Hoá ra có tới hơn 70 vị tướng hiện đang hoặc từng sống ở khu gia binh này, trong đó có những vị tướng tài đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận chiến đấu và chiến thắng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến.
Ở Hà Nội, nói tới “phố nhà binh” là chỉ phố Lý Nam Đế, nơi có nhiều gia đình quân nhân, là cán bộ cao cấp sinh sống. Còn “khu gia binh” (ngày trước gọi là khu tập thể quân đội) thì có nhiều, nào là 1A Hoàng Văn Thụ, K95, 3B Ông Ích Khiêm... nhưng lớn nhất vẫn là Khu tập thể Nam Đồng, thuộc quận Đống Đa.
Nếu bây giờ ai vào Khu tập thể Nam Đồng, hẳn không thể hình dung được nó như thế nào 50 năm về trước. Khu Nam Đồng hôm nay giống một ngôi làng lớn, trong ngôi làng ấy lại có một cái chợ vô cùng lớn, hoạt động từ sáng tới khuya, bán không thiếu thứ gì.
Nhà cửa nhô ra thụt vào, hàng quán tràn xuống lòng đường; lọt trong sự đông đúc đó không khó nhận ra 8 toà nhà chung cư 4 tầng, cũ tới mức không thể cũ hơn, trên mình lại còn đeo vô số lồng sắt cơi nới làm chỗ ở, rồi bể nước, dây dợ. Nhiều người giàu lên, có tiền sắm sửa đồ đạc mới, nhưng khu tập thể thì ngày một cũ kỹ, sự nhốn nháo cũng nhiều hơn.
Khu gia binh Nam Đồng gắn với nhiều cái tên lịch sử. Ảnh: Hữu Việt. |
Gần đây, một người bạn sống ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu ra Hà Nội chơi, trong lúc nói chuyện, loáng thoáng nghe thấy bốn chữ “Quân khu Nam Đồng”, liền hỏi: “Em thấy bảo đó là khu gia binh lớn nhất Hà Nội, nhà nào cũng có xe hơi nhưng vẫn xài toa-lét chung, đúng không?”. Là cư dân gốc của “quân khu”, tuy đã chuyển nhà đi nơi khác một thời gian, nhưng nghe người ở xa nói về sự “nổi tiếng” ấy ở khu mình, tự dưng thấy thoáng buồn?
Thuở ban đầu, Khu tập thể Nam Đồng chỉ có 8 toà nhà 4 tầng ấy thôi, chia thành hai dãy chẵn – lẻ, dành cho gia đình sĩ quan cấp uý và cấp tá. Cư dân lác đác đến ở từ năm 1962, đến năm 1964 thì hầu như phủ kín. Nhà được phân theo đơn vị làm việc của các quân nhân, ví dụ nhà 3 chủ yếu là cán bộ Tổng cục Chính trị, nhà 8 là Phòng không – Không quân...
Một góc sân của khu gia binh Nam Đồng. Ảnh: Hữu Việt. |
Trong toà nhà ấy tất cả đều “tập thể”: bếp chung, nhà vệ sinh chung, nhà tắm chung. Chính những cái chung ấy đã gắn kết các gia đình thành một khối, chia sẻ mọi buồn vui của tình làng nghĩa xóm. Cao hơn nữa là hoàn cảnh, số phận, cuộc sống của những người vợ lính, con lính. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những ký ức thanh bình với bọn trẻ con chúng tôi giữa thời chiến tranh ác liệt. Một con đường trải nhựa chạy giữa hai dãy nhà chẵn – lẻ, có hai hàng phi lao mát mắt.
Giữa các toà nhà là những khoảng sân rộng, tha hồ chạy nhảy, đá bóng, đá cầu, nhảy dây, đánh đáo... Sau này đặt thêm bàn bóng bàn, xà đơn, xà kép. Những đêm trăng sáng, chúng tôi trải chiếu nằm giữa sân, nhìn lên bầu trời đầy sao, mong lớn thật nhanh để được theo cha lên đường đánh Mỹ. Có lẽ chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu thế nào là chiến tranh, chính vì vậy mà “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” như một lẽ đương nhiên, không thể khác với con nhà lính.
Những chuyến đi B (vào chiến trường) của cha (mẹ) với chúng tôi là những đợt vắng nhà dài ngày của “phụ huynh”, chẳng có gì lạ, bởi gia đình nào cũng vậy. Chỉ có những lần thầy/cô giáo buồn bã thông báo cho bạn nào đó nghỉ học vài hôm vì nhà có chuyện buồn, nhìn những vầng khăn tang, thì khi ấy, chiến tranh mới hiện hữu...
Những căn hộ 50 năm tuổi. Ảnh: Hữu Việt |
Sau năm 1975, những người lính từ chiến trường trở về, nhu cầu nhà ở tăng lên, Khu tập thể Nam Đồng được mở rộng ra, đông đúc thêm, càng ngày càng đông đúc. Vì cuộc mưu sinh, một số người bán nhà, hoặc hưởng tiêu chuẩn cao hơn theo cấp bậc, chức vụ nên chuyển đi nơi khác, Khu Nam Đồng không còn thuần là một khu gia binh nữa. Nhưng những cư dân của nó dù có đi bốn phương trời vẫn giữ nguyên niềm tự hào về con người và những năm tháng đặc biệt ở đó.
Hồi giữa năm nay, chúng tôi tổ chức gặp mặt các thế hệ “cư dân” nhân dịp 50 năm Khu tập thể Nam Đồng. Những cậu bé, cô bé ngày nào nay tóc đã pha sương, có người đeo quân hàm cấp tướng, thế nhưng gặp nhau vẫn hồ hởi gọi ra những “biệt danh” ngộ nghĩnh, thường gắn với một đặc điểm nổi bật nào đó thời thơ ấu.
Chớp mắt, đã quá nửa đời người. Nếu gọi những cán bộ quân đội đầu tiên đến sinh sống tại Khu Nam Đồng là thế hệ F1, thì nay đã có các thế hệ F4, F5. Gặp nhau chỉ thấy mặt quen quen, nhiều khi không nhớ hết được tên. Nhưng có một cái gì đó rất riêng gắn kết chúng tôi lại.
Rong ruổi trên đường đời, không phân biệt cao thấp, sang hèn, chỉ cần biết cùng là dân “Quân khu Nam Đồng” thì lập tức coi nhau như người thân, có trách nhiệm giúp đỡ, đùm bọc, che chở. Phải chăng đó là “chất lính” truyền thừa từ cha mẹ, là lòng tự hào, tự tôn rất “con nhà lính”?
Sau buổi gặp mặt hôm đó, tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ, hoá ra có tới hơn 70 vị tướng hiện đang hoặc từng sống ở Khu Nam Đồng. Có lẽ không khu dân cư nào có tỉ lệ các vị tướng cao đến vậy! Cao cấp nhất là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); Thượng tướng Nguyễn Hữu An (nguyên Tư lệnh quân đoàn 2, nguyên Viện trưởng Học viện quân sự cấp cao) - một trong những vị tướng tài của Việt Nam đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận chiến đấu và chiến thắng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Mỗi vị tướng đều gắn với những đóng góp to lớn cho quân đội, cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Thế hệ F2 (thế hệ chúng tôi) cũng có tới 7 ông “tướng con”, trong đó có gia đình hai cha con cùng làm tướng: Trung tướng Lê Thuỳ, nguyên Tư lệnh quân khu II và con trai Thiếu tướng Lê Công hiện là giám đốc Ngân hàng Quân đội. Lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành, với cư dân Khu tập thể Nam Đồng đúng là chuẩn không cần chỉnh.
Sẽ là thiếu nếu không kể đến những cái tên cũng làm nên niềm tự hào của cư dân Khu tập thể Nam Đồng. Anh hùng lực lượng vũ trang có La Văn Cầu, Nguyễn Đức Soát, Lê Mã Lương, Kim Ngọc Quảng, Hồ Đệ... Nhà văn quân đội: Hữu Mai, Hồ Phương, Hải Hồ, Đỗ Chu...; nhạc sĩ: Văn An, Nguyễn Đức Toàn, Thuận Yến...; hoạ sĩ: Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm... đấy mới chỉ là những cái tên mà tôi nhớ.