Sinh ra và lớn lên tại huyện biên giới vùng sâu vùng xa của tỉnh Yên Bái, trong một gia đình nghèo đông anh em, thu nhập trong gia đình chủ yếu đến từ nông nghiệp, cô gái người Mông Sùng Thị Sơ (SN 2002) vẫn luôn cố gắng học tập, nuôi ước mơ để trở thành luật sư. Hiện Sơ đang là sinh viên năm ba Đại học Luật Hà Nội trong ánh mắt tự hào của bạn bè, thầy cô giáo và người thân trong gia đình.
3 lần bị “kéo” về làm vợ
Đối với người dân tộc Mông trên vùng núi Tây Bắc, “kéo” vợ là một tập tục lâu đời, thể hiện sự tự do trong hôn nhân, lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo, không đủ tiền lo việc cưới xin.
Tục “kéo” vợ chỉ xảy ra khi đôi trai gái đã “ưng” nhau và đây cũng được coi là một nghi lễ trước khi hai người kết hôn. Tuy nhiên, một số người lại lợi dụng tục “kéo” vợ này để giữ người trái pháp luật, ép cô gái không thích mình phải cưới mình, ngay cả khi cô gái đó chưa đủ tuổi vị thành niên. Em Sùng Thị Sơ không may đã trở thành “nạn nhân” của vấn nạn này.
Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, Sơ nghẹn ngào kể lại câu chuyện: “Lần đầu tiên em đang học lớp 8 thì bị một anh kéo đi, nhưng may mắn có sự giúp đỡ từ hàng xóm nên em trốn thoát được. Lần thứ 2 là năm em chuẩn bị vào lớp 10, cách đúng ngày nhập học 1 ngày thì em bị "kéo" đi "làm vợ". Nhưng trong cái rủi cũng có cái may nên em đã trốn được về nhà. Dù lần này em được các thanh niên cùng làng kịp thời cứu về, tuy nhiên, đoàn “kéo” vợ và người cùng làng em đã xảy ra xô xát, thậm chí còn dẫn đến thương tích phải đưa đi bệnh viện cấp cứu”.
Chưa dừng câu chuyện ở đó, 3 năm sau, Sơ lại tiếp tục “suýt” thành vợ người ta. Chiều tối hôm đó, khi Sơ đang chuẩn bị ăn cơm cùng gia đình, một người đàn ông tên L., hơn cô 6 tuổi, người làng khác đến rủ cô đi chơi. Nhận thấy sự việc không đơn giản như vậy, Sơ đã khéo léo từ chối. Tuy nhiên, ngay sau đó, L. cùng bạn mình đã bất ngờ bế cô lên xe, mặc cho Sơ cố gắng vẫy vùng, khóc lóc, van xin.
Xe chòng chành đi đến đoạn đường đèo, Sơ đã từng nghĩ sẽ gieo mình xuống vực. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, các em ở nhà và bao dự định, hoài bão còn giang dở, Sơ đã từ bỏ suy nghĩ ấy và quyết định tìm cách thoát thân. Đến nhà L., Sơ đã lấy cớ gọi điện cho trường lấy lịch học, sau đó thành công mượn điện thoại L. gọi điện về cho bố mẹ.
“Nhân lúc không ai để ý, em đã lén gọi điện về nhà cho bố mẹ cầu cứu. Bố em đã mặc kệ hết tất cả lời khuyên của dân làng, cho dù đưa em về nhà có bị dị nghị bàn tán đi chăng nữa! Bố em đã vượt mọi định kiến, quyết định phải đón em về cho bằng được. Qua sự việc này, em càng quyết tâm hơn trong việc học tập và theo đuổi con ước mơ”, Sơ cho hay.
Một cô Mị bước ra từ “Vợ chồng A Phủ”
Nếu như chúng ta bắt gặp hình ảnh cô Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (của nhà văn Tô Hoài) cùng với những công việc lặp đi lặp lại, lẫn vào các vật vô tri nhưng vẫn có một sức sống tiềm tàng. Thì đến với Sơ, nhóm PV chúng tôi thấy được sức sống tiềm tàng đấy một cách mãnh liệt và cháy bỏng nhất.
Sơ chia sẻ, có rất nhiều trường hợp như cô, bị ép đi làm vợ. Nhiều bạn mới chỉ 13, 14 tuổi đã đi lấy chồng, đến 16, 17 tuổi lại bế con về nhà mẹ, bởi lẽ không thể tiếp tục chung sống với người chồng đã “ép” mình về làm vợ, một phần vì còn quá trẻ, không có kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ.
Thay vì lựa chọn chịu cam chịu số phận thì cô gái bé nhỏ ấy đã lựa chọn phản kháng: “Khi người con gái không thích họ nhưng họ vẫn cố tình “kéo” người ta về làm vợ thì danh dự của cô gái sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Em cũng như những người con gái khác, luôn luôn mong cầu chuyện hôn nhân phải dựa trên sự tự nguyện từ hai phía”.
Sau khi trở về nhà, chưa kịp ổn định tinh thần, Sơ và gia đình đã phải chịu không ít những lời lẽ dè bỉu thậm chí rất khó nghe bởi lẽ khi người con gái bị “kéo” đến vài lần vẫn không chịu đi lấy chồng thì giá trị của Sơ sẽ mất đi.
Chính vì lẽ đó mà Sơ đã quyết tâm thi vào Đại học Luật Hà Nội để trở thành một Luật sư với mong muốn: “Sau này về bản để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ”.
Vì bị “kéo” về làm vợ vào năm học lớp 12, cộng thêm những hậu quả về dư luận lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của Sơ nhưng không vì thế mà cô bỏ bê chuyện học hành. Được bố mẹ khích lệ, các thầy cô động viên, hướng dẫn tận tình cùng với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, với số điểm 28.25 điểm (khối C00) Sùng Thị Sơ thành công đỗ ngành Luật của trường Đại học Luật Hà Nội.
Quyết tâm trở thành luật sư để giúp đỡ người cùng cảnh ngộ
Vì điều kiện gia đình không khá giả nên Sơ vẫn đi làm thêm để trang trải học phí và nhiều khoản sinh hoạt khác trên Hà Nội. Với một cô gái 20 tuổi, thứ lo lắng nhất không phải là ngày mai đi chơi đâu, hay nghĩ về điều gì đó giản đơn như những bạn cùng trang lứa, đối với Sơ thì nó lại những lo toan trước tuổi: Ngày mai ăn gì, mặc gì, làm thế nào để có một công việc tốt hơn, làm thế nào để có thể lắng lo đủ đầy cho bố mẹ ở nhà nhiều hơn. Mặc dù ngày chỉ được ngủ vài tiếng vì còn đi học và làm thêm, nhưng cô gái nhỏ bé ấy vẫn luôn kiên trì cố gắng để hoàn thiện bản thân và ước mơ giang dở của mình.
“Em khao khát trở thành một luật sư để có thể đem lại sự công bằng, văn minh hơn đến với bản làng của mình, giúp đỡ được những nạn nhân cùng cảnh ngộ để vượt qua mọi định kiến. Nhân cơ hội này, em muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới bố mẹ của mình vì đã không ngại đồng hành cùng em, đối mặt, vượt qua khó khăn và định kiến lạc hậu”, Sùng Thị Sơ chia sẻ với PV Pháp luật và Đời sống.
Cuộc sống này chúng ta có rất nhiều lựa chọn nhưng lựa chọn con đường đến trường, vượt qua nghịch cảnh, vươn lên chính mình thì không phải ai cũng đủ dũng khí để can đảm quyết định. Đôi khi chúng ta không có quyền lựa chọn con đường mình đi nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách sẽ đi trên con đường đó. Trước nghịch cảnh cuộc sống và bao lo toan thường nhật, cô gái nhỏ bé ấy đã lựa chọn tiếp tục con đường “đi học”.
Vừa qua Sùng Thị Sơ đã vinh dự giành được học bổng đặc biệt của quốc hội Bang Hessen (Cộng hòa liên bang Đức) với số điểm học tập 8.42/10, điểm rèn luyện 85/100. Bên cạnh đó, em cũng tích cự tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ để cải thiện các kỹ năng của mình: Thành viên ban Truyền thông Câu lạc bộ Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội, trưởng ban liên lạc Hội đồng hương sinh viên Mông tỉnh Yên bái tại Hà Nội,....
“Em hy vọng về một tương lai không còn những hủ tục, người con gái sẽ không còn phải rơi nước mắt trong cuộc hôn nhân ép buộc. Có một tương lai tươi sáng hơn tại bản làng của mình và nhiều bản làng ở vùng cao khác”, Sùng Thị Sơ bày tỏ nguyện vọng.
Bên cạnh đó, Sùng Thị Sơ đang là thành viên Ban tham vấn thanh niên của tổ chức Plan International Việt Nam. Sơ hy vọng, sẽ có cơ hội thực hiện hóa ước mơ của mình, mang tiếng nói và suy nghĩ tích cực về con người và cuộc sống vùng cao để từ đó cộng đồng có những cái nhìn thoáng hơn, lạc quan hơn về phụ nữ dân tộc thiểu số.
Nông Thảo Ly