(ĐSPL) - Năm 1972, CIA kỳ công dựng lên một chiến dịch nghe lén ở Nghệ An. Thật bất ngờ khi kết quả họ nhận về chỉ là những thông tin về... mực nước sông Lam, vốn được sử dụng để phục vụ công tác thủy văn, cảnh báo lũ lụt.
Những phi vụ huấn huyện được ngụy trang thành những chuyến bay tiếp tế. |
CIA bắt đầu kế hoạch nghe lén ở Nghệ An khi mà chiến dịch Linebacker ném bom hủy diệt miền Bắc đang diễn ra. Vì vậy, CIA yêu cầu Không quân Mỹ tổ chức một cuộc tập kích lớn vào khu vực Thanh Hóa, Ninh Bình trong đêm ngày 5 rạng ngày 6 để nghi binh nhưng không tiết lộ họ đang làm gì.
Họ đề nghị máy bay ném bom đừng bay vào vùng tiếp giáp giữa Nghệ An và Lào nhằm tránh va chạm hoặc bắn nhầm chiếc Hughes 500 Quiet One - trực thăng được sử dụng cho kế hoạch nghe lén.
Lắp thiết bị nghe lén ở cửa trực thăng
Sau khi hoàn chỉnh hai chiếc trực thăng Hughes 500 Quiet One, dựa vào những bức không ảnh chụp đường dây điện thoại tại Nghệ An, CIA cho dựng một sa bàn sát với kích thước, giống như thật, kể cả một đoạn sông Lam cũng được đào nhưng không có nước, nằm sát một ngọn núi trong căn cứ bí mật "Vùng 51 - Air Force Area 51" thuộc bang Nevada.
Tháng 8/1971, hai phi công người Đài Loan thuộc Không đoàn 34 Trung Hoa Dân quốc được gọi sang Nevada. Hướng dẫn cho họ tập bay trên chiếc Hughes 500 Quiet One là hai phi công kỳ cựu của Air America: Lloyd George Anthony Lamothe Jr. và Daniel H. Smith. Bên cạnh đó, hai biệt kích người Lào cũng được gọi sang để huấn luyện cách thức lắp đặt thiết bị.
Đến lúc này, hãng Hughes lại đưa ra một cải tiến. Thay vì thả biệt kích xuống trụ điện thoại để lắp đặt thiết bị nghe lén bằng thang dây thì họ gắn ở hai bên cửa trực thăng, mỗi bên một tấm kim loại bằng nhôm tựa như chiếc ghế.
Biệt kích ngồi trên ghế này chỉ cần khom người xuống thao tác trong lúc trực thăng vẫn bay treo tại chỗ. Bên cạnh đó, Hughes 500 Quiet One còn được lắp đặt camera hồng ngoại FLIR để bay đêm.
Daniel H. Smith kể: "Từ độ cao 500m, tôi dạy phi công Đài Loan cách hạ xuống mục tiêu thật nhanh rồi giữ cho trực thăng đứng yên trong 2 phút. Sau đó lên ngay. Cũng có khi tôi cho họ bay cách mặt đất 2m rồi đột ngột bốc lên 4,5m, điểm dừng ngay trên đỉnh cột điện thoại".
Zuckerman, sĩ quan phụ trách huấn luyện lắp đặt thiết bị nghe lén nói: "Trong hơn 90 lần thực tập, thời gian lắp đặt hoàn chỉnh của biệt kích Lào trung bình là 1 phút 18 giây. Đến giai đoạn cuối, họ rút xuống còn 1 phút 6 giây nhưng tôi sẽ cố gắng để họ thực hiện chỉ trong 1 phút".
Tháng 10/1971, CIA chuyển hai chiếc Hughes 500 đến căn cứ không quân thuộc Không đoàn 34 ở Đài Loan. Tại đây, phi công Đài Loan tiếp tục tập bay đêm, bay trong điều kiện thời tiết xấu, gió thổi mạnh hoặc sương mù.
Kết quả cho thấy trong điều kiện thời tiết bình thường, khi đã vào đến mục tiêu, việc lắp đặt thiết bị nghe lén tính từ lúc Hughes 500 bắt đầu bay treo trên đỉnh cột cho đến khi hoàn tất, thời gian chỉ là 1 phút 4 giây. Nếu có sương mù đậm, thời gian là 1 phút 27 giây, còn nếu gió thổi với tốc độ 15m/giây thì thời gian xấp xỉ 2 phút.
Kế hoạch nghe lén gặp trục trặc
Một tối tháng 5/1972, hai chiếc Hughes 500 mang số hiệu N351X và N352X được chuyển đến Thái Lan. Sau khi lấy thêm nhiên liệu, nó bay sang Lào cùng với một máy bay vận tải C130 chở theo các chuyên gia kỹ thuật.
Don Stephens, người quản lý hai chiếc Hughes 500 tại căn cứ bí mật PS-44 của CIA ở tỉnh Pakse, Lào kể lại: "Khi nó hạ cánh, tôi đã cố gắng lắng nghe xem tiếng động cơ phát ra từ hướng nào nhưng tôi không thể nghe thấy. Mãi đến khi nó chỉ còn cách tôi chừng 200 mét, tôi mới biết có một chiếc trực thăng đang ở trên đầu mình".
Rod Taylor, kỹ sư dự án của Hãng Hughes nói thêm: "Trong căn cứ, chiếc Hughes 500 cất, hạ cánh lúc nào, chẳng ai biết".
Lớp bụi đất bốc lên sau mỗi lần máy bay lên xuống khiến căn cứ ngập trong một màu vàng bẩn thỉu. Hai phi công Đài Loan được phép ra thị xã Pakse chơi bời nhưng được lệnh giữ bí mật tuyệt đối về những gì họ sắp sửa làm, còn hai biệt kích kiêm kỹ thuật viên người Lào thì bị giam lỏng trong một căn phòng vì họ là mấu chốt của kế hoạch nghe lén.
Lúc này, tin tình báo của CIA cho biết một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam và một đơn vị Quân đội nhân dân Cách mạng Lào (Pathet Lào) đã xuất hiện cách Pakse khoảng 35km về phía bắc. Tuy nhiên, nếu đối phương muốn tiến công căn cứ PS-44 thì chỉ có thể xông vào từ một hướng duy nhất là hướng tây nhưng hướng này đã có 6 đồn lính Vàng Pao làm nhiệm vụ bảo vệ.
Dẫu vậy, để đề phòng, thỉnh thoảng mới có những buổi bay tập vào ban ngày nhưng camera hồng ngoại và hai băng ca được tháo ra rồi ngụy trang như những chuyến bay tiếp tế thực phẩm nhằm đánh lạc hướng điệp viên Hà Nội có thể ở đâu đó quanh vùng.
Theo Stephens, sĩ quan quản lý hai chiếc Hughes 500 Quiet One, máy bay được đặt trong một nhà chứa (hangar) và được che giấu rất kín đáo
Nhưng xui rủi thay, trong một lần bay tập lúc chập choạng tối, chiếc Hughes 500 số hiệu N352X khi hạ cánh đã bị hỏng cánh quạt chính vì va vào một ngọn cây rồi rơi xuống một vũng lầy.
Theo Hãng Hughes, việc sửa chữa có thể kéo dài trong nhiều tuần lễ nên kế hoạch nghe lén sẽ phải thực hiện mà không có trực thăng dự phòng. Thêm vào đó, hai phi công Đài Loan liên tục cãi nhau về việc ai sẽ là người lái chính trên chiếc Hughes 500 Quiet One còn lại.
Lamothe, người huấn luyện cho hai phi công ấy kể: "Cuối cùng, CIA quyết định loại họ ra khỏi cuộc chơi bằng cách đưa họ sang căn cứ Guam, giam lỏng ở đó cho đến khi kế hoạch nghe lén kết thúc. Việc xâm nhập Nghệ An được giao cho tôi và Daniel H. Smith".
Sáng ngày 1/6/1972, CIA chỉ đạo Hãng Air America chuyển đến căn cứ PS-44 một trực thăng Sikorsky S-58T "Twin Pack" làm nhiệm vụ giải cứu nếu chiếc Huges 500 N351X Quiet One bị bắn rơi.
Người trực tiếp điều hành kế hoạch lắp đặt thiết bị nghe lén là James Glerum, trợ lý chỉ huy CIA tại Udorn Thani, Thái Lan. Ông nói: "CIA hy vọng có thể nghe được những cuộc điện thoại của người Bắc Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu nhưng một loạt rủi ro xảy ra, cộng thêm gió mùa đến sớm nên chuyến bay đã bị trì hoãn".
Thực tế vượt xa dự tính
Cuối cùng, gần nửa đêm ngày 5/6/1972, Lamothe và Smith lái chiếc Hughes 500 N351X cất cánh từ căn cứ PS-44 với hai biệt kích kiêm kỹ thuật viên người Lào. Ngoài camera hồng ngoại, hệ thống định vị tầm xa LORAN-C, Lamothe và Smith còn được trang bị kính nhìn đêm SU-50 - và đây là loại kính lần đầu tiên được đưa vào sử dụng.
Theo sau họ là chiếc trực thăng cứu hộ Sikorsky S-58T "Twin Pack" nhưng nó chỉ đến một trạm thu tin của CIA ở gần biên giới Lào - Việt thì nằm lại. Tại căn cứ này, CIA đã bố trí sẵn một toán biệt kích Lào với đầy đủ súng đạn cùng một máy bay de Havilland DHC-6 Twin Otter để đề phòng trường hợp cần phải sử dụng vũ lực giải cứu chiếc Hughes 500 Quiet One cùng phi hành đoàn.
Theo kế hoạch, khi đến mục tiêu, biệt kích Lào ngồi trên trực thăng sẽ khom mình xuống để đặt một mảnh gỗ mỏng, trên có tấm pin mặt trời mà hai cạnh của mảnh gỗ đã có sẵn hai lỗ định vị. Với một chiếc khoan nhỏ cầm tay chạy bằng pin, hoạt động được 10 phút, họ sẽ khoan hai lỗ vào đỉnh cột điện thoại, đặt tấm pin mặt trời xuống rồi cố định nó với hai cái chốt cũng bằng gỗ.
Chiếc Hughes 500 N351X sau chuyến xâm nhập tỉnh Nghệ An. |
Tiếp theo, họ giấu bộ thu phát sóng vào góc của thanh ngang dùng để đỡ đường dây điện thoại, nhìn xa như thể có một miếng gỗ được gá thêm vào cho chắc chắn rồi dùng 2 chiếc kẹp bé tí có hình dạng như ngàm cá sấu, kẹp vào đường dây.
Ở ngàm của hai chiếc kẹp ấy, có gắn bộ cảm biến đo những rung động của sóng âm thanh nên vì vậy, không cần phải bộc lộ lõi trong của dây mà vẫn nghe được những cuộc điện đàm. Với dây dẫn từ pin mặt trời đến bộ thu phát sóng, họ dán nó dọc theo cây cột bằng một loại keo đặc biệt, màu sắc trùng hợp với thân gỗ. Tất cả mọi việc, hai biệt kích phải hoàn thành trong vòng 1 phút 15 giây.
Vượt qua biên giới Lào - Việt, Lemothe dùng kính nhìn đêm và camera hồng ngoại, điều khiển trực thăng bay ngoằn ngoèo giữa những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn. Tất cả mọi liên lạc vô tuyến đều không được phép, đèn hiệu máy bay cũng tắt ngúm. Gần đến mục tiêu, Lemothe hạ độ cao xuống chỉ còn 50m rồi cho trực thăng lách qua những ngọn cây. Khi nhìn thấy dãy cột điện thoại, anh ta cho trực thăng sà xuống.
Đến lúc này, xuất hiện một sự cố. Cột điện thoại không phải cao 4m như nhận định của các chuyên viên không ảnh, mà nó chỉ cao chừng 2,5m nên không bảo đảm lực nâng cho trực thăng bay treo quá 1 phút, hai biệt kích Lào phải nhảy xuống.
Do đã được huấn luyện phương án dự phòng, hai biệt kích người Lào nhanh chóng lao ra khỏi máy bay, còn Lemothe cho trực thăng đáp xuống con đường đất. Một trong hai biệt kích trèo lên cột điện thoại với túi đồ nghề lỉnh kỉnh nhưng hỡi ơi, cột thay vì bằng gỗ thì nó lại là bê tông.
Cố gắng khoan nhưng vẫn chẳng ăn thua vì mũi khoan chỉ dùng cho gỗ, gã biệt kích lấy tuýp keo dán dây dẫn, bôi xuống mặt bê tông một lớp rồi ấn tấm pin mặt trời lên. Sau đó, anh ta lắp đặt bộ thu phát sóng.
Công việc kéo dài gần 5 phút. Hấp tấp lao về phía máy bay, một biệt kích trượt chân, ngã sóng xoài khiến phi công phụ Smith phải nhảy xuống, đẩy anh ta lên. Trên đường về và khi vào tới đất Lào, phi công Lamothe mở radio rồi khi biết trạm thu tin của CIA ở Thái Lan đã nhận được tín hiệu từ bộ thu phát sóng. Lamothe nói: "Thế là thành công".
Kế hoạch đổ vỡ
Hai ngày sau, trạm thu tin nghe được cuộc đàm thoại đầu tiên. Tất cả chỉ có: "A lô nghe đây", đầu bên kia nói: "Bốn ba bẩy nhăm".
Các chuyên gia phân tích tình báo của CIA ở Udorn Thani, Thái Lan điên đầu vì cái "bốn ba bẩy nhăm" ấy. Hỏi một nhân viên người Việt thì hóa ra một số người miền Bắc gọi số 5 là "nhăm". Nhưng "bốn ba bẩy năm" là gì thì chịu.
Những ngày sau đó, trạm thu tin liên tục nghe được những cuộc điện thoại nhưng tất cả chỉ là những con số. Các bộ óc giải mã giỏi nhất của CIA, của tình báo quân đội và của cả NSA được yêu cầu phải tìm cho ra ý nghĩa của những mật ngữ này. Tuy nhiên, kết quả đều mờ mịt.
Ngày 28/10, nghĩa là gần 4 tháng kể từ khi thiết bị nghe lén được lắp đặt, một chuyên viên phân tích không ảnh ở căn cứ Clark, Philippines, lúc so sánh những bức ảnh do máy bay U2 vừa chụp được với những câu mật ngữ, đã phát hiện ra rằng đó chỉ là những báo cáo về mực nước của con sông Lam, còn căn nhà gạch trên sườn núi là một trạm thủy văn, làm nhiệm vụ cảnh báo lũ lụt.
Mấy năm sau, khi biết chuyện này, phi công Lamothe chỉ nói được một từ: "Shame - Xấu hổ quá!".
VŨ NGA (Tổng hợp)
Xem thêm clip: Kỳ diệu khoảnh khắc thoát hiểm khi máy bay hết xăng