực trạng hiện nay có mấy nguy cơ thế này, một là hầu hết các hiệu thuốc hiện nay đều có bán thực phẩm chức năng cũng như Collagen, trong đó, một số loại có trong công bố của Cục An toàn thực phẩm còn một số là không có, Hiệp hội chúng tôi cũng đi điều tra ở Hà Nội, TP.HCM, đến giả vờ hỏi mua một lúc là có hết. Xem ra là không phù hợp với công bố của Cục An toàn thực phẩm, hỏi nguồn gốc thì được trả lời là hàng xách tay, thứ hai là trên thị trường bán lẻ, thứ ba là thị trường online thì lại càng loạn, giao bán, bầy bán, giới thiệu, công bố không ai kiểm soát được, thứ nữa là bán đa cấp nhưng ít hơn chỉ theo dòng sản phẩm của người ta thôi, cuối cùng là quảng cáo tuyên truyền…
Đó là những vấn đề mà cơ quan nhà nước cần phải vào cuộc, để lập lại trật tự kỷ cương, cũng chính vì thế mà xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng nhái, ví dụ như vừa rồi đã thu giữ 10 – 12 tấn hàng giả, điều này thật sự đáng báo động, trong đó có Collagen và thực phẩm chức năng. Thật sự đến giờ thì khẳng định là không kiểm soát được.
Nhưng vì sao “không kiểm soát được”, thưa ông?
Một là chúng ta thiếu các quy định pháp luật, để quản lý thực phẩm chức năng một cách hiệu quả, phù hợp, mặc dù cơ quan nhà nước đã ban hành những văn bản nhưng đều là không phù hợp. Từ lớn nhất là Luật An toàn thực phẩm, chỉ có điều thứ 14, nói một chút về thực phẩm chức năng, sau đó lại giao cho Bộ Y tế hướng dẫn và quản lý, sau đó Bộ Y tế lại ban hành thông tư quản lý thực phẩm chức năng chưa đầy đủ, không phủ được hết, trong đó cũng không có câu gì nói về hàng giả cả.
Thứ hai là thiếu các tiêu chuẩn về thực phẩm chức năng, ví dụ hiện nay có khoảng mấy nghìn loại thực phẩm chức năng đấy, trong đó có Collagen nhưng tiêu chuẩn không có, hoàn toàn là tiêu chuẩn tự bịa của cơ sở sản xuất, kinh doanh, gọi là tiêu chuẩn cơ sở, họ cứ thấy cái cây, lá, quả của mình nghiêng về cái gì thì họ đặt tiêu chuẩn như thế. Cái đó tôi cho là chưa chặt, phải bám vào được tiêu chuẩn của CODEX tức là tiêu chuẩn của quốc tế, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến để Việt Nam ban hành các tiêu chuẩn cụ thể.
Thứ ba nữa là thiếu những quy định cho các lĩnh vực, ví dụ như lĩnh vực về sản xuất nguyên liệu thực phẩm chức năng là phải có nhưng mình chưa hề có, tức là điều kiện để sản xuất thực phẩm chức năng thì từ vùng nguyên liệu, chứ hiện nay hầu hết các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn cứ sang Ninh Hiệp mua về nghiền ngấu ra thế là thành thực phẩm chức năng. Thiếu các quy định về các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, cho nên hiện nay người ta nói có những cơ sở đang nấu cám lợn rồi chuyển sang thực phẩm chức năng cũng được. Thiếu tiêu chuẩn sản phẩm; thiếu các quy định về công bố, Trung Quốc cách đây gần chục năm người ta có quy định, sản phẩm thực phẩm chức năng là sản phẩm bảo vệ sức khỏe, anh muốn công bố chức năng gì thì chỉ được nằm trong 27 chức năng mà nhà nước ban hành thôi, còn ở Việt Nam hiện nay còn có cả chức năng phát triển cao, to, chức năng thông minh… là tự doanh nghiệp người ta bịa đặt ra hết. Trung Quốc người ta đưa ra 27 chức năng là để làm thế nào người ta chứng minh được từng chức năng thông qua những bằng chứng khoa học, còn ở Việt Nam chưa quy định được.
Collagen giả được bán công khai. Ảnh:vietnamnet.vn |
Mặc dù thị trường thực phẩm chức năng của mình rất phong phú và vai trò của thực phẩm chức năng rất giá trị, tăng cường sức khỏe, giữ vững sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ và tác hại của bệnh tật, người dân dùng càng ngày càng tăng đó là quy luật không thể cưỡng được, chính vì thế nó dẫn tới hậu quả thị trường là 3 – 4 năm trước thực phẩm chức năng sản xuất tại Việt Nam chiếm ưu thế trên 60\%, năm 2013 thực phẩm chức năng trong nước tụt xuống còn hơn 19\%, vì dân người ta thấy thực phẩm chức năng trong nước không có hiệu quả, không đảm bảo chất lượng, chính vì thế người dân bắt buộc phải dùng của nước ngoài.
Hàng xách tay toàn là hàng giả!
Xin ông cho biết nếu dùng Collagen giả thì sẽ có những hệ lụy như thế nào?
Collagen giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ rất nguy hiểm, nếu dùng để đắp hoặc để uống, thì dễ bị dị ứng, tôi đã gặp rất nhiều chị em phụ nữ nói là Collagen của Nhật, đúng là của Nhật thì rất tốt, nhưng không biết có phải hàng thật không rồi khoảng một tuần sau mặt nổi sần hết, miệng nôn, trôn tháo, dị ứng. Cái nguy hiểm nhất là gây ra dị ứng, có người còn bảo chích collagen vào da, nhưng đâu có phải cơ thể hấp thu qua đường da, đưa protein vào qua đường da là phản sinh lý của cơ thể.
Thêm nữa, nếu không may có những chất khác, thì sẽ gây ra các tổn hại, ví dụ tổn thương mãn tính, nếu chẳng may có cả chất độc thì sẽ ảnh hưởng tới lục phủ, ngũ tạng… Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là dị ứng, về chất đạm rất dễ tạo thành kháng viêm mà collagen là protein.
Nhiều đơn vị bán hàng giới thiệu là collagen là hàng xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ vậy điều này có đúng không? Làm thế nào để phân biệt được hàng thật và giả thưa ông?
Bây giờ phải xem chứng minh, chính những cái đó tất cả phải được công bố tại Cục An toàn thực phẩm, không có công bố tại Cục An toàn thực phẩm tôi cho là hàng giả, hàng lậu. Nguy cơ của thực phẩm chức năng nói chung và Collagen nói riêng nhiều khi nằm ở mác “xách tay”. Tôi cho rằng hàng xách tay là hàng lậu, hàng giả, chứ làm gì Việt Nam có hàng xách tay vào cơ sở tiếng tăm để mua đâu, toàn đưa đến chỗ hàng giả, hàng kém chất lượng để xách về thì gọi là xách tay. Đúng ra hàng xách tay cũng phải được Cục An toàn thực phẩm cho phép và được công bố tại Cục, chứ không phải công bố bằng kênh gọi là hàng xách tay hiện nay loạn lên mà cơ quan quản lý nhà nước thả nổi.
Vậy vay trò của cơ quan quản lý ở đây như thế nào đối với mặt hàng Collagen trôi nổi, thưa ông?
Một là, bộ máy quản lý phải mạnh, phải có thanh tra chuyên ngành. Thứ hai, phải ban hành đầy đủ các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn. Thứ ba, phải có chế độ tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán hàng giả, để khiến bao người dân phải gánh chịu hậu quả.
|
Theo An ninh tiền tệ