+Aa-
    Zalo

    Chuyện về người con dâu 10 năm lặng lẽ bón cơm chăm mẹ chồng nằm liệt giường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Người dân ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) không quên câu chuyện cảm động về người con dâu hiếu nghĩa, suốt 10 năm mớm từng thìa cơm chăm mẹ chồng bị bệnh.

    (ĐSPL) - Một mùa Vu Lan nữa lại về, người dân ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn không quên câu chuyện cảm động về người con dâu hiếu nghĩa, suốt 10 năm mớm từng thìa cơm chăm mẹ chồng bị bệnh. Họ nhớ, kể lại cho con cháu nghe, lấy làm tấm gương học tập.

    Được nghe rất nhiều người kể về cô, về câu chuyện một người con dâu tận tuỵ suốt 10 năm mớm cơm chăm sóc cho mẹ chồng bị bệnh nằm liệt giường, chúng tôi đã tìm về thôn 1, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) để gặp cô Phan Thị Nguyện (SN 1953).

    Đon đả mời khách vào nhà, cô Nguyện nở nụ cười hiền khiến tôi cảm thấy không còn sự xa cách. Chúng tôi cứ thế mà lắng nghe nhau, những câu chuyện ấm lòng trong mùa Vu Lan.

    Rót mời tôi chén nước trà, cô nhớ lại chuyện xưa khi biết tôi hỏi chuyện một tay cô chăm người mẹ chồng bệnh tật không lời than phiền trong suốt 10 năm trời.

    Cô Phan Thị Nguyện kể về mẹ chồng mình với tình cảm yêu thương

    Ngày ấy, mẹ chồng cô Nguyện là bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1917), một người phụ nữ tần tảo và hết mực yêu thương con cái. Năm 2002, sau một lần bị ngã cầu thang, bà Cúc từ người khỏe mạnh đã phải nằm liệt giường do bị chấn thương cột sống, rạn xương chậu, gãy xương sườn, gãy răng. Mặc dù bác sĩ và gia đình hết lòng chăm sóc điều trị, nhưng do tuổi già,lại bị chấn thương nhiều lân (đã 5 lần bị ngã) nên từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân phải phục vụ tại chỗ đều đến tay con dâu là cô Nguyện.

    Để tiện chăm sóc mẹ chồng già yếu, cô Nguyện lúc này đang công tác tại trường học đã phải xin chuyển hết tất cả các tiết dạy xuống gần cuối buổi sáng hoặc chiều.

    Công việc mỗi buổi sáng của cô Nguyện là chuẩn bị bữa sáng. tắm rửa thay đồ, vệ sinh cá nhân cho mẹ. Mẹ đau không thể tự nhai cơm ăn được, 3 buổi sáng, trưa, chiều, cô đều mớm cơm cho mẹ ăn.

    Luôn yêu thương, xem mẹ chồng như mẹ ruột của mình, cô Nguyện từ đó cho đến lúc mẹ yên lòng qua đời không một chút nề hà, không một lời than phiền khi chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân cho bà. "Khi còn rất nhỏ, bố hy sinh ngoài chiến trường, một thời gian lâu sau đó mẹ đi lấy chồng, bố dượng của tôi là người rất tốt và thương yêu tôi, bởi vậy khi về làm dâu mẹ Cúc cái tình ấy cũng đã ngấm vào tôi rồi.

     "Khác máu" nhưng không "tanh lòng", mẹ chồng xem con dâu như con gái và con dâu xem mẹ chồng như mẹ ruột nên mẹ và tôi đã sống rất hòa thuận, yêu thương nhau", cô cười hiền chia sẻ.

    Có những hôm đau quá, lại nghĩ ngợi thân già làm tội con dâu, bà Cúc mở lòng nói với cô Nguyện về ý định xin cho mẹ được chết, để không làm khổ con dâu nữa. Thấy mẹ như vậy, cô Nguyện lại càng thương mà muốn chăm sóc mẹ cho trọn tình trọn nghĩa ở những ngày tháng cuối đời.

    Ông Bùi Công Ngư (SN 1959), thôn trưởng thôn 1, xã Sơn Giang và cũng là hàng xóm cạnh nhà cô Nguyện cho biết: "Trên đời này, con dâu mà chăm mẹ chồng được như cô Nguyện tôi thấy hiếm lắm. Suốt 10 năm bà Cúc đau ốm, đêm nào hai mẹ con cũng ngủ cùng nhau, mẹ trở mình là cô ấy dậy ngay. Nhìn cô ấy mớm cơm cho mẹ, tôi cũng phải phục. Bà già có đôi lúc trái ý khó tính vậy nhưng cô chiều được hết. Nhiều lúc thấy cô Nguyện thiếp đi vì mệt, bà Cúc lại gắng cầm quạt, quạt cho con dâu ngủ". Cũng chỉ quen với sự chăm sóc của con dâu nên thời gian cô Nguyện bị ốm, bà Cúc cũng chẳng chịu ở với ai, nhất quyết muốn được cô Nguyện bón cơm cho ăn.

    Cô Nguyễn Thị Minh (SN 1959),  Hiệu phó trường THCS Giang Lâm (nơi cô Nguyện công tác trước đây) chia sẻ: "Đã mười mấy năm trôi qua, bà Cúc đã mất nhưng tôi không thể quên được tấm lòng hiếu nghĩa, chăm sóc mẹ chồng tận tâm của cô Nguyện. Có những sáng đi dạy, thấy cô Nguyện chạy lật đật lên lớp với đôi dép 2 bên chân khác nhau mà thương. Rồi thì có hôm sáng đạp xe lên trường, trưa vội vội vàng vàng về nhà để cho mẹ ăn, cô ấy bỏ quên cả xe đạp chạy bộ về nhà. Những gì cô Nguyện làm không phải ai cũng có thể làm được".

    Cảm phục chị dâu, chị Nguyễn Thị Thanh Hảo (người con thứ 5 của bà Cúc) tâm sự: "Tôi lấy chồng xa, không có điều kiện về phụng dưỡng cha mẹ được. Tôi cảm phục chị dâu. Là dâu nhưng chị đối xử với bố mẹ chồng quá tốt, một đời không có tiếng ra, tiếng vào. Tôi biết ơn chị và học hỏi ở chị rất nhiều".

    Được biết cô nhiều hơn qua  những lời kể của bà con hàng xóm, người thân, những đồng nghiệp cũ của cô, tôi càng hiểu hơn, cảm phục và trân quý hơn cái tình của cô Nguyện.

    Cô Nguyện thắp nén hương ngày rằm tháng 7 

    Hôm nay, là ngày rằm tháng 7, một mùa Vu Lan lại về, gia đình cô tụ họp đông đủ, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại cười nói vui vẻ. Câu chuyện cũng vừa kết thúc, người phụ nữ ấy lại tất bật với mâm cỗ cúng.  

    Đâu đó, giữa những bon chen hối hả trong cuộc sống, những mối lo về cơm áo gạo tiền, chúng ta vô tình quên đi chữ "Hiếu Hạnh" thiêng liêng.

    Trong ngày rằm tháng 7, trong mùa Vu Lan báo hiếu, câu chuyện về người con dâu hết lòng tận hiếu với mẹ chồng của cô Nguyện đã khiến chúng ta ấm lòng hơn, lặng lại và suy nghĩ.

    Rời khỏi căn nhà đang đầy ắp tiếng cười nói, tôi cũng cố rảo bước thật nhanh để kịp về bên mâm cỗ cúng rằm, cùng gia đình sum vầy, để thêm một mùa Vu Lan tôi được cảm nhận hạnh phúc của những đứa con còn cha, còn mẹ...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-nguoi-con-dau-10-nam-lang-le-bon-com-cham-me-chong-nam-liet-giuong-a108173.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.