Nếu tuyên bố rằng hiến pháp của một nước là yếu tố quyết định duy nhất về tính hợp pháp của một hành động được thực hiện trong quốc gia đó thì về cơ bản đã loại bỏ ý nghĩa của luật pháp quốc tế.
Một trong những tranh cãi nổ ra xung quanh việc Catalonia đòi quyền độc lập là bởi nó trái với hiến pháp của Tây Ban Nha. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy mô tả việc đơn phương tuyên bố độc lập này là một “hành động phạm pháp vì nó tuyên bố một điều không thể được – chính là quyền độc lập của Catalan”.
Đa số sự phản đối của cộng đồng quốc tế cũng xoay quanh bản hiến pháp. Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu: “Chúng tôi mong rằng sẽ tìm thấy giải pháp dựa trên cơ sở là hiến pháp Tây Ban Nha”, trong khi đó Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg nhận định vấn đề “phải được giải quyết theo trật tự hiến pháp của Tây Ban Nha”.
Người dân tại Barcelona vui mừng - Ảnh: EPA. |
Có nhiều tranh luận về việc liệu chính phủ Tây Ban Nha có thực sự hành động dựa theo Hiến Pháp hay không. Carles Puigdemont, lãnh đạo xứ Catalan, người bị chính quyền Madrid lật đổ vào ngày 27/10 - đã bác bỏ tính hợp pháp của việc Rajoy áp đặt chế độ cai trị. Tuy nhiên, việc chính phủ Tây Ban Nha chỉ cần dùng hiến pháp của mình để bác bỏ tuyên bố độc lập của Catalonia là lập luận chứa còn nhiều thiếu sót.
Quyền tự quyết vốn có
Trong viễn cảnh lý tưởng, một khu vực đòi ly khai khi có sự chấp thuận của nhà nước chủ quản. Nếu như chính phủ trung ương cho phép khu vực đó được bắt đầu quá trình thực hiện quyền tự quyết thì vấn đề khá dễ dàng. Nhưng điều này này không đồng nghĩa là họ sẽ được ly khai. Các cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập diễn ra trước đây tại Scotland và Quebec đều cho kết quả là không bỏ phiếu.
Trong những năm trở lại đây, một số nước đã tuyên bố độc lập với sự đồng ý của nước chủ quản – mặc dù lúc đầu bị từ chối. Trong số đó bao gồm Slovenia vào năm 1991, Đông Timo năm 2002 và Nam Sudan năm 2011, kết quả trưng cầu dẫn ý đòi độc lập cuối cùng cũng được nhà nước chủ quản chấp thuận. Cũng trong bối cảnh tương tự, Tiệp Khắc đã thành công chia tách thành Cộng Hòa Séc và Slovakia vào năm 1993 với sự đồng ý của cả hai vùng.
Rõ ràng những trường hợp vừa kể trên khác với Catalonia, khi mà chính phủ Tây Ban Nha từ chối trưng cầu dân ý. Điều này đặt ra câu hỏi: Sự chấp thuận của nước chủ quan có phải là yếu tố quan trọng khi một lãnh thổ muốn tuyên bố độc lập hay không? Câu trả lời là không, bởi nó mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và quy luật thông thường.
Điều 1.2 Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận nguyên tắc tự quyết – làm cho quyền này vượt qua mọi nội luật của bất kỳ quốc gia nào. Một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là các quy định của hiến pháp các nước phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Ví dụ hiến pháp có thể quy định việc trừng phạt phân biêt chủng tộc hay tội diệt chủng, nhưng điều này đã được thay thế bởi các quy phạm luật quốc tế cấm cả hai hành động trên. Do vậy nếu tuyên bố rằng hiến pháp của một nước là yếu tố quyết định duy nhất về tính hợp pháp của một hành động được thực hiện trong quốc gia đó thì về cơ bản đã loại bỏ ý nghĩa của luật pháp quốc tế.
Về mặt định nghĩa, quyền tự quyết định là một thách thức đối với các nhà nước chủ quản. Một mặt, chấp nhận quyền tự quyết theo luật quốc tế nhưng mặt khác, lại có điều kiện phải được nước chủ quản chấp thuận – như lập luận đưa ra bởi Tây Ban Nha và đồng minh liên quan đến vấn đề Catalonia, rõ ràng là không hợp lý. Điều này cũng tương tự như việc nói rằng tất cả phụ nữ đều có quyền ly dị nhưng chỉ khi chồng cho phép.
Tây Ban Nha từ chối khả năng tuyên bố độc lập của xứ Catalan rõ ràng đã phủ nhận ý tưởng của quyền tự quyết. Nó phủ nhận quyền tự quyết là một quyền vốn có bằng cách nhường lại toàn bộ quyền lực cho nước chủ quản. Nếu được áp dụng rộng rãi, nguyên tắc này sẽ khiến hàng triệu người trên trái đất bị mắc kẹt vĩnh viễn trong những nhà nước mà họ không thừa nhận.
Ví dụ từ Kosovo và phản ứng trái ngược từ EU, NATO
Sự ủng hộ của các nền dân chủ phương Tây đối với Tây Ban Nha về quyền tự quyết của xứ Catalan cũng cho thấy nhiều mâu thuẫn. Điển hình như vụ Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008. Trong khi Tây Ban Nha không công nhận Kosovo, ngược lại với 82% các nước EU và 86% các quốc gia NATO công nhận. Mỹ, Anh, Đức, Pháp và nhiều nước khác đã thừa nhận sự ly khai đơn phương của Kosovo, nhưng lại từ chối quyền như vậy của xứ Catalan, rõ ràng có liên quan đến các liên minh và quyền lực chính trị hơn bất kỳ nguyên tắc pháp lý nào. Tây Ban Nhà là một thành viên của EU và NATO, bởi vậy đang được đối xử khác biệt và cách tiếp cận luật pháp quốc tế cũng có “chọn lọc” hơn.
Các tài liệu tham khảo cho Kosovo trong trường hợp của xứ Catalan luôn gây tranh cãi rằng Kosovo "xứng đáng" với nề độc lập vì người dân bị ảnh hưởng nặng nề trong tay chính phủ Belgrade. Tuy nhiên, cho rằng quyền dân tộc tự quyết chỉ có hiệu lực trên cơ sở khi bị nước chủ quản áp bức là không hợp lý. Điều đó chẳng khác gì nói với những nhà vận động độc lập rằng hãy cứ ở yên trong nước chủ quản đi cho đến khi nào bị thảm sát. Nguyên tắc này hoàn toàn không có trong luật quốc tế.
Bảo vệ quyền tự quyết của Catalonia không có nghĩa rằng đây là điều đúng đắn nhất cho Catalonia. Tính hợp pháp của yêu sách đòi ly khai phải được xác định bởi hàng loạt các yếu tố. Chúng bao gồm sự liên kết chính trị của thực thể đòi độc lập và mức độ ủng hộ ly khai giữa các công dân của khu vực sẽ tách ra. Khả năng tồn tại của một thực thể như một nhà nước độc lập và tác động của sự ly khai đối với hoà bình và ổn định khu vực và quốc tế cũng là vấn đề then chốt. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào lập luận cho rằng Catalan không thể tuyên bố độc lập vì vi phạm hiến pháp Tây Ban Nha là không hợp lý.
Giang Hoàng (Theo Theconversaton)