Trước dự báo mùa cúm năm nay dự kiến kéo dài và nghiêm trọng hơn, nhiều người đang tự hỏi liệu 1 liều vaccine cúm có đủ để ngăn ngừa bệnh trở nặng và các biến chứng nguy hiểm về đường hô hấp hay không.
Trao đổi với Verywell về vấn đề trên, bác sĩ Roshni Mathew chuyên về các bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Stanford Medicine Children’s Health, nói trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi “trước đây chưa từng tiêm hai mũi vaccine cúm trở lên thì có thể phải tiêm hai mũi phòng cúm, cách nhau ít nhất 4 tuần”. Trong khi đó, hầu hết mọi người chỉ cần tiêm 1 mũi mỗi mùa cúm.
Tiêm 1 mũi vaccine cúm có hiệu quả ra sao?
Vào tháng 2 hàng năm, Mỹ phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm xác định công thức vaccine cúm cho mùa cúm sắp tới. Mục đích là để đối sánh chặt chẽ với loại virus đang hiện hành và gây bệnh. Các thành phần vaccine cúm được xác định dựa trên dữ liệu quốc tế hiện tại, bao gồm:
- Những loại virus cúm đang gây bệnh.
- Số lượng virus đang lây lan.
- Hiệu quả của vaccine mùa trước trong việc chống virus.
- Khả năng bảo vệ chéo của vaccine chống lại nhiều loại virus cúm.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine cúm gồm độ tuổi và sức khỏe của người tiêm phòng, chủng virus cúm đang hiện hành. Ví dụ, vaccine có xu hưởng bảo vệ tốt nhất khi chống lại virus cúm B và cúm A(H1N1) và kém hơn đối với virus cúm A(H3N2). Dù vậy, tiêm phòng cúm nhắc lại đầy đủ hàng năm sẽ mang đến hiệu quả cao trong việc phòng bệnh cúm cũng như một số bệnh liên quan.
Người lớn khi nào cần tiên 2 mũi vaccine cúm trong 1 năm?
Mặc dù trẻ nhỏ được hưởng lợi ích từ 2 lần tiêm phòng cúm nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy việc tiêm liều vaccine thứ 2 sẽ hữu ích đối với bất cứ nhóm đối tượng nào khác.
Một số nghiên cứu ở người lớn có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, chẳng hạn người được cấy ghép nội tạng, đã xem xét đến việc liệu tiêm phòng cúm bổ sung mũi 2 có hữu ích hay không. Dù vậy, các nhà khoa học cho rằng cần phải có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi các khuyến nghị được điều chỉnh.
Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết đối với người lớn, “các nghiên cứu không chỉ ra lợi ích của việc tiêm nhiều hơn 1 liều vaccine trong cùng một mùa cúm, kể cả ở những người cao tuổi có hệ thống miễn dịch suy yếu”.
Thời gian bảo vệ của vaccine cúm là bao lâu?
Tiêm phòng cúm là cách hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm khi mùa cúm đến, tuy nhiên, cần lưu tâm đến thời gian miễn dịch của một mũi vaccine cúm. Các chuyên gia cho biết, khả năng miễn dịch của vaccine cúm giảm dần theo thời gian, thường cung cấp khả năng bảo vệ trong 5-6 tháng. Dù vậy, khung thời gian này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như độ tuổi, chủng virus cúm đang gây bệnh.
Giáo sư Buddy Creech chuyên về các bệnh truyền nhiễm và nhi khoa ở Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt chia sẻ: “Hiệu quả của vaccine giảm dần theo mùa, với một số ước tính rằng hiệu quả vaccine sẽ giảm khoảng 5% mỗi tháng sau khi tiêm vaccine. Thời gian sau tiêm vaccine càng lâu, khả năng miễn dịch càng giảm đi”.
Tuy khả năng miễn dịch suy giảm dần theo thời gian, CDC nhấn mạnh 1 mũi tiêm phòng cúm là đủ để mọi người vượt qua cả mùa cúm. Cơ quan này khuyến nghị mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm.
Các chuyên gia khuyên mọi người nên tiêm phòng cúm hàng năm vào tháng 9, hoặc muộn nhất là vào cuối tháng 10. Thời gian tiêm phòng là vấn đề quan trọng cần lưu ý vì phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm vaccine để có hiệu quả về miễn dịch.
“Chúng tôi chưa biết đầy đủ về các đặc điểm của tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch ở trẻ nhưng rõ ràng, tiêm vaccine vào mùa thu sẽ bảo vệ trẻ qua mùa cúm, kể cả khi mùa cúm kéo dài đến cuối mùa xuân”, giáo sư Buddy Creech nói.
Đinh Kim(Theo Verywell)