(ĐSPL) - Thời gian qua, những câu chuyện đầy ẩn ức về tình người, tính pháp lý liên quan đến vấn đề người đồng tính và chuyển giới được dư luận đặc biệt quan tâm. Những người chịu phận “trò đùa của tạo hóa” mới đây lại thêm một lần "dậy sóng" khi dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi tại khoản 2, Điều 38 quy định cha mẹ có quyền quyết định chuyển giới cho con. Câu hỏi đặt ra là điều đó sẽ gây ra những hệ lụy gì cho tương lai cho những đứa trẻ kém may mắn?
Một bạn trẻ chuyển giới chia sẻ câu chuyện của mình |
Tự quyết định số phận hay để bố mẹ quyết định thay?
Xưa nay, người Việt vẫn cho rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, tạo hóa đã ấn định là nam hay nữ, nên những người có dị biệt về giới tính vẫn thường bị mặc cảm kỳ thị từ chính trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Những nhà làm luật đã có một bước tiến lớn khi đưa vấn đề “nhạy cảm” này vào nghị trường. Tuy nhiên, trước nội dung dự thảo cha mẹ có quyền quyết định chuyển giới cho con quy định tại khoản 2, Điều 38 dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã thu hút sự chú ý cũng như tạo dư luận trái chiều, nhất là trong cộng đồng những người gặp dị biệt về giới tính.
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, Trung Anh (Đống Đa, Hà Nội), một người đồng tính cho rằng: “Với cá nhân mình, con người dù là nam hay nữ thì đều có quyền bình đẳng như nhau. Việc bản thân bạn là ai, điều đó bạn có thể tự quyết định được chứ không cần sự can thiệp của bố mẹ. Vì bố mẹ không sống trong cơ thể của bạn để cảm nhận được hết bạn đang cần gì, bạn muốn gì và thực sự bạn muốn trở thành như thế nào.
Hiện giờ mình cũng đang gặp trở ngại với bố mẹ về việc được cho phép chuyển giới. Bố mẹ vẫn kỳ vọng một điều gì đó ở một người có hình hài là con trai như mình. Mình hiểu được tâm trạng của người làm cha, làm mẹ. Nhưng mình đã đủ lớn để quyết định được bản thân mình cần gì và bố mẹ không thể ngăn cấm được mình sống với đúng con người thật của mình”.
Qua điện thoại, bạn Trần An Vy (Kiên Giang) chia sẻ, trước khi lên TP.Hồ Chí Minh làm người mẫu tự do và học thiết kế thời trang, Vy (tên thật là Trần Anh Vũ) đã có một tuổi thơ không mấy êm đềm khi dưới thân hình là một cậu con trai, nhưng bạn lại có xu hướng rất nữ tính, thích chơi búp bê, thích may đồ cho con gái.
Mẹ Vy thấy vậy, liền mắng mỏ với ý nam thì ra nam, nữ thì ra nữ đi, đừng có kiểu nửa mùa thế, làm bạn rất hoang mang, không hiểu mẹ đang nói gì. “Lúc đó mình cũng chưa ý thức được rõ vấn đề, mình chỉ nghĩ đó là sở thích đơn thuần thôi. Nên nghe mẹ nói vậy, mình hoang mang lắm. Đến bây giờ, khi đã phẫu thuật thành con gái rồi, không như các bạn khác bị bố mẹ phản đối thì mình lại nhận được sự thúc đẩy của bố mẹ, nghĩ đến những ngày đó mình vẫn cảm thấy nỗi lo sợ như đang còn trước mắt vậy”.
Dương Thị Thùy Anh (SN 1993, có biệt danh Este), hiện đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học trên Hà Nội chia sẻ: Ngay khi nhận biết được giới tính thật của mình là một người con gái chứ không như vẻ ngoài nam tính của mình, Thùy Anh vẫn luôn sống với chính những gì mình có. Đồng thời, cô cho rằng: “Không phải ai sinh ra cũng được rõ ràng về giới tính, có người là nam, nhưng có xu hướng nữ tính do đó họ muốn phẫu thuật chuyển giới để có ngoại hình như mong muốn. Nhưng ngược lại, có những bạn không thích làm phẫu thuật, các bạn ấy muốn phong cách tomboy chẳng hạn, thì bố mẹ cũng nên tôn trọng.
Nhiều bậc cha mẹ thấy con mình như vậy, muốn ép cho được để phẫu thuật thành nữ hay nam để khỏi thấy xấu hổ. Mình nghĩ rằng, bố mẹ chỉ nên dừng lại ở việc tư vấn, định hướng, đưa ra lời khuyên cho con cái một cách tích cực và rõ ràng thôi, chứ không thể ép buộc con họ phải làm thế này, hay thế khác. Chúng mình, những người ở giới tính thứ ba này, cũng như bao người khác, đủ lớn, đủ hiểu biết để biết mình cần gì và sẽ phải làm gì. Để chúng mình tự quyết định cuộc sống của bản thân là sự tôn trọng lớn nhất”.
Tình người và tranh cãi pháp lý
Khi vấn đề chuyển giới được đưa vào luật, nhiều người hy vọng đó sẽ là một cơ hội mới đem lại cho những người gặp thiệt thòi về mặt giới tính sẽ được xã hội nhìn nhận tích cực hơn, sự kỳ thị và định kiến với họ sẽ không còn. Tuy nhiên việc không cấm nhưng không thừa nhận gây ra cảnh tiến thoái lưỡng nan. Mặt khác, dưới con mắt của nhiều người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, việc luật chưa rõ ràng này sẽ làm cho việc chuyển giới có nhiều sự hiểu nhầm không đáng có.
Luật sư Lê Văn Thiên, văn phòng luật Thái An, Hà Nội cho rằng: “Có những đứa trẻ chưa đủ năng lực hành vi, nó chưa tự quyết định được thì lúc đó mới cần đến sự can thiệp của người giám hộ đương nhiên như là ông, bà, cha, mẹ... Nhưng trong trường hợp nhận thức, năng lực hành vi của người có giới tính thứ ba đã đầy đủ rồi, mà bố mẹ lại ép, bắt không cho chuyển giới hoặc buộc họ chuyển giới thì như thế lại không ổn. Vì họ đã có toàn quyền quyết định bản thân mình cần gì, nếu còn chưa nói đến vấn đề nhân quyền.
Không ai có quyền ép ai cả. Thường thì bố mẹ hay phản đối con cái mình chuyển giới vì nghĩ đó là cái gì đó bệnh hoạn, nhưng cũng có những trường hợp lại ép con mình phải phẫu thuật dù họ không muốn. Theo tôi, bố mẹ chỉ nên định hướng cho con mình để chúng có sự quyết định phù hợp nhất chứ không có quyền quyết định con mình phải làm như thế nào. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, nếu không cư xử khéo léo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của những người có liên quan”.
Liên quan đến điều luật “Xác định lại giới tính”, luật sư Thiên cũng cho rằng, cần làm rõ việc giới tính của họ thuộc yếu tố “bẩm sinh” hay “tự phát” để có những chế định phù hợp. Nếu nhìn nhận vấn đề ở góc độ luật học, theo luật sư Thiên, chỉ nên nhìn nhận những trường hợp khi sinh ra “đã có vấn đề”. Nhiều trường hợp sinh ra giới tính xác định “chuẩn” nhưng khi lớn lên họ lại phát sinh nhiều vấn đề khác nhau. Do đó, nếu nhìn nhận theo góc độ xã hội thì đó là quyền của họ nhưng nếu chiểu theo luật thì cần có kết luận của các cơ quan y tế có thẩm quyền. Mọi việc nếu xác định thành luật thì phải được quy định cụ thể”.
ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch: Cha mẹ không nên vội vàng can thiệp vào giới tính của con Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, điều này cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đánh giá cao việc đưa câu chuyện “chuyển giới” vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này, tuy nhiên, theo quan điểm của ĐB Thạch, đề xuất cha mẹ có quyền chuyển giới cho con là chưa thực sự hợp lý. Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, với những cháu còn quá nhỏ chưa ý thức được bản thân nên cần sự can thiệp của cha mẹ, thế nhưng, ở lứa tuổi này, giới tính liệu đã phát triển đầy đủ? Hơn nữa, ở lứa tuổi này, trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển, việc xác định giới tính thật của trẻ liệu có đảm bảo tính chính xác? Còn đối với lứa tuổi trưởng thành, việc chuyển giới hay không hoàn toàn là do quyền của các em, bố mẹ không thể can thiệp được. “Giới tính là vấn đề cực kỳ hệ trọng, không chỉ ảnh hưởng đến tâm sinh lý mà còn tác động đến cả tương lai sau này của con trẻ. Thế nên, dù là cha mẹ cũng không nên vội vàng can thiệp vào giới tính của chúng. Tôi cho rằng, phải nghiên cứu kỹ đề xuất này”, ĐB Thạch nhấn mạnh. Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường Lê Quang Bình: Cần có sự thay đổi nhận thức rõ ràng, tích cực hơn Nhìn nhận từ góc độ xã hội đến góc độ luật pháp, ông Lê Quang Bình - Viện trưởng viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) nhận định: “...khát khao được sống với chính mình của những người có dị biệt về giới tính rất mạnh. Có nhiều người còn khao khát được một lần trong đời sống trong cơ thể nữ giới trong một giờ rồi chết đi cũng thấy thỏa mãn(?!). Như vậy rõ ràng Nhà nước cần phải vào cuộc, không thể tiếp tục cấm được. Vừa rồi, việc đưa ý kiến chuyển giới vào Bộ luật Dân sự là rất đáng quan tâm nhưng cần phải có sự thay đổi rõ ràng, tích cực hơn...”. |
LẠI CƯỜNG - NGUYỄN NHINH
Xem thêm video:
[mecloud]X6qWX14j3L[/mecloud]