Cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, MCK: MVN, UPCoM) đã ghi nhận phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp tính từ ngày 30/7 đến nay.
Chốt phiên hôm 6/8, MVN giao dịch ở mốc 34.700 đồng/cp, tăng hơn 98% trong vòng 1 tuần qua, khiến cho vốn hoá của MVN lên tới 41.660 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân cũng tăng lên 32.722 đơn vị mỗi phiên.
Cổ phiếu MVN tăng trần liên tục được cho là có liên quan đến kết quả kinh doanh nhiều điểm sáng trong 6 tháng đầu năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, Vinalines ghi nhận doanh thu thuần 3.409 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 976 tỷ đồng, tăng 118% so với quý II/2020.
Ngoài ra, Vinalines còn ghi nhận lãi liên doanh liên kết gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ.
Sau khi trừ các loại chi phí, Vinalines báo lãi sau thuế 724 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 375 tỷ đồng, cao gấp 6 lần quý II/2020.
Luỹ kế 6 tháng, MVN đạt 6.040 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.066 tỷ đồng, cao gấp 8 lần nửa đầu năm ngoái.
Mặc dù kỳ này lãi lớn, song vẫn chưa xoá được lỗ luỹ kế nặng 3.031 tỷ đồng của Vinalines.
Tính đến cuối quý II/2021, vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 10.258 tỷ đồng. Tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Vinalines tăng mạnh lên 8.260 tỷ đồng. Vay nợ tài chính vẫn ở mức cao 6.112 tỷ đồng.
Năm 2021, Vinalines đặt mục tiêu công ty mẹ đạt 1.368 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 983 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đã đạt được trong 6 háng đầu năm 2021, Vinalines đã vượt 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong một diễn biến liên quan, tại ĐHĐCĐ 2021, Vinalines thông báo sẽ thực hiện thoái vốn tại 12 doanh nghiệp cho đến thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Các doanh nghiệp nói trên là những đơn vị nằm trong danh mục thoái vốn đã được ĐHĐCĐ lần đầu thông qua mà chưa hoàn thành trong năm 2020.
Bạch Hiền (t/h)