Thực tế cho thấy, TAND Tối cao vẫn xem xét bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân người bị án oan sai, trong khi đó luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại chưa quy định vấn đề này. Vấn đề pháp lý trên đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Bất hợp lý trong bồi thường oan sai
Khi ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án oan, cả gia đình ông rơi vào bi kịch. Mẹ già héo hon vì nhớ con trai, vợ vì quá lo nghĩ cho chồng đã lâm bệnh nặng, con cái thất học, gia đình ly tán... Để có tiền lo việc kêu oan cho bố, các con của ông Chấn đã phải nghỉ học giữa chừng, người đi làm thuê, người đi xuất khẩu lao động. Cô con gái đi lao động xuất khẩu, nhiều đêm khóc đẫm nước mắt, thầm hứa với gia đình khi nào kiếm đủ tiền kêu oan cho bố mới trở về quê hương. Có thể nói, tổn thất tinh thần của những người thân trong gia đình ông Chấn rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình vỡ òa khi được minh oan. |
Hay như vụ người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén, cha già khóc cạn nước mắt vì nhớ con, gia đình phải bán đất hương hỏa cha ông để lại, tìm đủ mọi cách minh oan cho ông Nén. Áp lực dư luận đè nặng lên vai các thành viên trong gia đình ông Nén trong suốt 17 năm qua, vì tai tiếng nhà có kẻ giết người. Vợ chồng, cha con ly tán, chịu đủ đắng cay khi thiếu vắng “trụ cột” gia đình. Còn nỗi đau nào hơn thế?
Còn nhiều, rất nhiều trường hợp người bị án oan sai, kéo theo đó là việc thân nhân của họ bị tổn thất về tinh thần mà chúng tôi không thể nêu hết ra đây. Chỉ biết rằng, những tổn thất về tinh thần của thân nhân người bị oan là có thực.
Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, trong hầu hết các vụ án hình sự oan sai, không chỉ người bị án oan chịu tổn thất về tinh thần mà người thân của họ (vợ chồng, con, cha mẹ..) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần. “Do vậy, dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) cần bổ sung quy định thân nhân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị án oan sai, nếu chứng minh được họ bị thiệt hại về tinh thần do án oan sai gây ra thì cũng được bồi thường tổn thất về tinh thần và cơ quan có trách nhiệm phải xin lỗi công khai như người bị án oan”, luật sư Bùi Quang Thu (đoàn Luật sư Hà Nội) nêu ý kiến.
Hiện có 3 luồng ý kiến khác nhau về bồi thường tổn thất tinh thần cho thân nhân người bị oan sai.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần bổ sung quy định bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần cho thân nhân người bị án oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự nhưng chỉ trong phạm vi hàng thừa kế thứ nhất. Mức bồi thường dựa vào những tổn thất có thật trên thực tế.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng chỉ bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị án oan sai trong trường hợp người đó đã chết.
Luồng ý kiến thứ ba cho rằng, trên thế giới không có nước nào bồi thường thiệt hại cho hàng thừa kế. Nếu mở rộng người được bồi thường thiệt hại sẽ “vênh” với các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, Nhà nước sẽ phải tốn nhiều kinh phí cho việc bồi thường án oan sai.
Chuyên gia pháp lý nói gì?
PV báo ĐS&PL đã tham vấn ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề trên.Đại biểu Mong Văn Tình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần thiết bồi thường tổn thất tinh thần không chỉ cho người bị oan sai mà cần cho cả những người thân thích của họ. Bởi thực tế cho thấy, một số vụ oan sai gần đây người thân phải đi kêu oan, thăm nom..., bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần cả chục năm. Trong việc oan sai, không chỉ người bị oan chịu tổn thất về tinh thần mà những người thân thích, nhất là vợ chồng, con, cha mẹ (hàng thừa kế thứ nhất) cũng bị ảnh hưởng nặng nề về tinh thần con cái có thể phải bỏ học, bỏ việc, thậm chí xấu hơn là tự vẫn nên việc họ được bồi thường về mặt tinh thần là phù hợp và cần thiết.
Đại biểu Mong Văn Tình đề nghị: “Bồi thường về mặt tinh thần thì Luật mới quy định bồi thường cho người bị hại, người thân thích chưa được bồi thường. Nhưng các cơ quan soạn thảo luật cũng cần nghiên cứu để làm sao có cơ chế, quy định cho người thân thích của người bị oan sai được bồi thường tổn thất về tinh thần bằng một khoản vật chất tương đương với những thiệt hại tinh thần họ đã phải chịu.
Trên thực tế, Nhà nước đã phải chi một khoản tiền bồi thường nhiều hơn trong một vụ việc yêu cầu bồi thường như một vài vụ bồi thường oan sai gần đây. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm rõ về mức bồi thường ra sao, bồi thường cho tất cả người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hay cho từng người thân thích của người bị oan”.
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu ý kiến: “Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định bồi thường về mặt tinh thần cho người bị oan sai. Như vậy là đủ, không nên mở rộng cho người thân thích của người bị oan. Quy định bồi thường cho người thân thích của người bị oan là không phù hợp với quy định về bồi thường trực tiếp cho người bị hại trong Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, khái niệm thân nhân, người thân thích của người bị hại khá rộng và nếu quy định bồi thường tinh thần cho họ nữa thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý cần phải giải quyết”.
Từ phân tích trên, ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, trước tiên chúng ta cứ thực hiện theo luật hiện hành là bồi thường về mặt tinh thần cho người bị oan sai. Còn trong thực tiễn, quá trình xây dựng luật, nếu phát sinh vấn đề gì lúc đó mới nên phân tích đánh giá cụ thể xem có cần thiết bồi thường về mặt tinh thần đối với người thân thích của người bị oan sai hay không.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, dự thảo luật quy định bồi thường cho người thân thích của người bị oan là không phù hợp với quy định về bồi thường trực tiếp cho người bị hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Cần phải xác định rõ quan hệ pháp luật ở đây không phải là bồi thường mà là vấn đề thừa kế. Cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường cho hàng thừa kế là không có. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành cũng không quy định về vấn đề này. Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cũng không có nước nào quy định bồi thường cho hàng thừa kế. Trên thực tế nếu quy định bồi thường tinh thần cho người thân thích của người bị oan là không bình đẳng đối với các trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự. Ví dụ xử lý kỷ luật buộc thôi việc công chức, trường hợp này, suy đến cùng, người thân thích cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải chi một khoản tiền lớn hơn cho bồi thường. Khó khăn nữa là không biết được hàng thừa kế là bao nhiêu. Trường hợp bồi thường thì bồi thường cho ai? Bồi thường “một cục” hay chia đều cho tất cả? Với những vấn đề như vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị chỉ bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại chứ không mở rộng đến hàng thừa kế. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Bồi thường thiệt hại tinh thần cho người thân thích của người bị oan là một điểm mới bởi luật hiện hành đã quy định người thân thích liên quan đến người bị oan được bồi thường về vật chất như: Cha bị oan thì vợ, con, anh em người đó đi chăm nom, đi lại, ăn ở..., được bồi thường. Riêng bồi thường về mặt tinh thần thì luật mới quy định bồi thường cho người bị hại, người thân thích chưa được bồi thường”. |
Vũ Phương - Thiên Long thực hiện
Đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 26