+Aa-
    Zalo

    Cô giáo khiến cộng đồng mạng khen ngợi vì bài giảng chống bắt nạt học đường sống động và giàu trí tưởng tượng

    (ĐS&PL) - Bài học về cách chống nạn bắt nạt học đường của cô giáo Dương nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng xã hội bởi nó đơn giản, dễ hiểu nhưng lại vô cùng sâu sắc và ỹ nghĩa.

    Ngày 29/11, cô giáo Dương Đan ở Liêu Ninh, Trung Quốc đăng video bày cách cho học sinh tiểu học tránh bị bắt nạt. Video này thu hút 600.000 lượt yêu thích trên Douyin.

    Theo cô Dương, một phụ huynh trong lớp phản ánh với cô việc con trai bị bạn cùng lớp bắt nạt bằng cách liên tục giẫm đạp lên người và mượn tẩy nhưng không trả. Cậu học sinh bị bắt nạt sợ đến nỗi có hôm cứ ôm khư khư cái tẩy trong tay, không rời phút nào.

    co giao khien cong dong mang khen ngoi vi bai giang chong bat nat hoc duong song dong va giau tri tuong tuong1
    Cô giáo được khen ngợi vì bài giảng chống bắt nạt học đường sống động và giàu trí tưởng tượng. Ảnh: SCMP

    Để giải quyết tình huống, cô Dương mời một học sinh trong lớp chơi một trò chơi, trong đó cô yêu cầu em bóp một gói mỳ ăn liền giòn, đập một quả táo và đập vào một hòn đá.

    Sau đó, cô Dương kết luận: "Các em đừng dễ vỡ vụn như gói mỳ ăn liền, hãy là một tảng đá". Cô giáo giải thích với các học sinh rằng bất kỳ ai bị bắt nạt cũng phải mạnh mẽ và chống trả để dừng hành vi đó lại thay vì dung túng.

    Bài học về cách chống nạn bắt nạt học đường của cô giáo Dương nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng xã hội bởi nó đơn giản, dễ hiểu: "Một giáo viên có trách nhiệm không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn có trách nhiệm bồi dưỡng con người. Bạn là một giáo viên tuyệt vời",

    "Những đứa trẻ thật may mắn khi có được một giáo viên như bạn".

    Trong bài giảng hôm đó, cô Dương nói với học sinh rằng tất cả các bạn trong lớp đều là đứa con yêu quý của cha mẹ, các em không nên bắt nạt những học sinh điểm thấp hơn hoặc yếu hơn mình vì điều đó sẽ khiến các bạn tổn thương và làm tan nát trái tim của cha mẹ họ.

    Cô khuyến khích học sinh của mình đứng lên chống lại bạo lực học đường và cô hứa sẽ giúp đỡ nếu các em bị đối xử bất công.

    Dương cho biết cô đã nói chuyện riêng với học sinh bị bắt nạt và bạn cùng bàn của cậu sau bài giảng, và học sinh bắt nạt bạn đã nhận ra sai lầm của mình.

    Trong những năm gần đây, nhiều trường học ở Trung Quốc đã mời cảnh sát đến giảng về chủ đề này trong bối cảnh nhận thức chống bắt nạt ngày càng tăng

    Trước đó, tại đất nước tỉ dân, một nam sinh tên Ke Liangwei, học sinh trung học cơ sở ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, mất tích ngày 23/10. Ba ngày sau, thi thể cậu bé được tìm thấy tại một nơi vắng vẻ. Ke bị chết đuối.

    Một tuần sau, câu chuyện đen tối phía sau cái chết của Ke đã phơi bày vấn nạn bắt nạt trong các trường học ở Trung Quốc. Trong một video, Ke bị bạn học tát vào mặt, khiến cậu bé ngã xuống sàn nhà vệ sinh, trong khi một số học sinh khác đứng xem và cổ vũ.

    Chỉ sau khi Ke mất tích, gia đình mới biết thiếu niên đã nhiều lần bị bắt nạt ở trường, kể cả ngày trước khi cậu bé biến mất.

    "Tôi không thể tưởng tượng Ke Liangwei đã phải trải qua sự hành hạ như thế nào trong khoảng thời gian dài bị bắt nạt đó. Tôi thấy cần phải công khai để những điều như vậy không tái diễn với học sinh khác", người thân của Ke đăng trên mạng xã hội.

    co giao khien cong dong mang khen ngoi vi bai giang chong bat nat hoc duong song dong va giau tri tuong tuong2

    Bắt nạt học đường diễn ra dưới nhiều hình thức từ tác động tâm lý như lời nói, tẩy chay, quấy rối cho đến những tác động vật lý như xô xát, thậm chí là dùng vũ lực và diễn ra dai dẳng, không chỉ là tại trường lớp mà còn xảy ra cả trên mạng xã hội. Hậu quả của bắt nạt học đường có thể ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, sự tự tin, thân thể và sự phát triển lành mạnh của trẻ. Ảnh minh họa.

    Cảnh sát và phòng giáo dục thành phố Mậu Danh xác nhận câu chuyện của Ke, nhưng không nêu ra mối liên hệ nào giữa vụ bắt nạt với cái chết của cậu bé. Dù vậy, câu chuyện đã gây chấn động ở Trung Quốc về tình trạng bắt nạt ngày càng phổ biến ở nước này và khả năng các nạn nhân sẽ im lặng.

    Một nghiên cứu từ Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán (CCNU) cho thấy khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh từ 6 tỉnh từng bị bắt nạt. Trong nhóm đó, 45% chọn "giữ bí mật". Chỉ khoảng 25% trong độ tuổi 6-18 nói rằng sẽ báo với giáo viên hoặc phụ huynh.

    Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ ba học sinh 13-15 tuổi thì có một em bị bắt nạt.

    Như nhiều quốc gia, luật pháp Trung Quốc không quy định rõ ràng về cấm bắt nạt, nhưng giới chức có thể buộc tội trong trường hợp dẫn đến thương tích nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, bắt nạt thường liên quan đến học sinh, dưới mức tuổi tối thiểu 14 để chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp cực kỳ nghiêm trọng, trẻ em trên 12 tuổi có thể bị truy tố.

    Theo nghĩa pháp lý, "bắt nạt" đề cập đến ngược đãi thể chất, quấy rối bằng lời nói, bắt nạt trên mạng và bắt nạt xã hội, như cô lập ai đó có chủ đích.

    Giáo sư Wang Zhenhui từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết nước này thiếu biện pháp cụ thể để cải tạo những kẻ bắt nạt và giúp đỡ nạn nhân. Đó là một trong những yếu tố khiến bắt nạt trở thành vấn đề dai dẳng trong các trường học Trung Quốc.

    "Nếu người bắt nạt không được giáo dục kịp thời và hiệu quả thì hành vi của họ không thể sửa chữa. Họ sẽ càng thích bắt nạt người yếu hơn và nhiều khả năng chuyển sang các hành vi nghiêm trọng hơn, dẫn đến nhiều tổn hại hơn cho người khác", ông nói.

    Trước đây, xã hội Trung Quốc xem bắt nạt là kiểu hành vi trẻ con nghịch ngợm, không khác cách văn hóa Mỹ từng coi bắt nạt là "trò con trẻ". Gần đây, nhận thức cộng đồng về tác hại của bắt nạt đang thay đổi.

    Trung Quốc hồi tháng 6 ban hành Luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên, yêu cầu tất cả trường học xây dựng hệ thống quy định ngăn chặn nạn bắt nạt. Bộ Giáo dục nhắm mục tiêu cụ thể đến "bảo vệ trẻ vị thành niên ở trường", có hiệu lực từ tháng 9. Tuy nhiên, ban giám hiệu các trường thiếu thực thi, khiến người bắt nạt không bị trừng phạt và các nạn nhân không biết phải giải quyết như thế nào.

    Một nữ sinh 17 tuổi ở Thượng Hải cho biết chưa bao giờ được giáo viên dạy dỗ về hành vi bắt nạt học đường. Cô từng chứng kiến một số trường hợp bị bắt nạt ở trường nhưng không báo cho giáo viên hoặc nhân viên trong trường.

    "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là nạn nhân nên chống trả. Họ nên nhờ bạn học hoặc bạn bè giúp đỡ", nữ sinh nói.

    Ở Bắc Kinh, học sinh đồng tính 16 tuổi từ một trường dạy nghề hồi tháng ba lên mạng xã hội tố cáo chuyện ban giám hiệu yêu cầu cậu im lặng chịu đựng những kẻ bắt nạt hoặc chuyển trường sau khi cậu đề nghị được giúp đỡ. Theo nam sinh này, hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những kẻ bắt nạt là yêu cầu 8 học sinh liên quan viết bản kiểm điểm và chép lại nội quy.

    Giáo sư Wang cho rằng bắt nạt cũng thường xảy ra đối với những người có cha mẹ không dạy con cách xử lý tốt cảm xúc và quan hệ giữa các cá nhân. Theo nghiên cứu của CCNU, học sinh xuất thân từ các gia đình giàu có hoặc quyền lực thường ít bị bắt nạt hơn.

    Tiếp xúc nhiều với bạo lực cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì "so với các thế hệ cũ, thông tin bạo lực ngày nay đa dạng hơn và dễ tiếp cận hơn đối với học sinh", Wang nói thêm.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-giao-khien-cong-dong-mang-khen-ngoi-vi-bai-giang-chong-bat-nat-hoc-duong-song-dong-va-giau-tri-tuong-tuong-a603892.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Một địa phương ban hành lệnh cấm ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức

    Một địa phương ban hành lệnh cấm ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức

    Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, nội dung nổi bật là học sinh học thêm trên tinh thần tự nguyện và được sự đồng ý của phụ huynh, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.