Tại Trung Quốc, việc nam nữ xem mắt để tìm người phù hợp tiến tới hôn nhân đã không còn là chuyện gì xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn "thoát ế" sau những cuộc gặp gỡ được sắp xếp.
Mới đây, một người phụ nữ đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã chia sẻ câu chuyện về tình yêu và hôn nhân của mình, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Người phụ nữ 30 tuổi cho biết bản thân đã đi xem mắt tới 30 lần nhưng chưa thể tìm được đối tượng ưng ý. Điều này khiến bố mẹ vô cùng sốt ruột, thường xuyên đốc thúc con gái tìm ý trung nhân khiến người phụ nữ rất mệt mỏi.
Sau khi biết tiêu chuẩn người phụ nữ đặt ra bạn trai hoặc chồng tương lai, cư dân mạng đồng loạt chuyển từ đồng cảm sang lắc đầu ngán ngẩm.
Người phụ nữ nói rằng cô có 4 tiêu chí đặt ra để tìm bạn trai hoặc chồng tương lai. Thứ nhất, người đàn ông đó phải có nhà ở thành phố Thanh Đảo mà không phải vay nợ, đây là thành phố sôi động và giàu có bậc nhất tỉnh Sơn Đông. Thứ hai, sau khi kết hôn thì hai vợ chồng sẽ không sống chung với bố mẹ chồng.
Thứ ba, thu nhập hàng năm của người đàn ông không được thấp hơn 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng). Cuối cùng, sau khi kết hôn thì người phụ nữ phải nắm toàn bộ tài chính trong nhà.
Thêm vào đó, người phụ nữ còn tiết lộ thêm rằng cô thích sống xa hoa, sang chảnh, chỉ dùng mỹ phẩm cao cấp chứ không bao giờ động đến mỹ phẩm rẻ tiền.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng một số người đàn ông có thể đáp ứng được 2 tiêu chí đầu tiên, nhưng khó lòng đáp ứng được hai 2 tiêu chí cuối.
Bên cạnh đó, không ít bình luận cho rằng người phụ nữ đang "ảo tưởng" về bản thân mình quá mức, đồng thời có tính cách "thực dụng". Nếu không sửa đổi tính cách, cô có thể tiếp tục tình trạng độc thân trong nhiều năm tới.
Câu chuyện của trên cũng lần nữa làm dấy lên những tranh luận xung quanh khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu, hôn nhân của đàn ông Trung Quốc.
Chênh lệch giới tính nam nhiều hơn nữ, áp lực kinh tế và xã hội là những nguyên nhân chính khiến nam giới Trung Quốc ngày càng khó khăn trong việc kết hôn.
Để giải quyết tình trạng suy giảm dân số, Bắc Kinh đã bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2015 và thậm chí cho phép sinh con thứ 3 từ tháng 5/2021. Tuy nhiên, nó không thực sự tạo ra chuyển biến lớn.
Bên cạnh đó, áp lực "quà thách cưới" khiến ngày càng nhiều đàn ông nông thôn ở Trung Quốc ngán ngẩm khi nói đến chuyện kết hôn. Nhà cô dâu thách cưới quá cao, cùng với yêu cầu về gia cảnh, điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tình yêu và hôn nhân ở đất nước tỷ dân.
Linh Chi(T/h)