(ĐSPL) - Đạt 27,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 - 2017, đạt giải Ba Quốc gia môn Địa mà vẫn không trúng tuyển ĐH, nữ sinh Đặng Thị Huyền đã viết tâm thư gửi bộ GD&ĐT mong muốn được xem xét. Điều đáng nói, nguyên nhân khiến Huyền bị trượt chỉ vì… không biết Internet.
Tâm thư
Nữ sinh Đặng Thị Huyền (quê ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) là cựu học sinh trường PTDTNT cấp THCS – THPT Yên Minh (Hà Giang) vừa có tâm thư gửi Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cầu cứu. Huyền đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 – 2017 (27,5 điểm cho ba môn Văn, Sử, Địa), đạt giải Ba Quốc gia môn Địa năm học 2015 – 2016 mà vẫn không trúng tuyển đại học.
Đặng Thị Huyền tại lễ tuyên dương. |
Không chỉ thế, Huyền còn là một trong 102 gương mặt tiêu biểu được mời về tham dự Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi Quốc gia, đỗ thủ khoa các trường ĐH, CĐ năm 2016. Nguyên nhân không trúng tuyển đã được Huyền chia sẻ với PV báo ĐS&PL.
Huyền kể rằng, khi nhận được giấy báo điểm, em đã làm 2 bộ hồ sơ gửi xét tuyển vào 2 trường: Đại học Luật Hà Nội (nguyện vọng 1 vào ngành Luật kinh tế, nguyện vọng 2 vào ngành Luật) và đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Việt Nam học. Vì nhà cách xa trung tâm huyện, muốn vào được Internet, em phải mất rất nhiều thời gian, quãng đường đi lại cũng rất khó khăn.
Tuy nhiên, để xảy ra điều đáng tiếc ấy, Huyền không trách ai mà em cho biết, việc này hoàn toàn là do lỗi của bản thân. “Nếu được một mong ước, em mong sao bộ GD&ĐT cùng nhà trường nơi em đăng ký nguyện vọng sẽ tạo điều kiện cho em có thể đi học. Em mơ ước sau khi học xong đại học có thể về phục vụ địa phương, giúp gia đình mình có cuộc sống yên ổn", Huyền tâm sự.
Ngoài những chia sẻ trên, Huyền cũng cho biết thêm, em đã viết một tâm thư gửi đến Bộ trưởng bộ GD&ĐT với mong ước Bộ trưởng có thể giúp em. Vì với Huyền, đây cũng là cơ hội học tập duy nhất của em bởi gia đình Huyền rất khó khăn.
Cánh cửa rộng mở
PV liên hệ với cô Trương Khánh Hiền – giáo viên chủ nhiệm của Đặng Thị Huyền trong suốt 3 năm Huyền theo học tại trường PTDTNT cấp THCS – THPT Yên Minh (Hà Giang). Cô Hiền cũng rất buồn và tiếc cho trường hợp của Huyền. “Huyền là học sinh có nhận thức tốt, ngoan ngoãn nhưng gia đình lại ở vùng sâu, vùng xa, sát biên giới, việc tiếp cận thông tin rất khó khăn. Tôi cũng gọi cho Huyền vào số điện thoại em đăng ký với nhà trường nhiều lần nhưng không liên lạc được”, cô Hiền tâm sự.
“Hôm trước, chúng tôi liên lạc lại được với Huyền để báo tin được tham dự Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, đỗ thủ khoa các trường ĐH, CĐ năm 2016 tổ chức tại Hà Nội. Huyền nghe máy, tôi mừng lắm. Gặng hỏi mãi tình hình học tập thì em bảo em đang ở nhà chăn trâu. Lúc ấy thực sự tôi rất buồn. Tôi rất mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cho Huyền để Huyền có cơ hội học tập và sau này về đóng góp cho địa phương”, cô Hiền tâm sự.
Về phía nhà trường, cô Trần Bích Thúy – Hiệu phó trường PTDTNT cấp THCS – THPT Yên Minh cũng đưa ra quan điểm: “Huyền có sơ suất là tin tưởng điểm của mình đủ đỗ nên cứ ở nhà lo công việc đồng áng và chờ kết quả gửi về mà không chú ý theo dõi thông tin. Đó là hạn chế của Huyền. Chúng tôi rất buồn vì Huyền là học sinh có năng lực học tập tốt và đã mang lại vinh dự cho nhà trường. Nếu Huyền chủ động liên lạc với nhà trường để nhờ tư vấn, giúp đỡ đã không xảy ra sự việc đáng tiếc này. Nguyện vọng Huyền trình bày là chính đáng. Chúng tôi cũng mong muốn Huyền được đi học để phát huy tài năng của mình vì điểm của Huyền rất cao”.
Ông Vũ Văn Sử - Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Trong hướng dẫn tuyển sinh nêu rất rõ từng quy chế xét tuyển phải như thế nào... Nhưng các em còn sơ suất và dẫn tới câu chuyện đáng tiếc này là lỗi ở các em. Chúng tôi phải báo cáo sự việc về Bộ sau đó chờ ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, nguyên tắc là một chuyện, trong điều kiện ở vùng khó khăn có thể nhà trường nơi Huyền đăng ký nguyện vọng sẽ chia sẻ thông cảm”.
Dưới góc nhìn chuyên gia, trao đổi với PV, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Hiện nay, vùng dân tộc và miền núi còn rất nhiều khó khăn, đang cần nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là nguồn tại chỗ để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đây là trường hợp đặc biệt. Nếu trong trường hợp trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn chỉ tiêu thì hoàn toàn có thể gọi em nhập học. Còn nếu đã hết chỉ tiêu thì nhà trường có thể báo cáo lên bộ GD&ĐT để xem xét xin ý kiến”.
Cũng liên quan tới câu chuyện của Huyền, một cán bộ của ĐH Sư phạm Hà Nội (nơi Huyền nộp NV2) cho biết, về mặt nguyên tắc, em Huyền sai. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt có thể xem xét cho em nhập học. Vị cán bộ này cũng lấy làm tiếc về em Huyền, một học sinh xuất sắc đầy nghị lực.
Bộ đã tiếp nhận thông tin Sáng 6/11, chia sẻ với PV báo ĐS&PL, một vị lãnh đạo cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (bộ GD&ĐT) thông tin, Cục đã tiếp nhận thông tin về trường hợp của Huyền. Theo vị này, Huyền phải làm đơn trình bày sự việc của mình, về nhà lấy các giấy tờ liên quan như: Giấy báo điểm, xác nhận của chính quyền địa phương, giấy khen, bằng khen, biên lai gửi hồ sơ qua bưu điện... rồi gửi lên bộ GD&ĐT để Bộ xem xét. |
NGUYỄN HUÊ - CÔNG LUÂN
[mecloud]j9PP2Jq475[/mecloud]