+Aa-
    Zalo

    Cô giáo Mỹ gốc Việt sang châu Phi dạy học, mặc áo dài đứng lớp "gây sốt"

    (ĐS&PL) - Chị Đinh Thu Hồng hiện là giáo viên tiểu học tại Mỹ. Hành trình trở thành giáo viên của người phụ nữ gốc Việt này khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ.

    Tự hào cô giáo Mỹ gốc Việt mặc áo dài dạy học

    Chị Đinh Thu Hồng sở hữu bằng cử nhân khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; văn bằng hai khoa tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

    Năm 2007, chị sang Mỹ định cư. Hiện chị là thạc sĩ Giáo dục chuyên ngành tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL), hiện là giáo viên tiểu học tại học khu Gwinnett, tiểu bang Georgia.

    Mới đây, chị vừa kết thúc chuyến hành trình hơn 2 tuần sang Ghana (quốc gia ở Tây Phi) để làm giáo viên dạy cho các em nhỏ.

    Được biết, những lớp học này nằm trong khuôn khổ của chương trình giáo viên toàn cầu của Fulbright. Để trở thành người được chọn, chị phải trải qua quá trình xét duyệt và nộp hồ sơ cũng vô cùng khó và cạnh tranh. Chị Hồng nộp hồ sơ tháng 2/2023, biết kết quả vào tháng 5, bắt đầu chương trình kéo dài 1 năm vào tháng 9/2023 và sẽ kết thúc vào tháng 9/2024.

    Chị Hồng chia sẻ: "Năm học mình nộp có tới gần 1.000 giáo viên bậc phổ thông (K12) ở Mỹ ứng tuyển, 60 người được chọn. Trong 60 người được chọn cho năm học này thì chỉ 5 người (trong đó có Thu Hồng) là giáo viên tiểu học. Còn lại chủ yếu là giáo viên THCS & THPT, hoặc thủ thư hay giáo viên dạy giáo dục đặc biệt”.

    Hình ảnh chị Thu Hồng dạy học trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen khiến nhiều người nhớ về hình ảnh trường học xưa ở Việt Nam.

    Hình ảnh chị Thu Hồng dạy học trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen khiến nhiều người nhớ về hình ảnh trường học xưa ở Việt Nam.

    Tất cả các giáo viên được chọn đều có trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Mỹ. Có những người là giáo viên xuất sắc toàn quốc, được diện kiến tổng thống. Có người là giảng viên ballet tại California, dạy học sinh đi dự và đoạt giải thế giới. Có giáo viên từng tốt nghiệp ĐH Stanford, học cùng lớp với những nhà văn nổi tiếng toàn cầu…

    Chị Hồng được lọt vào danh sách giáo viên này nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ của chị cho giáo dục. Chị là người sáng lập và quản trị trang fanpage “Học kiểu Mỹ tại nhà” với hơn 62.000 người theo dõi, đồng thời là tác giả 3 cuốn sách bán chạy: “Học kiểu Mỹ tại nhà”, “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà” và “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội”. Trong năm 2024, chị Thu Hồng còn là đồng tác giả sách “50 hoạt động nâng cao kỹ năng tiếng Anh trên lớp và tại nhà”.

    Chị Thu Hồng cho biết: “Mình có những đóng góp cho cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc ứng tuyển”.

    Điều đặc biệt, chị Hồng đã diện áo dài trong những giờ lên lớp với trẻ em ở Ghana (quốc gia ở Tây Phi). Nụ cười rạng rỡ của chị Hồng trong trang phục truyền thống của Việt Nam khiến nhiều người vô cùng tự hào.

    Hành trình trở thành giáo viên ở Mỹ

    Nghề giáo viên đem lại cho chị Hồng những trải nghiệm, chị có cái nhìn sâu sắc và bao dung hơn, hiểu biết được văn hóa, hoàn cảnh của học sinh và chấp nhận những góc nhìn khác nhau.

    Để trở thành giáo viên trên đất Mỹ là điều không hề dễ dàng, khác biệt về văn hóa, cùng những yêu cầu khắt khe khác khiến chị phải mất một thời gian dài cố gắng.

    Thu Hồng chia sẻ, chị đến với nghề giáo là nhờ... chồng mình. Khi còn ở Việt Nam, chị chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên tiểu học ở một nơi cách quê hương mình cả nửa vòng trái đất, mặc dù ở Việt Nam đã từng là gia sư tiếng Anh.

    Tốt nghiệp đại học, chị vào làm cho một tờ báo Tiếng Anh ở trong nước. Kết hôn và sang Mỹ theo chồng, Thu Hồng phải làm lại từ đầu. Nhìn lại số bằng cấp trong nước mà Hồng sở hữu, ông xã đã đưa ra lời khuyên, cô nên theo nghề giáo viên, bởi làm báo ở nước Mỹ quá khác so với khi ở Việt Nam.

    Thế rồi, chị trải qua kỳ thi Toán và Tiếng Anh để đậu vào khóa học giáo viên kéo dài 2 năm trên đất Mỹ. Đến kỳ thi đầu ra và đi thực tập để được cấp giấy phép. Chị tích lũy kinh nghiệm từ quãng thời gian dạy thế (khi đột xuất thiếu giáo viên, nhà trường sẽ gọi những người đã đăng ký dạy thế đến hỗ trợ).

    Chị Thu Hồng bên 3 cuốn sách đã xuất bản.

    Chị Thu Hồng bên 3 cuốn sách đã xuất bản.

    Đến năm 2013, chị Hồng chính thức trở thành giáo viên tiểu học ở trường Brighton Avenue, bang New Jersey. Chị Hồng gắn bó với nghề từ đó đến nay. Và đến giờ, sau rất nhiều trải nghiệm, Hồng vẫn chia sẻ rằng "mình biết ơn chồng vì lời khuyên chọn nghề rất hữu ích và sự ủng hộ thầm lặng với những dự án mình theo đuổi”.

    Những nỗ lực hướng tới quê nhà

    Qua fanpage “Học kiểu Mỹ tại nhà”, chị Hồng cập nhật thông tin đều đặn về những kinh nghiệm thực tế đứng lớp ở Mỹ. Đây là kênh thông tin được nhiều phụ huynh mong đợi và hứng thú vì họ có thể áp dụng tại nhà, không tốn tiền đưa con đến học tại các trung tâm.

    Chị Thu Hồng nói: "Tôi muốn chia sẻ đam mê và hứng thú say mê học tập cho các phụ huynh và các em nhỏ tại Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với nguồn kiến thức cập nhật nhất trên thế giới. Đó là những kiến thức bổ ích giúp cho các em cả về tư duy chứ và kỹ năng xã hội chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức từng môn học cụ thể".

    Chưa dừng lại ở đó, từ đây, chị Thu Hồng đã kết nối để gây quỹ, triển khai một loạt các dự án cho cộng đồng ở Việt Nam như: Dự án góc thông tin giúp phụ nữ nghèo ở Yên Bái tiếp cận nguồn thông tin để làm nông nghiệp sạch, Dự án xây dựng tủ sách nhỏ cho học sinh miền núi Yên Bái và Thái Nguyên; Chia sẻ về chủ đề dạy và học theo phương pháp STEM tiêu chuẩn Hoa Kỳ… và cuốn sách tập hợp các bài đã đăng trên trang “Học kiểu Mỹ tại nhà” do Công ty Nhã Nam phát hành vào tháng 3/2019.

    Với chị, việc được đứng trên bục giảng, viết sách, lan tỏa kiến thức cho cộng đồng như “sứ mệnh”. Chị luôn nỗ lực, cố gắng mỗi ngày với những đam mê của mình.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/co-giao-my-goc-viet-sang-chau-phi-day-hoc-mac-ao-dai-ung-lop-gay-sot-a468036.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sinh viên không thực tập có sao không?

    Sinh viên không thực tập có sao không?

    Trong chương trình đào tạo của các trường đại học đều có phần thực tập dành riêng cho sinh viên. Việc có đi thực tập không là câu hỏi mà nhiều bạn sinh viên đặt ra.