Người mẹ thứ 2 của học sinh nghèo
Theo Giáo dục và Thời đại, vuất thân từ vùng quê nghèo khó ở Diễn Châu (Nghệ An), cô giáo Hoàng Thị Thái Hòa (sinh năm 1978) đã sớm cảm nhận sâu sắc những khó khăn mà trẻ em nghèo phải đối mặt khi không có điều kiện đến trường. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh năm 2000 và được phân công về Trường THCS xã Quỳnh Bảng, cô Hòa đã dốc hết tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người".
Những ngày đầu đi làm, mặc dù mức lương chỉ vỏn vẹn 380.000 đồng/tháng nhưng cô Hòa đều dành 10% để trích lại mua quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Sau nhiều năm công tác, nữ giáo viên này vẫn giữ thói quen giữ lại 10% tiền lương để làm việc thiện.
Trung bình, mỗi tháng cô Hòa sẽ hỗ trợ tiền để trang trải việc học cho 2 - 3 em học sinh. Cô đặc biệt quan tâm đến học trò mồ côi, luôn vận động đồng nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm để các em không lỡ bước đến trường. Đến nay, 4 em học sinh mồ côi được giáo viên này nhận làm “mẹ đỡ đầu”. Nhờ sự kết nối, giúp đỡ của cô, nhiều học sinh được tiếp thêm động lực để cố gắng vươn lên trong học tập.
Một trong số đó phải kể đến là em Hoàng Danh Hồng Lĩnh, học sinh lớp 9B, Trường THCS Quỳnh Bảng. Lĩnh có hoàn cảnh éo le, bố mất năm em tròn 1 tuổi, 10 năm sau mẹ cũng qua đời do ung thư gan. Không còn chỗ dựa, em đành đến ở cùng bà ngoại và cậu, bữa rau bữa cháo qua ngày. Vì không có tiền đi học, Lĩnh từng suy sụp và có ý định bỏ học khi vừa tốt nghiệp tiểu học.
Thương cho hoàn cảnh cậu học trò nghèo, cô giáo Hòa nhận làm “mẹ đỡ đầu” của Lĩnh. Ngoài hỗ trợ học phí hằng năm, Lĩnh được “mẹ Hòa” hết mực yêu thương, quan tâm, lo lắng. Bất cứ vấn đề gì cả về vật chất lẫn tinh thần, hai mẹ con đều tâm sự, sẻ chia và cùng đồng hành.
“Mẹ Hòa là người hiền lành, luôn quan tâm và coi em như người con trong nhà. Mẹ thường dạy em học, dạy điều hay lẽ phải, chia sẻ động viên em mọi lúc mọi nơi. Nhờ mẹ mà em mới có thể tiếp tục đến trường”, em Hồng Lĩnh tâm sự.
Không phụ lòng giúp đỡ của người cô, người mẹ, hơn 4 năm qua Lĩnh luôn là cậu học trò chăm ngoan, năm nào cũng là học sinh giỏi toàn diện. Năm học vừa qua, Lĩnh còn đạt danh hiệu học sinh giỏi huyện môn sinh học.
Nghề giáo là một sứ mệnh cao cả
Với cô Hòa, nghề giáo không chỉ là một công việc mà còn là một sứ mệnh cao cả. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, cô còn quan tâm đến từng học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.
Cô như một người mẹ hiền, luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và động viên các em. Có nhiều hoàn cảnh học sinh phải bỏ học vì điều kiện gia đình khó khăn, cô Hòa cũng động viên, tìm mọi cách giúp các em quay lại trường học.
Thấu hiểu sự yêu thương, chia sẻ với học trò nghèo mà cô giáo Hòa giúp đỡ trong những năm qua, không chỉ các đồng nghiệp trong trường mà nhiều thế hệ học trò cũng kết nối để đồng hành cùng nữ giáo viên này.
Cách đây vài năm, một số học trò từng được cô giúp đỡ ra trường và thành đạt trở về thăm, tặng quà. Nhưng cô chỉ đón nhận tình cảm, còn quà đề xuất trò cũ tặng lại các em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Theo VnExpress, chồng cô Hòa cũng là giáo viên trường THCS Quỳnh Bảng, luôn ủng hộ việc thiện nguyện của vợ. Nhiều lúc trời tối, mưa gió, anh chở vợ đến tiếp xúc với những hoàn cảnh ở xã vùng xa của huyện.
Bốn năm nay, cô Hòa lập các nhóm trên mạng xã hội, kêu gọi học sinh cũ - nay đã có công việc ổn định, đặt vấn đề nhờ hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài giúp đỡ các em đang học Tiểu học đến THPT, nhóm còn trích tiền hỗ trợ gia đình nghèo, cụ già neo đơn vào những dịp lễ, Tết...
Lãnh đạo trường THCS Quỳnh Bảng đánh giá cô Hòa chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề, được nhiều người quý mến bởi tấm lòng bao dung, thơm thảo. Hàng năm nhiều học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn được cô kết nối giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Năm nay 46 tuổi, cô Hòa nói chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục sự nghiệp gieo chữ và cùng mọi người giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn “Mong muốn của tôi bây giờ là có nhiều sức khỏe để dạy các lớp học trò tiếp theo, để các em trưởng thành và quay về cùng với cô giúp đỡ những gia đình, những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, tiếp thêm động lực cho các em vượt qua, vươn lên học tốt trở thành nhân tố tốt cho xã hội”, cô giáo Hòa tâm sự.