(ĐSPL) - 82 tuổi - cái tuổi để nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu thì bà giáo Hồ Hương Nam lại dành hầu hết thời gian của mình cho lớp học tình thương và hoạt động xã hội.
Xem video:
Cứ đều đặn 8h sáng, người ta lại thấy một bà cụ dáng người nhỏ bé nhưng bước chân vững vàng, nhanh nhẹn đến một phòng học nhỏ của trường THCS An Dương – Lớp học tình thương quận Tây Hồ. Lớp học của bà Nam có 18 học sinh, mỗi em có một hoàn cảnh riêng nhưng đều éo le và khổ cực. Có em bị tự kỷ, thiểu năng; lại có em bị tàn tật, khiếm thính do di chứng của chất độc màu da cam. Bà vừa là giáo viên dạy kiến thức, vừa phải là người bà nhân hậu dỗ dành, giảng giải cho những đứa cháu cách làm người. Thế mà bà Nam không bao giờ nản lòng, kiên trì làm “người lái đò” cho những học sinh khuyết tật suốt 17 năm qua.
Để lớp học được tồn tại đến bây giờ, bà Nam đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn, nhiều lần phải rơi nước mắt, thậm chí là đổ máu. Khi đi vận động gia đình cho con em mình đến lớp, bà bị họ mắng, tìm cách tránh mặt, thậm chí là đuổi ra khỏi nhà, cho là bà lẩm cẩm. Bà buồn nhưng bà biết rằng họ đang mặc cảm với số phận nên bà Nam vẫn mang tình thương và trách nhiệm của nhà giáo để thuyết phục họ cho con em đến lớp. Có khi không có địa điểm học, bà Nam phải lên tận Phòng Giáo dục vừa khóc vừa xin các đồng chí thương những đứa trẻ khuyêt tật để rồi cuối cùng cũng được giao cho một phòng học như ngày hôm nay.
56 năm giảng dạy, 17 năm ở lớp tình thương, bà đã tích lũy kinh nghiệm, phương pháp để dạy học sinh khuyết tật tiếp thu bài được hiệu quả. Với học sinh bình thường thì bảng chữ cái học thật dễ dàng nhưng với các em ở đây thời gian để ghi nhớ những con chữ đó lâu hơn rất nhiều. Mỗi học sinh lại tiếp thu ở đủ trình độ khác nhau, ở một dạng khuyết tật, lứa tuổi khác nhau nên cách dạy cũng không thể giống nhau. Nhưng đến nay thì lớp học đã khá nề nếp, sự thay đổi của các em khi được đi học khác hẳn xưa.
Ngoài giờ trên lớp, bà Nam còn là một nhà tình nguyện tích cực. Bà tham gia làm cộng tác viên, tình nguyện viên cho các tổ chức xã hội như Trung tâm phòng chống ma tuý, Hội người cao tuổi, Uỷ ban dân số và kế hoạch hoá gia đình… Ở vị trí nào bà cũng hoàn thành tốt được mọi người quí mến. Tháng 10 vừa qua, bà Nam đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú và 20/11 tới đây là danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước. Có đóng góp lớn cho xã hội như thế, nhưng bà Nam chỉ có mong muốn luôn luôn khoẻ mạnh để có thể tiếp tục cống hiến, tiếp tục được thấy những lứa học trò của mình trưởng thành.