"Ngoài cô bán nước trả lại 4 triệu đồng, em vẫn chưa nhận được thêm một nghìn nào từ những người nhặt tiền...", cô gái đánh rơi cọc tiền 30 triệu bị người đi đường nhặt sạch nói.
Người dân và người đi đường xúm vào "hôi của" - Ảnh cắt từ clip |
Ngày 30/1, trao đổi trên VTC News, chị L.T.N (quê Long An, cô gái trong clip đánh rơi 30 triệu đồng trên đường phố ở quận 7 TP.HCM) cho biết: ""Ngoài cô bán nước trả lại 4 triệu đồng, em vẫn chưa nhận được thêm một nghìn nào từ những người nhặt tiền. Trong clip cũng thể hiện rõ cô bán nước nhặt được nhiều nhất nhưng chỉ trả lại cho em 4 triệu đồng. Còn những người khác, công an đang trích xuất camera...".
Chị N. mong mọi người sớm trả lại tiền để còn trả nợ và chữa bệnh cho mẹ.
Theo lời chị N., mẹ chị bị bệnh tiểu đường và trầm cảm nhiều năm nay nhưng không có tiền chữa. Chị N. gửi con nhỏ 7 tuổi nhờ ba mẹ chăm sóc để lên Sài Gòn bán quần áo thuê, mỗi tháng đều gửi tiền về.
"Số tiền 30 triệu đồng là tiền mồ hôi nước mắt em đi làm thuê suốt một năm trời, bây giờ bị mất, em không dám về quê.
Từ hôm đánh rơi tiền, em chưa nói cho ba mẹ biết vì sợ cả nhà lo lắng. Trong sáng đánh rơi tiền, em khóc rất nhiều, vì dự tính sẽ về quê luôn vào buổi chiều hôm đó nhưng bây giờ không về quê được nữa, em rất nhớ con gái và thương mẹ đang bệnh", chị N. nghẹn ngào.
Trước đó, ngày 29/1, mạng xã hội lan truyền clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh một cô gái chạy xe máy không may bị rớt cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng xuống đường.
Lúc này, một phụ nữ đứng gần đó và người đi đường giành giật tiền gây xôn xao.
Clip sau khi được lan truyền trên mạng xã hội đã gây xôn xao. Nhiều người tỏ thái độ bất bình trước hành động "hôi của" này.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Tri thức trực tuyến, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính theo Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác.
Theo quy đinh này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi "hôi của" có thể bị xử phạt theo Điều 176 Bộ luật Hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Luật sư Nam đồng tình với quan điểm truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 172 nếu số tiền chiếm giữ thỏa mãn quy định. Ông Nam cho rằng hành vi "hôi của" là việc làm xấu xí, cần phải bị lên án, xử lý. Trước đây từng có nhiều vụ việc "hôi bia" bị dư luận lên án mạnh mẽ, về sau có nhiều vụ người dân giúp chủ sở hữu nhặt lại hàng hóa bị đánh rơi rất đáng hoan nghênh.
"Chưa xét đến việc phạm pháp, nhìn dưới góc độ đạo đức thì trong lúc người ta gặp hoạn nạn, nếu mình không giúp được thì cũng đừng chiếm đoạt của họ. Số tiền cô gái làm rơi có khi là tiền trả nợ, tiền chữa bệnh, tiền nuôi con ăn học... Mình lấy của người ta thì khiến họ lâm vào tình cảnh khốn cùng. Việc làm đó rất xấu xí, tôi mong không ai hành xử như những người trong clip", luật sư Nam bày tỏ.
"Người nhặt tiền nên trả lại để tránh có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự. Đây là hành vi đáng lên án, không những vi phạm luật mà còn vi phạm đạo đức", luật sư Hùng chia sẻ.
Cự Giải(T/h)