Theo The Sun đưa tin, cô gái tên Lauren Jean (17 tuổi) đang đi nghỉ dưỡng cùng gia đình tại Tây Ban Nha bất ngờ gặp triệu chứng liệt nửa người chỉ sau một đêm. Lauren Jean cố gắng đứng dậy rời khỏi giường nhưng bị ngã khiến ba mẹ cô vô cùng hoảng sợ. Họ lập tức gọi cấp cứu vì con gái không thể nói hoặc cử động được nữa.
Lauren được trực thăng đưa đến Bệnh viện Universitario Torrecardenas ở Almeria, Tây Ban Nha để phẫu thuật khẩn cấp. Theo các bác sĩ, đội ngũ đã phát hiện cô bị cục máu đông di chuyển lên não, gây ra đột quỵ. Các bác sĩ nói với cô rằng cục máu đông là do thuốc tránh thai kết hợp gây ra sự việc đau lòng này.
Cơn đột quỵ khiến cô gái 17 tuổi không thể đi lại hoặc nói chuyện, Lauren phải mất nhiều tháng vật lý trị liệu để phục hồi các chức năng đó. Đồng thời, bác sĩ cũng phát hiện Lauren có lỗ thủng ở tim. Vì vậy, cô nàng cũng đã phẫu thuật để vá vị trí này.
Sau ca phẫu thuật, cô gái bắt đầu tập vật lý trị liệu bằng cách đi bộ. Cô nói điều đó rất khó khăn nhưng không muốn từ bỏ. Trong vòng hai năm, nhiều người cảm thấy khó tin khi biết được Lauren đang luyện tập cho Giải Marathon London năm 2025.
Cô gái này đã uống thuốc tránh thai kết hợp từ năm 13 tuổi để kiểm soát tình trạng kinh nguyệt ra nhiều. Lauren nhận thực được thuốc có thể gây ra nguy cơ hình thành máu đông, nhưng cô chưa từng tưởng tượng nó sẽ ảnh hưởng đến mình.
Trước đó, vào năm 2023, Layla Khan, một nữ sinh sống tại Immingham, Lincolnshire, Anh đã qua đời vào ngày 13/12/2023 do cục máu đông trong não, sau khi sử dụng thuốc tránh thai để giảm đau bụng kinh theo lời khuyên của bạn bè.
Khan bắt đầu dùng thuốc vào ngày 25/11/2023 và xuất hiện triệu chứng đau đầu vào ngày 5/12/2023. Sau đó, cô bắt đầu nôn mửa nghiêm trọng, nhưng khi gia đình liên hệ với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), họ được thông báo rằng tình trạng của cô chưa đủ nghiêm trọng để nhập viện khẩn cấp. Bác sĩ chỉ kê đơn thuốc và cho rằng cô bị bệnh dạ dày.
Đến ngày 11/12/2023, Khan bị đau đầu dữ dội và ngã gục trong phòng tắm, sau đó được đưa đến Bệnh viện Hull Royal (Anh). Kết quả chụp CT cho thấy có cục máu đông trong não, và mặc dù được phẫu thuật khẩn cấp, Khan đã qua đời hai ngày sau đó. Gia đình Khan đã hiến tạng của cô cho 5 người cần ghép. Họ lên tiếng nhằm nâng cao nhận thức về các biến chứng hiếm gặp của việc sử dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là khi dùng để giảm đau bụng kinh.
Thực tế, các loại thuốc kiểm soát sinh sản có tác dụng giảm lượng prostaglandin - chất hóa học cơ thể sinh ra khiến tử cung co thắt. Sử dụng thuốc tránh thai có thể làm giảm lượng máu trong kỳ kinh nguyệt, từ đó các cơn co thắt ít nghiêm trọng hơn.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ hình thành cục máu đông sau khi uống thuốc tránh thai là từ 0,3% đến 1% trong 10 năm đối với phụ nữ. Cục máu đông nằm ở chân, phổi, não có thể đặc biệt nguy hiểm. Cục máu đông trong mạch ở chân được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể gây chết người bởi nó ngăn dòng máu bơm lên phổi, gây tình trạng thuyên tắc phổi.
Thông thường, các loại thuốc tránh thai chia làm hai dạng. Một loại chứa cả estrogen và progestin, trong khi loại còn lại chỉ chứa progestin. Estrogen có thể làm tăng nguy cơ đông máu, vì nó làm tăng mức độ các yếu tố gây đông máu. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn đang cố gắng tìm hiểu mối liên hệ này.