+Aa-
    Zalo

    CNN: Vụ bê bối tham nhũng ở Nghị viện châu Âu không gây bất ngờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù vụ bê bối tham nhũng gây chấn động Brussels (Bỉ) nhưng với những người đã biết về các tổ chức châu Âu, đặc biệt là Nghị viện, đây không phải điều đáng ngạc nhiên.

    Những ngày qua, Nghị viện châu Âu đang là tâm điểm chú ý với vụ bê bối được đánh giá là nghiêm trọng nhất từng xảy ra trong nhiều thập kỷ. 

    Cảnh sát Bỉ hồi cuối tuần trước cho biết họ đã tiến hành nhiều cuộc đột kích và bắt giữ 4 người có liên quan tới cuộc điều tra bê bối hối lộ. Cơ quan chức năng Bỉ thông tin rằng một số thành viên Nghị viện châu Âu và các nhân viên của họ đã nhận tiền và quà tặng từ phía Qatar.

    Cuộc điều tra xoay quanh các cáo buộc "tham nhũng" và "rửa tiền" từ một nhóm có tổ chức "nhằm gây ảnh hưởng đến các quyết định về mặt kinh tế và chính trị của Nghị viện châu Âu" thông qua các món quà tặng và tiền. 

    Tính đến thời điểm hiện tại, nhân vật cấp cao nhất bị bắt giữ trong bê bối này là bà Eva Kaili. Vào thời điểm bị bắt, bà Kaili là một trong số 14 phó Chủ tịch của Nghị viện châu Âu. Sau khi vụ việc bị phanh phui, bà đã bị cách chức. Tuy nhiên, cả phía Qatar và bà Kaili đến nay vẫn phủ nhận thực hiện bất kỳ hành động sai trái nào.

    pho chu tich nghi vien chau au
    Cựu phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Eva Kaili. Ảnh: Reuters 

    Bà Kaili đã không tham gia buổi điều trần ngày 14/12 vừa qua. Hiện bà vẫn đang bị tạm giam và có lịch ra tòa vào ngày 22/12 tới. 

    Công tố viên liên bang Bỉ cho biết, một cuộc điều tra quy mô lớn đã được khởi động để làm rõ cáo buộc về các hoạt động vi phạm, tham nhũng và rửa tiền ở Nghị viện châu Âu. Ngoài bà Kaili, 3 người khác cũng đã bị bắt, bao gồm cả một cựu nghị sĩ nổi tiếng của Nghị viện châu Âu.

    Phát biểu trước các thành viên Nghị viện châu Âu hôm 21/11, bà Kaili đã lên tiếng bảo vệ Qatar trước những lời chỉ trích về vấn đề nhân quyền ở nước này. Cụ thể, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu khi ấy đã nói: "Hôm nay, sự kiện FIFA World Cup đã cho thấy cách ngoại giao thể thao dẫn tới sự chuyển đổi lịch sử ở đất nước này, là sự truyền cảm hứng cho cả thế giới Ả Rập. Qatar đang đi đầu về vấn đề nhân quyền".

    Theo chia sẻ mới trên trang Twitter ngày 14/12, Cảnh sát Liên bang Bỉ đã công khai hình ảnh số tiền họ thu giữ được từ cuộc điều tra này. Cụ thể, cảnh sát Bỉ viết: "Là một phần cuộc điều tra của Văn phòng Công tố Liên bang về nghi vấn tham nhũng của các thành viên đang tại vị tại Nghị viện châu Âu, Cảnh sát Tư pháp Liên bang đã thu giữ khoảng 1,5 triệu Euro từ các cuộc khám xét ở Brussels".

    CNN nhận định, dù vụ bê bối này làm rung chuyển Brussels - nơi đặt trụ sở Nghị viện châu Âu - nhưng với những người đã biết về các tổ chức châu Âu, đặc biệt là Nghị viện, điều này "không quá ngạc nhiên".

    nghi vien chau au
    Vụ bê bối đang gây chấn động Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP 

    Nicholas Aiossa, Phó Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế EU, một tổ chức chống tham nhũng, cho biết Nghị viện đã duy trì một văn hóa không bị trừng phạt trong nhiều năm. Ông Aiossa chia sẻ: "Gần như không có sự trừng phạt hay giám sát nào với cách các thành viên Nghị viện sử dụng khoản tiền trợ cấp của họ. Chúng tôi đã nhiều lần nhận thấy khoản tiền này bị lạm dụng".

    Ông Aiossa tin rằng tham nhũng chỉ là một phần nhỏ thu hút những người muốn tìm cách gây ảnh hưởng đến châu Âu. Ông tiếp tục: "Nghị viện châu Âu có rất nhiều quyền lực trong việc định hướng khả năng tiếp cận một thị trường khổng lổ có hơn 400 triệu công dân. Các thành viên Nghị viện, mặt khác, lại khá kín tiếng và ít được biết tới bên ngoài Brussels nên họ có thể tránh được sự giám sát kỹ lưỡng của các tổ chức".

    Các thành viên Nghị viện còn có thể tận dụng quyền lực của mình bên ngoài các vấn đề về chính sách. Bill Newton Dunn, một cựu thành viên Nghị viện, giải thích: "Khi châu Âu công bố nghị quyết về một vấn đề lớn, các phương tiện truyền thông quốc tế thường coi đó là tiếng nói của Châu Âu. Như vậy, nhìn chung là tiếng nói của các nghị sĩ Nghị viện rất có trọng lượng".

    Trên thực tế, sự ủng hộ của bà Kaili với Qatar hôm 21/11 diễn ra trong một cuộc tranh luận về nghị quyết nhân quyền ở Qatar trước World Cup 2022. Nghị quyết này đã được thông qua vào 3 ngày sau đó. 

    Katalin Cseh, một nghị sĩ Hungary tại Nghị viện, cho biết việc công bố nghị quyết này gặp nhiều khó khăn vì có tới 2 nhóm lớn cho rằng nghị quyết quá khăt khe với Qatar.

    Bà Cseh chia sẻ: "Nhìn lại, từ những gì chúng ta đã biết hiện nay, đúng là đã có dấu hiệu đáng báo động khi các đồng nghiệp của tôi phản đối gay gắt nghị quyết này. Thật đáng lo ngại khi ảnh hưởng của bên thứ 3 đã tác động tới các cuộc đàm phán của chúng ta".

    Quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn và phải mất một thời gian nữa, cộng đồng quốc tế mới biết được những gì đang xảy ra ở châu Âu và liệu quy tắc vận động hành lang tại đây có bị phá vỡ hay không. CNN nhận định nếu cần phải có sự cải cách ở châu Âu, đây sẽ là một quá trình khó khăn và kéo dài. 

    Minh Hạnh(Theo CNN) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cnn-vu-be-boi-tham-nhung-o-nghi-vien-chau-au-khong-gay-bat-ngo-a560488.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan