Các phần mềm hoạt động không phép nhưng vẫn hút một lượng tiền khổng lồ từ phía người sử dụng. Giải pháp nào để người chơi tránh “tiền mất, tật mang”?
Các trò chơi cờ bạc trên thiết bị cầm tay đã xuất hiện trong một thời gian dài mà chưa bị các cơ quan chức năng xử lý triệt để. Một trong những lý do ông Vũ Việt Anh – Đội Đội trưởng đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao PC50 tiết lộ với phóng viên ĐS&PL trong cuộc trao đổi là việc “các đối tượng vi phạm ý thức được hành vi của mình nên ngay từ đầu đã sử dụng biện pháp trốn tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng như đặt máy chủ ở nước ngoài, sử dụng tên miền quốc tế, không có thông tin, địa chỉ liên hệ”.
“Cùng với đó, việc đơn vị quản lý cấp phép và theo dõi hoạt động của các trò chơi trên mạng là Bộ Thông tin và truyền thông, mà các thông tin quản lý này không thể dễ dàng công khai, thế nên, khi phía cơ quan công an cần xác minh về một trò chơi hay đơn vị nào thì cũng mất khá nhiều thời gian” – ông Việt Anh cho biết thêm.
Khi phóng viên ĐS&PL tìm hỏi những người đã tham gia chơi, hầu hết đều nhận được câu trả lời “không hề biết những trò chơi mình tham gia là trái phép, trái pháp luật. Nếu biết các công ty đó không có sự ràng buộc nào với người chơi thì không bao giờ bỏ tiền nạp vào”.
Thực tế cho thấy, dù các game dạng bài đổi thưởng thật đã xuất hiện trong một thời gian dài nhưng trước khi loạt bài này của chúng tôi đăng tải, chưa thấy cơ quan chức năng có trách nhiệm nào lên tiếng cảnh báo người sử dụng về những vấn đề trái pháp luật.
Người dân có thể dễ dàng sập bẫy vì các lời mời chào từ các game cờ bạc. |
Để tìm hiểu rõ hơn khía cạnh pháp luật liên quan đến việc tham gia trò chơi cờ bạc trên thiết bị di động, phóng viên báo ĐS&PL đã trao đổi với luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình - đoàn luật sư Hà Nội.
Ông Bình cho hay: Khoản 4 Điều 37 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định: Không được lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nếu trò chơi điện tử này có sự quy đổi thành tiền mặt để chơi trực tiếp bằng tiền mặt thì đó chính là hành vi vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý hình sự về tội tổ chức đánh bạc.
Theo Khoản 4 Điều 7 Thông tư 24/2014/TT-BTTTT quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng:, điểm thưởng hàng ngày chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích doanh nghiệp đã báo cáo. Điểm thưởng không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền mặt. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp game đó có sự quy đổi thành tiền mặt thì doanh nghiệp đó đã vi phạm nội dung và mục đích ban đầu đã đăng ký.
Căn cứ các quy đinh pháp luật trên thì quan điểm của luật sư về việc các game online quảng cáo “Tham gia game online ngay để có cơ hội trở thành người chiến thắng. Game ảo, rút tiền thật” là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là cho phép người chơi nạp tiền thật và được quy đổi thành tiền xu ảo, nếu chơi thắng thì được thưởng bằng số tiền ảo sau đó được phép rút tiền thật vào ban đầu vào bất kỳ thời điểm nào theo tỷ lệ quy đổi như lúc nạp. Hành vi này có dấu của việc doanh nghiệp lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cụ thể là hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức game online và được thua bằng tiền thật.
Tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm thì các hành vi này có thể bị xử lý hành chính theo quy đinh tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo quy đinh tại Điều 248: Tội đánh bạc hoặc Điều 249: Tội tổ chức đánh bạc- Bộ luật hình sự.
Thành Trung