+Aa-
    Zalo

    Cổ phiếu Rạng Đông "đỏ lửa" sau vụ cháy, đại gia nào thiệt nhất?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cổ đông công ty liên tục bán tháo cổ phiếu RAL dưới sức ép và tính chất nghiêm trọng của vụ cháy công ty trên phố Hạ Đình, Hà Nội ngày 28/8 vừa qua.

    Bức tranh tài chính đẹp đẽ của doanh nghiệp cũng không thể cứu vớt được niềm tin của nhà đầu tư. Cổ đông công ty liên tục bán tháo cổ phiếu RAL dưới sức ép và tính chất nghiêm trọng của vụ cháy công ty trên phố Hạ Đình, Hà Nội ngày 28/8 vừa qua.

    Thiệt hại của Rạng Đông không chỉ là 150 tỷ như công bố ban đầu.

    Vốn hóa thị trường Rạng Đông “bay hơi”

    Chốt phiên giao dịch ngày 10/9 vừa qua, cổ phiếu RAL của công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Khép lại ngày giao dịch “đỏ lửa”, mã RAL giảm phiên thứ tư liên tiếp.

    Trước đó, ngay phiên giao dịch đầu tiên từ khi vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông xảy ra, cổ phiếu RAL đã chứng kiến 1 phiên giảm sàn. Sau 8 phiên giao dịch (kể từ ngày 29/8), cổ phiếu RAL đã giảm từ 85.280 đồng/CP xuống còn 72.000 đồng/CP (giá chốt phiên chiều 10/9), tương ứng giảm 13.280 đồng/CP. Như vậy, với hơn 11,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Rạng Đông “bay hơi” hơn 150 tỷ đồng sau khi vụ cháy xảy ra.

    Theo báo cáo quản trị mới nhất của Rạng Đông, ngoài 42,96% vốn điều lệ do công đoàn công ty nắm giữ, hai người đang nắm cổ phần nhiều nhất công ty Rạng Đông là chị em bà Lê Thị Kim Yến (SN 1959) - Ủy viên Hội đồng quản trị và ông Lê Đình Hưng. Bà Yến hiện sở hữu 1,74 triệu cổ phiếu RAL - tương ứng 15,126% vốn và ông Lê Đình Hưng sở hữu 1,06 triệu cổ phiếu RAL - tương ứng 9,12% vốn của Rạng Đông. Đây là số vốn 2 chị em bà Yến mua lại từ SCIC vào tháng 9/2015 sau khi chi ra số tiền 114 tỷ đồng.

    Ngoài khoản tiền đầu tư tại Rạng Đông, bà Yến hiện là Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Gia Lộc Phát và ông Hưng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong khi đó, tuy ngồi ở chiếc ghế nắm quyền điều hành lớn nhất công ty nhưng ông Nguyễn Đoàn Thăng (SN 1943), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chỉ nắm 1,86% vốn doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đoàn Kết (SN 1961), Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Kinh tế cũng chỉ nắm 0,02% vốn điều lệ.

    Hiện Rạng Đông mới chỉ thống kê con số thiệt hại sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại nhà máy nằm trên phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội tối hôm 28/8 là khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, những thông tin gần đây liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp này trong quá trình xử lý hậu quả của đám cháy, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân xung quanh khu vực nhà máy mới là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

    Với việc giá cổ phiếu RAL giảm liên tục thời gian qua, trong vòng 10 ngày, số tiền mà bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng chịu thiệt hại nằm ở mức khoảng 37 tỷ đồng. Với những diễn biến trên thị trường hiện nay, con số thiệt hại của hai chị em "đại gia" rót vốn vào Rạng Đông có thể không chỉ dừng lại ở con số trên.

    HoSE yêu cầu Rạng Đông công bố thiệt hại do hoả hoạn

    Theo tìm hiểu của PV, Rạng Đông là doanh nghiệp thuộc thế hệ vàng son trong ngành chiếu sáng với thương hiệu "vang bóng một thời". Công ty được thành lập năm 1961. Doanh nghiệp này cùng với Điện Quang được cổ phần hoá khá sớm và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ năm 2006. Hiện Rạng Đông chiếm thị phần phích nước lớn nhất cả nước và thuộc top đứng đầu ngành chiếu sáng tại Việt Nam. Rạng Đông kinh doanh hiệu quả, các chỉ số tài chính của doanh nghiệp này "đẹp như mơ". Hiện doanh nghiệp này có vốn điều lệ chỉ 115 tỷ đồng, tương ứng 11,5 triệu cổ phiếu lưu hành.

    Tuy nhiên, 10 ngày sau vụ cháy nhà máy sản xuất của Rạng Đông tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vẫn chưa nhận được giải trình và công bố thông tin xác minh ước tính thiệt hại tài sản và ảnh hưởng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh từ công ty. Trong khi đó, theo quy định, công ty đại chúng phải có trách nhiệm công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra một sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị công ty. Sở này gửi công văn nhắc nhở Rạng Đông về việc chậm công bố thông tin và yêu cầu công ty này khẩn trương thực hiện công bố theo quy định.

    Thông báo duy nhất từ phía Rạng Đông sau vụ cháy được đăng trên trang điện tử của doanh nghiệp này vào ngày 29/8. Trong đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thắng cho biết thống kê ban đầu về thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng, dưới 5% tổng tài sản. Công ty phải tăng nhịp độ sản xuất đèn LED để có đủ sản phẩm thay thế bóng đèn dây tóc, đồng thời đảm bảo thời gian cho các đơn hàng xuất khẩu và công trình dự án. Cổ phiếu RAL ngay lập tức phản ứng sau vụ cháy với hai phiên giảm mạnh liên tiếp.

    Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của nhà sản xuất bóng đèn này vào khoảng 2.781 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tài sản cố định khoảng 300 tỷ đồng bao gồm chủ yếu là máy móc và nhà xưởng, trong khi hàng tồn kho giá trị gần 1.070 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hóa thành phẩm và vật liệu.

    Sơn Ca
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp Luật số 38
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-phieu-rang-dong-do-lua-sau-vu-chay-dai-gia-nao-thiet-nhat-a293750.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan