(ĐSPL) – Anh Dũng cho rằng, mình bị một chiếc máy phát sóng, làm mất ý thức, điều khiển hành vi. Các chuyên gia về tâm thần dự đoán anh đã mắc bệnh.
Trong đơn gửi về báo Đời sống và Pháp luật, anh Nguyễn Thế Dũng (tạm trú tại phường Thới An, Q.12, TP.HCM) khẳng định: "Mình bị một chiếc máy phát sóng, làm mất ý thức, điều khiển hành vi".
Cụ thể, anh Dũng đã nêu, cách đây 7 năm (năm 2007), anh Dũng phát hiện có người nói chuyện trong đầu mình (không phải trong tai), và kéo dài cho tới tận ngày hôm nay. Họ nói toàn chuyện mặt trái, chỉ nói và làm ngược những việc anh Dũng làm.
Nếu học tập, nghiên cứu thì họ chửi là ngu, làm cho quên. Nếu làm thì họ bó chân tay, bó đầu. Nếu ăn thì họ cho mùi phân trâu, phân bò, họ dày vò, làm không có dịch vị. Nếu ngủ thì họ làm cho mơ màng, thức giấc nhiều lần.
Cuối cùng, anh Dũng cho là mình không thể làm chủ cơ thể, mà có một chiếc máy điều khiển hành vi.
“Vậy là họ toàn nói ngược, làm ngược cái tôi có” – anh Dũng nhấn mạnh.
Anh Dũng đang kể lại những triệu chứng mình đã gặp phải trong 7 năm qua. |
Trò chuyện với phóng viên, anh Dũng giải thích, mình là một người khỏe mạnh, vẫn nghiên cứu khoa học, và nếu tiếp tục thì bây giờ có thể đạt tới trình độ thạc sỹ.
Tuy nhiên, chính vì chiếc máy phát sóng này đã làm cho anh đang học tại Đại học Ngoại thương TP.HCM đã phải nghỉ, bó chân, bó tay không làm được việc gì trong suốt 10 năm qua.
Anh Dũng luôn nghĩ rằng, chiếc máy phát sóng này đã "ngự trị" trong con người mình từ 35 năm nay, mà nó chỉ hoạt động mạnh nhất trong vòng 7 năm qua, phá hoại mọi mặt trong cuộc sống của anh, làm nhức đầu, bức xúc, mất trí nhớ, đau khổ, không làm được việc, mắt mờ…
Anh Nguyễn Thế Dũng đã kết luận, chính chiếc máy phát sóng này đã cướp quyền điều khiển của não, máy này đã điều khiển mọi hành vi của con người anh.
Dấu hiệu bệnh tâm thần phân liệt
Là người có thâm niên làm công tác giám định tâm thần hàng chục năm, khi nghe phóng viên kể về trường hợp của anh Dũng, ThS - BS Nguyễn Ngọc Quang – Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM không ngạc nhiên về những bệnh lý mà anh Dũng có thể mắc phải.
BS Quang khẳng định, qua những triệu chứng mà anh Dũng nêu, có thể anh Dũng đã mắc chứng tâm thần phân liệt, với những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác điển hình. Bệnh mang tính chất mạn tính kéo dài.
Với độ tuổi 35 của mình, anh Dũng có thể mắc bệnh này từ cách đây 10 năm. Biểu hiện là các triệu chứng bị rối loạn tư duy, hoang tưởng, tâm thần tư duy vang thành tiếng, rối loạn ảo giác.
ThS BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM. |
“Tôi không biết rõ người thân đã cho anh Dũng đi điều trị tại đâu chưa, nhưng chính những triệu chứng này đã làm cho công việc và học tập của anh giảm sút thấy rõ. Người mắc chứng bệnh này luôn tự cho là mình đang khỏe mạnh, với những triệu chứng hoang tưởng”, BS nói.
Theo BS Quang, thông thường, những bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt là người có một trình độ học vấn nhất định, đã từng điều trị, khám tại một cơ sở y tế nào đó, nhưng công việc điều trị không liên tục nên bệnh vẫn còn dai dẳng.
Bác sĩ Quang dự đoán đây là một căn bệnh rất khó chữa, có thể kéo dài trong một thời gian rất dài mới kết thúc. Thậm chí, có những trường hợp bệnh nhân phải đi điều trị cả đời.
Là người làm công tác chuyên môn, bác sĩ Quang cho rằng cắt được những triệu chứng hoang tưởng “là cả một vấn đề lớn, không hề đơn giản. Nếu người bệnh chấp nhận mình có bệnh, uống thuốc thì mới mong chữa khỏi được”.
Bệnh tâm thần phân liệt có những biểu hiện gì? * Bệnh nhân cho rằng ý nghĩ của mình bị phát thanh, ý nghĩ của mình bị người khác biết, hoặc họ đọc được ý nghĩ của mình. * Nghi ngờ có người điều khiển chi phối, kiểm tra; bị theo dõi, ám hại hay đầu độc mình, ghen tuông vô lý. * Cho mình có khả nǎng đặc biệt, có quyền lực như siêu nhân có khả nǎng làm được những việc kỳ lạ, là người nhà trời, điều khiển được mưa gió. * Nghi ngờ mình mắc bệnh nặng như ung thư, lao, HIV, giang mai, tim mạch, mà thực tế không bị bệnh gì. * Nghĩ rằng mình có những khuyết điểm lớn, có tội phải bị trừng phạt nặng nề. * Bệnh nhân nghe, nhìn, ngửi hoặc cảm thấy những gì mà người khác không thấy (không có trong thực tế). Thí dụ: Nghe thấy tiếng nói trong đầu hoặc tiếng nói phát ra từ một bộ phận nào đó của cơ thể. Tiếng nói bình luận hành vi của bệnh nhân hoặc thảo luận với nhau về bệnh nhân. * Các bất thường về hành vi cảm xúc. - Kích động, đập phá, hò hét vô cớ, hành hung với người thân hoặc hàng xóm. - Ít nói, hỏi gặng cũng không nói, không ăn, thu mình lại, tính tình khô lạnh không muốn tiếp xúc với người thân. Tính khí vui buồn, giận dữ thất thường. |