(ĐSPL)- 34 tuổi, mang dáng hình của một đứa trẻ lên 2, lại bị liệt bẩm sinh nhưng cô gái Nguyễn Thị Hòa ở thôn 5, Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) không chịu đầu hàng trước số phận.
Chính sự khắc nghiệt của số phận ấy đã khiến cô có thể làm nên những điều kỳ diệu. Cô có thể tự mình đọc sách, viết chữ... như một người bình thường. Thậm chí, cô còn sáng tác thơ, viết truyện, gửi gắm những tâm sự, nỗi niềm của lòng mình vào từng con chữ...
34 năm sống trên giường
Từ đầu đường vào thôn 5, Tú Đôi, hỏi đến gia đình ông Nguyễn Đình Nghĩa, bà Đào Thị Hậu, ai cũng xót xa bởi gia cảnh khó khăn lại có cô con gái bị liệt bẩm sinh. Căn nhà nhỏ của ông bà nằm lọt thỏm cuối xóm như nói lên tất cả nỗi buồn tủi bao năm qua. Nhưng ít ai có thể ngờ, nơi đây lại nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ của cô gái nhỏ, làm nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường...
Ngồi trong căn nhà cũ với những mảng tường và đồ đạc nhuốm màu thời gian, ông Nghĩa (bố của Hòa) không giấu nổi sự khắc khổ trên khuôn mặt. ông kể: Năm 1980, ngày cháu nó (Hòa-PV) cất tiếng khóc chào đời, cả gia đình ai cũng vui sướng. Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang, thời gian ngắn sau đó, những trận ốm đau kéo dài khiến cơ thể cháu ngày càng yếu ớt. Càng lớn, chân tay cháu càng teo lại không phát triển, các ngón tay ngắn ngủn và hai cánh tay dần dần bị khoèo. Mỗi lúc chuyển trời, cơn đau lại hành hạ cơ thể cháu. Thương con nhưng nhà nghèo quá, không có tiền đưa con đi khám chữa kịp thời, vợ chồng tôi chỉ biết đứng nhìn con dần bị liệt trong sự bất lực...". Nói đến đây, ông Nghĩa trầm tư nhìn xa xăm, khóe mắt ngân ngấn nước. ông bảo, làng trên xóm dưới thấy nhà ông như vậy đều bàn tán, xì xào lời ra tiếng vào. Nhiều người nói nhà "vô phúc", sinh "quái thai", có người còn bảo đem vứt bỏ. Nhưng vợ chồng ông chỉ biết nín lặng, nhất quyết không thể làm thế vì đó là "khúc ruột" mang nặng đẻ đau. Vợ chồng ông đành giữ biệt con ở trong nhà, cũng không xin cho con đi học, bởi điều mà ông bà lo nhất là ánh mắt mọi người dành cho Hòa sẽ khiến cô mặc cảm.
|
Nguyễn Thị Hòa bên gia đình.
|
Vậy là, 34 năm có mặt trên đời, cũng chừng ấy năm cô gái Nguyễn Thị Hòa "giam" mình trên chiếc giường ọp ẹp. Năm nay ngoài 30 tuổi nhưng Hòa chỉ bé như một đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi: Cao 70cm và nặng 12kg. Cô không ngồi được, không đi lại được, tay chân cứ mềm như sợi bún. Từ khi sinh ra cho đến lúc nhận thức được, thế giới của cô chỉ thu gọn trong không gian chật hẹp ấy. Mỗi khi nhà có khách, Hòa thường trốn trong chăn, ai gợi chuyện cũng đều câm lặng. Dù biết ước mơ không thể thành hiện thực nhưng khát khao được tới trường, tới lớp, khát khao được học cái chữ và trở thành người có ích vẫn luôn cháy trong trái tim cô bé tật nguyền.
Hòa hiểu rằng, mình là kẻ mù chữ, một người "vô dụng", đau khổ khi nhìn thấy bố mẹ và các em vất vả công việc đồng áng trong khi mình chỉ nằm một chỗ. Đến năm 19 tuổi, điều kỳ diệu đã đến với cô. Sau trận ốm thập tử nhất sinh kéo dài hàng tháng trời, Hòa nhận thấy khả năng tiếp thu mặt chữ của mình tăng lên nhanh chóng. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chẳng bao lâu, cô có thể đọc thành thạo sách, báo... Hòa thường xuyên nhờ người đi thuê sách, truyện cũ về đọc. Niềm vui sướng như vỡ òa, Hòa tranh thủ học mọi lúc, thậm chí thức trắng đêm đọc sách. Cô đọc ngấu nghiến, ham mê đọc như để thỏa cơn "khát chữ" bao nhiêu năm.
Biết đọc thôi chưa đủ, Hòa cố gắng tập viết chữ. Để viết được một dòng chữ, cô phải mất thời gian hơn người bình thường gấp cả chục lần. Thấy vậy, bố mẹ khuyên Hòa đừng tự làm khó bản thân. Thế nhưng, Hòa bản lĩnh hơn ông bà nghĩ rất nhiều. Hòa muốn học chữ, tự học để biết đọc, biết viết. Nhìn con vất vả kê đầu lên hộp cao, dùng đôi tay yếu ớt nắn nót viết từng chữ như trẻ con tập viết, bố mẹ cô dần thay đổi suy nghĩ và bắt đầu quan tâm hơn đến con. ông bà đã mua sách cho Hòa tự học.
Hiện cô tự mình học xong chương trình lớp 5. Hàng tháng, cô dùng toàn bộ số tiền trợ cấp khuyết tật của mình để mua sách. Với cô, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Đôi tay kỳ diệu. Nét chữ kỳ diệu. Nếu không tận mắt chứng kiến thì không ai nghĩ đó là chữ do cô gái nhỏ bé này viết lên.
|
Nguyễn Thị Hòa đã tự mình học hết chương trình lớp 5.
|
Chuyện tình đẫm nước mắt
Nhờ đọc nhiều, Hòa cảm thấy mình như dần được hồi sinh, càng ý thức được mình không phải là kẻ "bỏ đi". Cô tập sáng tác thơ, viết truyện, chia sẻ những tâm sự, nỗi niềm của lòng mình vào từng con chữ. Sáng tác của cô tuy còn non nớt về câu chữ nhưng lại là những cảm xúc chân thành, tự nhiên của một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Nhưng vượt lên trên tất cả là khao khát được yêu thương, được nhìn nhận như một người bình thường.
Hòa cũng chia sẻ, cô từng được một người con trai cùng làng đem lòng yêu mến. Nhưng tình yêu dù rất đẹp cũng không vượt qua nổi rào cản gia đình, dư luận xã hội. Hiện giờ, anh có cuộc sống riêng, còn cô vẫn mang trong mình nỗi đau của kẻ cô đơn. Truyện ngắn "Bước chân" chính là hồi ức của cô về mối tình đẹp này: "Hôm nay nhà người ta đón dâu. Đoàn rước dâu đi ngang qua ngõ, nó vô tình nhìn thấy... Sao nó lại không buồn khi mà chú rể là người nó yêu suốt 8 năm. Trong suốt thời gian yêu nhau, nó và người yêu chưa từng cãi nhau hoặc xa nhau bao giờ. Nó là người khuyết tật, còn anh là người bình thường... Nếu gia đình anh không miệt thị những người như nó thì nó và anh đâu phải chịu cảnh kẻ cười người khóc... Anh từng thề sẽ mãi mãi yêu thương, chăm sóc nó cho dù nó không xinh đẹp, không được đi học hay không được bay nhảy. Nhưng nó lại có một tấm lòng trong sáng... Hôm nay anh đi hỏi vợ phải không?... Nó dùng hết sức mình đẩy chiếc xe lăn nặng nhọc vào nhà, mặc cho anh đứng đó với nỗi đau. Anh lặng lẽ bước đi trong cơn mưa nặng hạt bất chợt ào đến...".
|
Những dòng chữ nắn nót Hoà tự viết.
|
Giờ đây, khi nhắc tới cô con gái nhỏ, ông bà Nghĩa Hậu bộc bạch: "Chúng tôi kỳ vọng về một gia đình bình thường như mọi gia đình khác. Nhưng sự thật không như chúng tôi mong muốn, thậm chí là quá sức chịu đựng. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng đó là sự nghiệt ngã của số phận, rằng cháu cả đời sẽ chỉ có thể nằm một chỗ. Nhưng chính cháu đã chứng minh cho chúng tôi tin rằng, con người sinh ra dù bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu có nghị lực thì cũng có thể làm được rất nhiều điều không ngờ tới. Cháu nó luôn tìm cách đối mặt với mọi khó khăn thay vì bỏ cuộc...".
Cuộc sống dường như có sự bù đắp. Tuy thiếu thốn tình yêu đôi lứa nhưng bù lại, ai tiếp xúc với Hòa cũng đều quý mến cô. Cô lấy tình yêu ấy làm niềm tin vào cuộc sống còn nhiều khó khăn và thử thách. Dù con đường sáng tác thơ, truyện trong tương lai của Hòa còn rất nhiều chông gai. Nhưng với sự lạc quan và tinh thần ham học hỏi, hy vọng tương lai tươi sáng sẽ mở ra với cô gái tật nguyền mang hình hài đứa trẻ này.
Gửi tâm sự vào thơ Không chỉ viết truyện, Hòa còn có tài làm thơ. Những vần thơ của cô mộc mạc, giản dị nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm mạnh mẽ với những suy nghĩ, trăn trở về "sự phụ thuộc" đầy cay đắng, về thái độ của mọi người đối với mình: "Em sinh ra đâu phải là cái tội/ Mà sao mọi người cứ đổ lỗi cho em/ Thế gian này đâu chỉ riêng em/ Mang trong mình hình hài như vậy/ Vì chiến tranh gieo chất độc da cam/ Mong mọi người và cả thế gian/ Hãy thương em như thương chính họ". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-gai-34-nam-song-tren-giuong-trong-hinh-hai-tre-len-hai-a45825.html