Khám xét nơi ở của Nhung, cảnh sát thu giữ 2 khẩu súng, 12 viên đạn cùng nhiều gói ma tuý đá.
Ngày 4/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Dương Văn Hồng (28 tuổi), Trần Thị Tuyết Nhung (26 tuổi) tội Mua bán trái phép các chất ma tuý và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Đồng bọn với Hồng là Võ Văn Trường (38 tuổi) và Phan Văn Sang (30 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp) bị đề nghị truy tố tội Mua bán trái phép các chất ma tuý.
Dương Văn Hồng (phải) cùng đàn em bị bắt giữ. Ảnh: C.A. |
Theo cơ quan điều tra, Hồng có nhiều tiền án về tội Cố ý gây thương tích và Cướp giật tài sản. Sau khi được tha tù, Hồng chung sống như vợ chồng với Nhung (tiếp viên quán karaoke). Cô gái này cũng nghiện ma tuý.
Thanh niên 28 tuổi được xác định là người mua ma túy từ TP. HCM đưa về Cao Lãnh cung cấp cho người nghiện. Quá trình hoạt động, Hồng quy tụ dưới trướng nhiều đàn em nghiện, có nhiều tiền án.
Hai khẩu súng được thu giữ. Ảnh: C.A. |
Cuối năm 2015, cảnh sát phát hiện đường dây buôn bán ma tuý của Hồng nên xác lập chuyên án. Chiều 27/12/2015, Hồng đang bán ma tuý cho người nghiện thì bị cảnh sát bắt khẩn cấp. Trường và Sang cũng bị bắt ngay sau đó.
Từ lời khai của các nghi phạm, cảnh sát khám xét phòng trọ của Nhung và Hồng tại Cao Lãnh thu giữ nhiều tang vật là ma tuý đá cùng 2 khẩu súng và 12 viên đạn.
Tại cơ quan điều tra, Hồng khai nhận 2 khẩu súng này do một người bạn (chưa rõ danh tính) tại TP. HCM tặng. Quá trình hoạt động buôn bán ma tuý, Hồng mang súng về Cao Lãnh đưa cho Nhung cất giữ. Trong nhiều phi vụ, Hồng cùng bạn gái thường mang theo 2 khẩu súng phòng thân và ra oai với những người nghiện để lấy “số má giang hồ”.
Điều 230. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức; b) Vật phạm pháp có số lượng lớn; c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới; d) Gây hậu qủa nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch tử nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Xem thêm video:
[mecloud]suCirSDdrn[/mecloud]