Chỉ với tờ giấy chứng nhận, một chiếc đồng hồ giá vài triệu sẽ có “thân phận” mới mang tên đồng hồ chính hãng với mức giá lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.
Hàng loạt cửa hàng, công ty mang tên phân phối đồng hồ chính hãng cũng đua nhau nở rộ với những cái tên như: Watchtime; Đăng Quang, Tân Thế Kỷ; JP Watch; Galle Watch…Một thực tế không thể phủ nhận đó là 80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả, ngay cả những đại lý phân phối hàng chính hãng cũng thừa nhận, chất lượng đồng hồ hiện nay trên thị trường chủ yếu phụ thuộc vào “tâm” của người bán. Nhiều chiếc đồng hồ giả (hay còn gọi là fake) đã đạt trình độ nhái hoàn hảo đến 90% so với hàng thật. Con số này báo động tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” của thị trường đồng hồ hiện nay.
Điểm chung của những đại lý, chuỗi cửa hàng này là cam kết sản phẩm do cửa hàng bán ra đều là hàng chính hãng 100%, là đại lí phân phối độc quyền, ủy quyền của các hãng đồng hồ nổi tiếng thế giới của các quốc gia như Thụy Sĩ, Nhật Bản…, với đủ thương hiệu từ bình dân đến cao cấp như Casio, Orient, Seiko, Citizen, Ogival, Olympia, Mido, Citizen, Longines, Rado, Frederique Constant, Perrelet, Century, Chronoswiss, Zenith, Breitling, Tissot, Epos Swiss, Atlantic Swiss, Bruno Sohnle Glashutte...
Một số chuỗi cửa hàng đồng hồ lớn, có uy tín đã có thêm các dịch vụ về thẩm định đồng hồ, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm của mình có phải hàng chính hãng hay không, cũng như tạo niềm tin trong mua bán. Tuy nhiên, mới đây người dùng có tên Vũ Ngọc Dũng đã chia sẻ câu chuyện khi mua phải một chiếc đồng hồ nhãn hiệu Maurice Lacroix được cho là hàng fake, mặc dù đã qua thẩm định tại 2 cửa hàng đồng hồ uy tín.
Anh Dũng cho biết, khi phát hiện chiếc đồng hồ có dấu hiệu là hàng fake, anh đã mang đi kiểm tra tại hệ thống của hàng anh mua. Nhân viên kỹ thuật tại đây khẳng định: Chiếc đồng hồ là hàng thật, bản limited (giới hạn), không đụng hàng với các bản khác. Đồng thời, nhân viên đó còn cung cấp “Giấy chứng nhận” số hiệu: 5535 ngày 21/6 khẳng định chiếc đồng hồ là chính hãng.
Hai ngày sau, cửa hàng bán đồng hồ đã gọi điện cho anh Dũng để thẩm định lại chiếc đồng hồ và lần này kết quả đã thay đổi khi cửa hàng thừa nhận đã có sai sót trong việc thẩm định chiếc đồng hồ Maurice Lacroix, đồng thời, xin đền bù toàn bộ thiệt hại phát sinh.
Sự việc một cửa hàng uy tín về mặt hàng đồng hồ phạm phải sai lầm cơ bản khiến nhiều người yêu đồng hồ đặt ra câu hỏi: Có bao nhiêu giấy chứng nhận đã “phù phép” đồng hồ giả thành thật để lừa người tiêu dùng?
Nhiều người đặt ra câu hỏi về một số cửa hàng có tiếng tại Hà Nội có đang đánh lừa người tiêu dùng?. (Ảnh: Tiền Phong) |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn – Đại diện công ty CP Xwatch quốc tế chuyên về mua bán đồng hồ cho biết, việc thẩm định đồng hồ xuất phát từ nhu cầu được mua hàng thật của người tiêu dùng trong thị trường đa số là đồng hồ giả, nhái (chiếm tới 90%). Xwatch là đơn vị đầu tiên có bộ phận thẩm định miễn phí cho khách hàng, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Từ năm 2016 đến năm 2018, đơn vị này đã thẩm định 555 chiếc đồng hồ có kèm giấy chứng nhận. Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận với mức độ làm giả ngày càng tinh vi như hiện nay, kể cả những đơn vị thẩm định uy tín nhất thị trường cũng khó tránh khỏi sai sót.
Được biết, năm nào các vụ buôn bán đồng hồ giả, nhái cũng bị thu giữ, xử lý. Thế nhưng, tình trạng này vẫn xuất hiện không chỉ do nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng mà còn bởi “siêu lợi nhuận” do nó đem lại.
Hoàng Giang(T/h)