+Aa-
    Zalo

    Chuyện về những người giữ gìn báu vật dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều năm nay, các loại cây dược liệu đang được đặc biệt quan tâm khi từng ngày nỗi lo “Chảy máu dược liệu” ra nước ngoài bởi các thương lái nước ngoài săn lùng.

    Nhiều năm nay, các loại cây dược liệu đang được đặc biệt quan tâm khi từng ngày nỗi lo “Chảy máu dược liệu” ra nước ngoài bởi các thương lái nước ngoài săn lùng. Dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, ở vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), các cán bộ vườn cũng đang âm thầm thực hiện việc nghiên cứu, bảo tồn các loại thuốc từ tự nhiên. Đây được xem là báu vật thiên nhiên ban tặng.

    Vườn dược liệu khổng lồ

    Sau hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển, men theo những nương chè và triền núi chênh vênh, cuối cùng chúng tôi cũng được hưởng trọn cái cảm giác háo hức, bình yên và mới lạ ở miền sơn cước. Nằm ở phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, vườn Quốc gia Xuân Sơn có nhiều giá trị đặc biệt về cảnh quan, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng, phong phú và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số người Dao, người Mường trong vùng. Nơi đây có khí hậu quanh năm trong lành, mây vờn bao phủ, hệ động thực vật vô cùng phong phú và là nơi quy tụ những hang động đẹp mê hồn.

    Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn ở Sapa, nguồn: Internet.

    Bất cứ ai lần đầu tiên được đặt chân đến nơi đây, chắc chắn sẽ cảm nhận được nét thanh bình của thiên nhiên, tạo hóa. Trên những dãy núi đá vôi hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn chứa nhiều thông điệp của lịch sử. Càng đi sâu vào lõi rừng, càng thấy Xuân Sơn đẹp, nét đẹp tự nhiên, dung dị, hài hòa, ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học.

    Theo lời kể của anh Đinh Tấn Quyền, cán bộ vườn Quốc gia Xuân Sơn, ở đây đã xác định được 180 họ, 680 chi và 1.218 loài. Trong đó, có 40 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 69 loài thú, 300 loài cây ăn được, 665 loài cây dược liệu; 150 loài cung cấp tinh dầu và nhựa... Đặc biệt, theo điều tra thống kê, trong tổng số 1.200 loài thực vật có mặt ở Vườn, có 703 loài có giá trị dược liệu. Có thể nói, vườn Quốc gia Xuân Sơn là “vườn dược liệu” khổng lồ dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn.

    Anh Quyền đã giới thiệu cho chúng tôi gặp gỡ anh Đào Văn Thông, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, vườn Quốc gia Xuân Sơn, một trong những người trực tiếp tham gia khảo sát, bảo tồn, khoanh vùng, định vị các loại dược liệu quý ở đây. Theo lời các lãnh đạo vườn Quốc gia, anh Thông là “người toàn làm việc với Tây”. Bởi hàng chục năm nay, anh là người trực tiếp làm việc với nhiều đoàn nghiên cứu là các nhà khoa học từ nước ngoài đến đây làm việc. Anh có dáng vẻ bề ngoài xuề xòa, chân chất khác hẳn với những tưởng tượng của chúng tôi. Nhưng trò chuyện với anh Thông, chúng tôi thấy được chất say với núi, với rừng trong từng câu chuyện.

    Anh Thông chia sẻ, anh đã có 9 năm “ăn ngủ” với những cánh rừng, vạt đá ở vườn Quốc gia Xuân Sơn. Một phần tuổi trẻ của anh đã gắn liền với nơi này. Chia sẻ về việc nghiên cứu, bảo tồn dược liệu tại đây, anh Thông cho biết: “Nếu bạn đi đường và gặp những người dân ở đây đeo gùi ở ven rừng rất có thể đó là những lang y lên rừng hái thuốc. Những bài thuốc của người Dao, người Mường ở đây dùng các vị gì, quả thực khó có thể biết hết nhưng khi có những dự án nghiên cứu, bảo tồn dược liệu được thực hiện, chúng tôi có thêm cơ sở để bảo tồn nguyên vị nhiều loại dược liệu quý hiếm trong sách Đỏ và có cả những loài độc nhất vô nhị”.

    Chia sẻ với chúng tôi, anh Thông bảo: “Nhiều loài dược liệu mới, các thông tin không có, tất cả phải làm lại từ đầu. Việc nghiên cứu tập tính sinh thái cũng là một quá trình hoàn toàn mới khi tất cả phải theo dõi, quan sát từng chút một để ghi nhận thông tin”. Lấy dẫn chứng về loại dược liệu mới có tên gọi là tỏi Xuân Sơn (Aspidistra xuansonen- sis), anh Thông cho biết, loại này được Vườn phối hợp với trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga nghiên cứu và phát hiện. Loại tỏi này thuộc chi tỏi Aspidistra. Trên thế giới, loại này chỉ phân bố ở Nam Trung Quốc đến Xuân Sơn. “Năm 2014, chúng tôi đã định danh được loại này. Loại này chỉ có ở rừng nguyên sinh ở độ cao khoảng 600m. Nơi rừng ít bị tác động”, anh Thông nói.
    Anh Thông lý giải, theo kinh nghiệm dân gian của bà con nơi đây, loại tỏi này thường được sử dụng khi người dân bị đau bụng, cảm cúm. Ngoài ra, loại dược liệu này còn tham gia vào nhiều bài thuốc dân gian.

    Say nghề và nỗi niềm với “thần dược” lan kim tuyến

    Say sưa kể về việc phát hiện các cây thuốc quý, thậm chí phát hiện loại dược liệu mới, nhưng giọng anh Thông bất ngờ chùng xuống khi nói về 3 loài lan kim tuyến, một loại dược liệu được đồn đoán là “thần dược” chữa nhiều loại bệnh mãn tính và được dân buôn dược liệu săn lùng.

    Anh Thông phân tích: “Đây là loại dược liệu quý hiếm và việc nhân giống rất khó khăn. Một năm chúng chỉ sinh trưởng một lần, tái sinh chủ yếu là bằng chồi. Khoa học tiên tiến đã tiến hành nhân giống loại dược liệu này bằng phương pháp in vitro (phương pháp nhân giống vô tính bằng mô). Tuy nhiên, khi chuyển giao mô ra nơi trồng, cấy khó vì thế, loại này chủ yếu sinh sản tự nhiên”. Đặc biệt, các loại lan kim tuyến hiện trên thị trường có giá trị kinh tế cao khoảng 250.000 –300.000 đồng/lạng tươi. Khi có thông tin các thương lái Trung Quốc thu mua là có tác động đến Vườn, vì thế việc bảo tồn nguyên vị phải thực hiện vô cùng nghiêm ngặt. Anh Thông chia sẻ, các loại dược liệu ở Vườn đang thực hiện là bảo tồn nguyên vị. Tức là các loại dược liệu này được giám sát, bảo vệ ở nguyên các vị trí chúng xuất hiện, sinh trưởng trong Vườn. Các cán bộ ở đây tiến hành lập ô định vị điều tra, theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của các loài cây thuốc trên phạm vi, quy mô 10ha (tại phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt). Theo tìm hiểu của PV, lan kim tuyến ở vườn Quốc gia Xuân Sơn phân bố từ độ cao 300m trở lên và phân bố hầu khắp. Đây là loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

    Tự hào về sự đa dạng sinh học, đa dạng loài, giá trị trong đó có các loại dược liệu nhưng theo các cán bộ ở đây, việc bảo tồn các loại này không phải dễ dàng. Cán bộ của Vườn cũng đã có những cách thức, vận dụng các chính sách để vận động bà con tham gia vào việc bảo tồn rừng, bảo tồn dược liệu tại đây. “Chúng tôi vận động người dân chủ động tham gia vào mô hình giao khoán cộng đồng tham gia bảo vệ rừng. Tuyên truyền cho người dân về các loại đặc biệt nguy cấp, nằm trong sách Đỏ phải bảo vệ khẩn cấp. Cộng đồng nào có cá nhân tiến hành thu mua các loại này thì không được thanh toán việc giao khoán bảo vệ rừng của cộng đồng trong năm đó và thực hiện quyết định 24 không hỗ trợ những hạng mục theo quy định”, anh Thông cho biết.

    Chín năm gắn bó với nơi thâm sơn cùng cốc của đất Tổ, niềm vui, nỗi buồn nào với rừng, anh và cán bộ nhân viên ở Vườn cũng đã trải qua. “Làm bất cứ công việc gì ở đây mà không có đam mê đều khó có thể gắn bó lâu dài được. Việc bảo tồn không thể bảo tồn một loài được và không đơn giản là khoanh một vùng hay làm lồng sắt để nhốt loài đó vào được. Các loài dược liệu thì 90% sống dưới tán rừng. Vì thế bảo tồn dược liệu là phải bảo vệ rừng, bảo vệ sinh thái rừng. Các kiến thức về loài, có loài mới, loài cũ, tập tính... với các anh em trẻ thì nó còn đòi hỏi sự tìm tòi, đam mê rất nhiều”, anh Thông tâm sự.

    Đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật số 16

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-nhung-nguoi-giu-gin-bau-vat-duoi-chan-day-nui-hoang-lien-son-a180607.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan