+Aa-
    Zalo

    Có thể dùng tiền "thay" án tử hình?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

    (ĐSPL) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

    Một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến là việc sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

    Dự thảo cũng quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này, theo đó hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng.

    Khó xử tham nhũng nếu không quy về tội “cố ý làm trái”

    Theo tin tức trên báo Dân Trí, về đề xuất bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh, cơ quan thẩm tra (UB Tư pháp của Quốc hội) đồng ý quan điểm bỏ 7/22 tội danh có quy định hình phạt cao nhất đến tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Với ý kiến đề nghị bỏ tử hình thêm với 3 tội danh khác, cả cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cơ quan thẩm tra đều chưa xuôi.

    Đặc biệt, với đề xuất bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội về tham nhũng, chức vụ, tờ trình do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường ký nêu nhận định, hiện nay nhà nước đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ.

    Tuy nhiên, các cơ quan lại thống nhất quan điểm bỏ một tội danh trong nhóm tội phạm về kinh tế, chức vụ đã gây tranh luận lâu nay là tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 – Bộ luật hình sự hiện hành).

    Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích, đây là một tội danh rất chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, như một “cái túi” để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó, cần cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế như: các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực thế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, phân phối tiền, hàng cứu trợ để thay thế tội danh này trong Bộ luật hình sự nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

    Ông Cường cũng khái quát, loại ý kiến khác tỏ ra lo ngại, phải tiếp tục cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể nhưng vẫn cần tiếp tục duy trì tội danh này vì không thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế. Nếu bỏ tội danh này thì có những trường hợp phạm tội chúng ta không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.

    Dù vậy, cơ quan soạn thảo chốt lại, dự thảo Bộ luật sửa đổi không tiếp tục duy trì tội danh “cố ý làm trái” này.

    Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết, đa số ý kiến trong UB tán thành với đề xuất bỏ tội danh này và cho rằng, theo tinh thần Hiến pháp 2013, doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm, cá nhân được làm mọi việc pháp luật không cấm. Theo nguyên tắc đó, các hành vi được coi là tội phạm (bị cấm) trong lĩnh vực quản lý kinh tế cần được xác định rõ, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.

    Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi trước UB Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Báo Dân Trí

    Tránh việc dùng tiền thay án tử hình

    Theo VOV, một điểm đáng chú ý nữa trong dự thảo Bộ luật là bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

    Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ - đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

    Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, có ý kiến trong UBTP tán thành với quy định trên. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả trong phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

    Ngoài ra, dự thảo Bộ luật cũng mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân. Theo đó, ngoài hai đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm 2 đối tượng: Người từ 70 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

    UBTP cho rằng, việc bổ sung quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, vì thực tiễn thi hành không có vướng mắc. Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.

    “70 tuổi vẫn còn trẻ lắm”

    Còn theo Báo Dân Việt, góp ý cho dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Điều 19 của Hiến pháp thể hiện: Mọi người đều có quyền sống và Nhà nước phải đảm bảo quyền đó. Nhưng theo luật này, nhiều hành vi phạm tội có thể tước đoạt quyền sống của người dân. Có thể nghiên cứu để tiến tới quy định hình phạt chung thân không giảm án. Giảm 7 án tử hình là vẫn còn ít...

    Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước nói chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền văn minh, cần bỏ dần và bỏ hẳn mức tử hình với tất cả các tội. Còn tội chung thân nên nghiên cứu thêm 2 hình thức là chung thân vĩnh viễn và được giảm nhẹ.

    Về đề xuất miễn tử hình với người từ 70 tuổi trở lên, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, nếu từ 70 tuổi trở lên thì quy cụ thể vào một số nhóm tội miễn tử hình: “Nhiều người 70 tuổi còn trẻ lắm. Theo tôi từ 80 tuổi trở lên mới nên miễn án tử hình”.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng tán đồng khi cho rằng: “Tôi không hiểu lý do gì mà lại quy định như thế? Tôi đề nghị phải tăng tuổi miễn tử hình lên”.

    Kim Thành(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-the-dung-tien-thay-an-tu-hinh-a90195.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan