(ĐSPL) - Người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến - ông Hàm, sở dĩ có cái tên gọi đó bởi theo ông lý giải, sau chiến tranh ông móm mém, trơ hàm. Rời quân ngũ trở về, ông là thương binh hạng 1/4, mất sức 81\% nhưng những đức tính của một người lính cụ Hồ vẫn còn đậm nét trong ông. Ông nhiệt huyết mang trên mình việc dân, việc xóm, việc của đồng đội mình để rồi khi nhắc đến ông người ta sẽ nhớ ngay đến người thương binh “vác tù và hàng tổng”.
Ông Hàm tên thật là Lê Minh Thuyết (SN 1947) trú tại xóm Phong Phú, xã Hưng Hoà, TP Vinh (Nghệ An). Sinh ra và lớn lên trên quê hương Xô Viết, ông Thuyết sớm nuôi trong mình tình yêu quê hương đất nước bao la.
Năm 1967, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, ông Thuyết lên đường nhập ngũ. Năm 1972, ông từng là chiến sĩ rồi đại đội trưởng, tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Năm 1975, ông tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đến năm 1972, ông bị thương nặng ở Quảng Trị. Rồi khi bị địch bắt, ông vẫn tìm cách trốn về, tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Từ đây, ông lại gắn bó với đơn vị, với chiến trường mới.
Cuộc chiến đấu kéo dài, trong khi ông Thuyết vẫn lành lặn và tiếp tục tham gia kháng chiến thì cha mẹ và người yêu ông, bà Trần Thị Loan (SN 1952) nhận được hung tin ông đã hi sinh. Tuy nhiên, mặc kệ thông tin nhận được, bà Loan – người được cha mẹ ông Thuyết đưa trầu cau đến hỏi trước ngày ông Thuyết ra trận vẫn giữ trọn lời thề, chờ ngày ông trở về.
Ông Thuyết: "Dù là thời bình hay thời chiến, còn một chút sức lực thì cũng nên sống cho trọn tình trọn nghĩa với đồng đội đã ngã xuống để đất nước hoà bình" |
Sau 4 năm ròng rã (1972 -1975), gia đình không còn nhận được một thông tin nào từ ông Thuyết, tất cả tưởng chừng như tuyệt vọng. Đến cuối năm 1975, gia đình vỡ oà trong niềm vui khi ông Thuyết bất ngờ trở về. Không còn lành lặn, hàm răng, con mắt của ông đã gửi lại chiến trường...
Lễ thành hôn của ông Thuyết, bà Loan nhanh chóng được tổ chức sau đó. Trong ngôi nhà cấp 4 ngày ấy, ông bà bươn trải, chăm lo cày cấy, vượt qua những khó khăn sau chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. 4 cô con gái và 1 cậu con trai là thành quả tình yêu của ông bà sau bao năm bà chờ đợi. Đến nay, cả 5 người con đã yên bề gia thất.
Ngoài trách nhiệm với gia đình, ông Lê Minh Thuyết còn đảm nhận chức xóm trưởng xóm Phong Phú. Năm 2008, khi có chủ trương vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) của TP Vinh, để giúp bà con đầu tư mở rộng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đào ao nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi cho thu nhập cao, với cương vị là xóm trưởng, ông Thuyết đã lấy sổ đỏ của mình cho HTX mượn để thế chấp.
Thời kỳ ấy, trong HTX hiếm người có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng, nên ông quyết định cắm nó để HTX vay 600 triệu từ ngân hàng Chính sách, nhường cho bà con lấy vốn đầu tư sản xuất. Từ nguồn vốn ấy, 22 xã viên, tùy theo nhu cầu cần vay đã mở rộng sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác. Đến bây giờ, các hộ được vay vốn từ việc cầm cố sổ đỏ của xóm trưởng Lê Văn Thuyết đã dần thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Chăm lo cho gia đình, bận bịu với việc xóm làng nhưng sự nhiệt huyết của ông Thuyết chưa dừng lại ở đó. Nỗi niềm trăn trở với đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường xưa luôn đau đáu trong suy nghĩ ông. Năm 2013, ông Thuyết đã một mình trở lại chiến trường xưa – địa phận xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) - nơi chiến địa năm ấy. Tại đây, ông đã phát hiện được 12 ngôi mộ của các liệt sỹ ngã xuống được ông và đồng đội chôn cất năm xưa. Chính ông cũng là người báo lại cho Tỉnh đội Quảng trị quy tập 11 bộ hài cốt về nghĩa trang chính. Còn 1 bộ hài cốt của Liệt sỹ Vũ Hồng Lực, quê ở Hưng Bình, TP Vinh ông Thuyết đã tự tay cất bốc và cùng thân nhân liệt sỹ đưa về nghĩa trang TP Vinh.
Ông Thuyết sống bình dị như bao người lính trở về sau chiến tranh, vẫn phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Mặc dù là một trong những thương binh có thương tật nặng nhất nhưng có mấy ai biết được những điều đó, ngày ngày ông Thuyết vẫn sống, vẫn cống hiến.
Chia tay chúng tôi ông Thuyết chỉ nói vẻn vẹn đôi lời: “Dù là thời bình hay thời chiến, còn một chút sức lực thì cũng nên sống cho trọn tình trọn nghĩa với đồng đội đã ngã xuống để đất nước hoà bình, nên việc đi tìm đưa họ về với gia đình tôi không hề quản ngại”.