Trong ký ức những người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội, cố Bộ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ là một người sống giản dị, thanh bạch đến mức đôi khi thành khắc khổ, nhưng lại là người được tất cả mọi người yêu mến, kính phục vì nhân cách sống cao đẹp của mình. Chuyện tình của cố Bộ trưởng với người vợ thật đặc biệt bởi suốt hơn 40 năm sống bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, niềm vui nỗi buồn có nhau, người vợ vẫn luôn coi cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ là người đàn ông đáng yêu nhất, là người mà bà đã yêu suốt cuộc đời mình.
Chuyện tình miền Nam trong những ngày tập kết
Cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ sinh năm 1929, cha ông là thư ký cho một hãng in, mẹ buôn bán ở chợ Tân Định. Bố mất sớm, gia đình không có điều kiện, cuộc sống kinh tế khó khăn, nên chuyện học hành của ông liên tục bị gián đoạn, nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi chuyện học hành và trở thành học sinh của trường Petrus Ký nổi tiếng và tự giành được học bổng, không phải làm phiền đến mẹ.
Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, đang học trường Petrus Ký nhưng ông đã tham gia cách mạng và lựa chọn cho mình con đường chiến đấu vì tổ quốc, vì độc lập dân tộc. Sau này, khi tập kết ra Bắc, ông đã gặp bà Phan Thị Kỳ Nam và cùng bà nên vợ nên chồng.
Những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bà Phan Thị Kỳ Nam theo mẹ và các em rời Bến Tre vào Rạch Giá, Cà Mau. Cha bà là Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, sau khi ký HIệp định Giơ-ne-vơ cũng về Cà Mau đoàn tụ cùng gia đình. Từ đây, chị em bà theo cha mẹ từ miền Nam ra Bắc tập kết.
Ở miền Bắc, trong khi gia đình ở Hà Nội, thì bà Phan Thị Kỳ Nam phải xuống Hải Phòng học trường Học sinh miền Nam, ròi sau đó ra Đông Triều, sang Trung Quốc học văn hóa. Kết thúc quãng thời gian học tại Trung Quốc, bà Phan Thị Kỳ Nam về Hà Nội học Trung cấp Y.
Hà Nội những năm đầu hòa bình có rất đông người miền Nam ra tập kết, hoàn cảnh và tình cảm của những người Nam xa quê tự nhiên khiến con người xích lại gần nhau hơn. Trong trường Y, mấy chị em quê miền Nam chơi rất thân với nhau, có kết thân với một nhóm những bạn nam quê miền Nam ra Bắc tập kết. Trong nhóm học sinh miền Nam ngày đó có đồng chí Ba Ngộ, khi đó là Đại úy, giáo viên trường Công an. Trong ký ức bà Kỳ Nam thì: “Không như mấy anh khác tính ào ào, nói nhiều, trước mặt chị em thì hay thể hiện, anh Ba hiền, ít nói, tế nhẹ. Tôi lại biết dù xuất thân gia đình rất nghèo nhưng anh chăm chỉ học và học rất giỏi, tiếng Pháp, tiếng Nga đều giỏi. Khi chúng tôi biết nhau, anh Ba đã đi học ở Liên Xô về, làm giảng viên trường C500”.
Cố Bộ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ |
Càng quen thân với đồng chí Ba Ngộ, bà Kỳ Nam càng quý mến ông, dần dầntình yêu nảy sinh lúc nào không hay: “Yêu nhau rồi, tôi mới đem chuyện nói với ba mẹ. Ba tôi nói: “Con biểu nó về nhà chơi”. Tôi đem lời ba nói lại với anh, anh suy nghĩ có vẻ ngại ngần, vì dù gì lúc đó tôi cũng là con gia đình cán bộ cao cấp (ba tôi – Phan Triêm – lúc đó là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương), còn anh là cán bộ độc thân, ở ngoài này không có gia đình hay nhà cửa gì cả. Anh nói với tôi: “Đá còn đổ mồ hôi nữa là” – ý nói anh rất ngại, nhưng rồi cuối cùng anh cũng nhận lời”.
Khi về ra mắt gia đình người yêu, Ba Ngộ rất hồi hộp. Sau câu thăm hỏi cha mẹ người yêu, ông kiếm cuốn sách ngồi đọc chăm chú, chứ không biết lấy lòng ba mẹ hay các em người yêu. Đến lúc Ba Ngộ về rồi, má bà Kỳ Nam mới bảo: “Sao nó không nói năng gì, gả con vô chỗ này chỉ sợ khổ con”. Nhưng ba bà thì nói khác: “Đó là cá tính nhỏ, quan trọng là nó thông minh, làm việc tốt, ở trong ngành Công an cũng được rèn luyện tốt”. Chính vì thế mà ông Phan Triêm đã ủng hộ hết lòng khi thấy con gái yêu một người thanh niên như Ba Ngộ. Yêu nhau suốt mấy năm, năm 1965, khi bà Kỳ Nam tốt nghiệp trường Trung cấp Y, ông bà mới tổ chức đám cưới. Ông chuyển từ trong trường Công an ra ở cùng với gia đình vợ ở nhà số 10B Ngọc Hà. Từ hồi nhỏ rời gia đình lên Sài Gòn, rồi đi kháng chiến, tập kết ra Bắc, mấy chục năm qua, đến lúc này khi có vợ, được sự yêu thương của gia đình vợ, Ba Ngộ mới được sống trong bầu không khí gia đình, ăn bữa cơm gia đình đầm ấm.
Thế nhưng sống với nhau chưa kịp quen hơi, ông đã nói với vợ: “Miền Nam đang chiến tranh, anh em bạn bè đã đi Nam hết rồi. Anh phải về Nam thôi”. Thật ra khi ông bà còn yêu nhau, ông đã có ngỏ ý trước: “Sắp tới anh về miền Nam, liệu em có còn thương anh không”? Bà biết ông ấp ủ ý định về Nam từ hồi đó, nhưng vẫn cưới và ủng hộ lý tưởng của ông, bởi bà cũng là con dân miền Nam. Nơi chôn rau cắt rốn của bà cũng ở bên kia Vĩ tuyến 17, một phần trái tim bà ở miền Nam. Hiểu và thông cảm cho chồng, bà cũng quyết xin vào Nam chiến đấu.
Ngày đó, ba bà Kỳ Nam làm ở Ban Tổ chức Trung ương, đơn đi B phải gửi qua cơ quan này. Đoán trước sau gì cha mình cũng biết, vợ chồng bà quyết định trình bày với ba trước. Lúc nghe vợ chồng con gái đề cập chuyện đi B, ông Phan Triêm chỉ hỏi con gái: “Con suy nghĩ kỹ chưa? Ba sợ chiến trường gian khổ, con thân gái dặm trường không chịu nổi”, bà trả lời: “Con suy nghĩ kỹ rồi, con cùng đi với ảnh!”.
Những năm tháng gian lao và đẹp đẽ
Sau khi nhận được sự đồng ý của ba, hai vợ chồng bà lên đường vào Nam cuối năm đó. Đoàn đi có mấy anh cán bộ của Bộ Công an đi tăng cường cho miền Nam, chỉ mình bà Kỳ Nam là nữ. Xe com-măng-ca của Bộ chở vào làng Ho – Quảng Bình, từ đó tất cả bắt đầu hành quân vào miền Nam.
Ròng rã suốt 4 tháng trời đi dọc Trường Sơn, chỉ đi bộ, thỉnh thoảng mới nhờ được một đoạn xe, muỗi, vắt, đói ăn, sốt rét và B52 dập, bom đạn tơi bời... bao nhiêu nguy hiểm gian khổ đó, vợ chồng ông bà đều đã trải qua cùng nhau. Dịp đó đúng vào cuối năm, Trường Sơn mùa đông rét cắt da cắt thịt, lại mưa dầm dề. Rừng già, khí hậu khắc nghiệt, hai ông bà đều bị nhiễm sốt rét, sốt xong dậy đi, địch đánh xong lại đi. Có lúc bà Kỳ Nam đuối sức, không cất bước được nữa, nhưng nghỉ một lúc lại đi tiếp.
Những khó khăn đó với một cô gái trẻ như bà Kỳ Nam hồi ấy không dễ vượt qua. Thế nhưng bây giờ nhìn lại, bà Kỳ Nam thấy những ngày tháng ngọt ngào nhất của vợ chồng ông bà chính là những ngày tháng gian khổ đó, bởi dù cái chết cận kề, nhưng ông bà đã yêu thương nhau, hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi...
Bà Kỳ Nam giờ vẫn nhớ những băng, chỉ thêu, cặp ba lá... bà mang theo trong balo đã đem đổi lương thực thực phẩm với đồng bào dân tộc thiểu số, vì bà con dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn rất thích những đồ trang sức ấy. Nhưng số kim băng, chỉ thêu, cặp ba lá bà mang theo mãi rồi cũng hết, chỉ còn cái áo len của ông.
Có một hôm ghé qua một bản làng, bà mang cái áo len đi đổi, đồng bào thiểu số nhìn cái áo len, thấy sợi len thưa, ánh sáng lọt qua được bèn trả lại. Bà lại lục balo lấy nốt chiếc áo đông xuân của mình đưa ra, đổi được một con gà. Đó cũng là bữa ăn tươi cuối cùng của cả đoàn trên đường hành quân vào Nam. Có lần đang đi, bị B52 rải thảm, đất đá tung tóe, gạo trong những ruột tượng tung ra như mưa rào, bà tối tăm mặt mũi, tưởng chết ngay lúc đó, vậy mà dứt bom lại nhìn thấy chồng đứng bên cạnh, còn nguyên vẹn, bà ôm lấy ông òa khóc.
Ông bà ăn Tết giữa rừng, sau đó mới vào đến căn cứ Trung ương cục ở Tân Biên, Tây Ninh. Vào đến nơi tuy cả đoàn đều tiều tụy, nhưng được cái còn nguyên vẹn. Gặp chú Hai Mai, một người bạn của ba bà Kỳ Nam, chú hỏi: “Hai đứa có muốn công tác chung không? Chú bố trí cho”.
Nhưng ông Ba Ngộ lập tức từ chối. Ông bảo: “Vợ chồng ở chung khó phấn đấu, phải ở riêng ra mới công tác tốt được”. Thế là ông bà chia tay, mỗi người một ngả, ông về cơn quan an ninh miền, còn bà công tác ở bệnh xá. Những ngày ông được phân công về vùng ven công tác đầu những năm 1966, ông bị sốt, ăn uống thiếu thốn, không được thuốc thang, lại nằm hầm lâu lên bị liệt, không đi lại được, phải nằm một chỗ....
Tình yêu suốt cuộc đời
Như kỳ trước đã nói, chuyện ở tiến tuyến, nhiều lần bặt tin ông mấy tháng trời, bà nghĩ chắc hẳn ông đã hy sinh. Bệnh xá Ban An ninh ngày ấy thương binh nhiều, mỗi ngày bao nhiêu công việc: Cứu chữa thương binh, đào hầm hào, công sự, dựng nàh, lợp lán, khiêng cáng.
Bà Kỳ Nam chân yếu tay mềm, cả đời chưa biết đụng tay chân làm gì, giờ cũng cầm cuốc xẻng, đi lấy lá trung quân và cũng leo lên lợp mái nhà. Hoàn cảnh đẩy người ta tới chỗ có thể làm hết mọi thứ. Nhưng mỗi khi đêm về, có chút yên tĩnh, lòng bà buồn vô hạn, không biết tâm sự cùng ai.
Dò hỏi tin tức của chồng nhưng không ai biết, chiến trường mù mịt, ngày nào cũng có thương vong, bà hoàn toàn bặt tin chồng. Mãi cho đến một ngày, có người về cứ đưa cho bà mảnh thư, chữ nguệch ngoạc, xiêu vẹo, nhìn mãi nét chữ, bà mới tin là thư chồng.
Ông báo tin ông còn sống nhưng bị liệt, nay mới đỡ nên viết thư về cho vợ vì sợ vợ lo. Bà đọc thư chồng mà rớt nước mắt vì thương chồng. Có chuyến ông đi miền Tây chuẩn bị cho Mậu Thân 1968, cả năm trời bà không có tin tức gì. Sau Mậu Thân thì Mỹ đánh bên này, Lonnon đánh bên kia, căn cứ bị vây ép ba bên bốn bè, cả cứ khi thì ở bên này biên giới, khi lại sang bên đất Campuchia, chạy đi chạy về sơ tán hai bên biên giới như cơm bữa. Lúc nào bà cũng chuẩn bị tinh thần: Hoặc ông chết, hoặc bà chết, hoặc cả hai sẽ chết.
Cứ như thế trong gần mười năm trời, cho đến khi gặp nhau, nhìn thấy nhau, bà mới tin người chồng thân yêu của mình còn sống. Thỉnh thoảng giữa những năm chiến tranh, ông bà được gặp nhau vội vàng mỗi khi ông đến thăm bà ở Bệnh xá. Có lúc ông xách cho bà ghi-ghô thịt kho tàu ông kho sẵn ở cơ quan, khi khác một nắm rau xanh mà anh em ở Văn phòng Ban An ninh trồng được. Gặp nhau một chốc rồi lại về cơ quan công tác, ai có nhiệm vụ đấy, ông bà lại chờ một dịp khác được gặp nhau, để được nhìn thấy nhau và biết nhau còn nguyên vẹn. Trong những năm chiến tranh ác liệt, suốt gần 10 năm trời, ông bà không dám sinh con. Sợ bom đạn tơi bời, sống chết trong gang tấc, mình còn chưa chắc sống, nói chi đến chuyện sinh con và nuôi con. Trong căn cứ lúc đó có bà mẹ sinh con, nuôi con. Con đói cơm khát sữa đã đành, nhưng khủng khiếp nhất là những lúc địch càn, dội bom, phải di chuyển căn cứ...
Có bà mẹ đưa hai con nhỏ chạy càn, sức yếu không kham nổi hai đứa đành giấu mộ đứa trong bụi cây, đưa một đứa chạy thoát, đến khi quay lại thì đứa con nhỏ đã bị kiến lửa bu cắn chết. Những chuyện thương tâm vô cùng ấy khiến cho bà không đủ can đảm có con. Mãi đến sau khi Hiệp định Paris, Mỹ rú quân hỏi Việt Nam, chiến tranh bớt ác liệt, bà cũng đã tốt nghiệp lớp bác sĩ, ông bà mới sinh con. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình ông bà lại bước vào những thử thách mới.
Ông chuyển công tác khắp nơi, lúc ở TP. Hồ Chí Minh, khi về Vũng Tàu, rồi lại lên TP.HCM, sau đó vài năm thì ra Hà Nội. Với vợ chồng ông bà, chuyển nhà là câu chuyện thường ngày, nên trong nhà không dám sắm sanh cái gì có giá hay nặng nề, sợ mỗi lần di chuyển không mang theo được. Năm 1986, ông ra Hà Nội, lúc đó vì con gái còn nhỏ, thay đổi môi trường học tập không tốt, nên hai mẹ con bà ở lại TP.HCM, để ông đi một mình. Từ đó cho đến khi ông nghỉ hưu năm 1996, gia đình ông bà cứ ở hai phương trời Nam – Bắc xa cách. Đến lúc ông về hưu mới được sum họp. Nhưng đến lúc về hưu, ông bà vẫn chuyển nhà. Lý do là vì ông muốn trả lại căn nhà được phân cho nhà nước để lấy căn nhà khác. Ông bảo căn nhà đó lớn quá, gia đình lại ít người, không sử dụng hết, chuyển qua căn nhà nhỏ hơn để đỡ lãng phó cho Nhà nước. Sau này, vợ chồng ông bà về quận 2, cả gia đình mới ổn định tổ chức. Nhưng chỉ sau mấy năm sống bên gia đình, chưa kịp hưởng tuổi già êm ấm được bao nhiêu, ông đã bị bệnh rồi qua đời. Khi ông mất đi, điều khiến bà Kỳ Nam day dứt nhất là không có nhiều thời gian ở bên chồng, để gần gũi chăm sóc ông, vì hoàn cảnh vợ chồng mỗi người một nơi.
Bà vẫn thương ông cả cuộc đời thiếu thốn hơi ấm gia đình, thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, của vợ, của con. Ngay cả khi làm chức vụ cao, ông cũng sống một mình ở Hà Nội, trong khu Tập thể Bộ Nội vụ. Suốt hơn 40 năm sống bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, niềm vui nỗi buồn có nhau, vợ chồng ông bà đã có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Với bà Kỳ Nam, cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ là người đàn ông đáng yêu nhất, là người mà bà đã yêu suốt cuộc đời mình.
Đức tính giản dị của một vị Bộ trưởng
Sinh thời, cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ là người sống giản dị, thanh bạch, làm gì cũng nghĩ đến dân, đến nước. Thời làm Đặc vụ khu ủy, Giám đốc Công an ở Vũng Tàu, ông thường đi cái xe Mobylet cũ, có hôm đạp không nổ, ông đạp xe đi làm, mồ hôi chảy đầm đìa. Thấy ông vậy, nhiều cán bộ ái ngại, muốn đi ô tô cũng không dám đi.
Sau này, làm Bộ trưởng, có lần ông về Vũng Tàu đi nói chuyện với cử tri. Ông đi cái xe Lada cũ, thăm hỏi khắp đó đây, xe bị bể lốp giữa đường, Công an tỉnh đưa về, thay một bộ lốp mới nhưng không dám- báo cáo ông, sợ ông la lốp còn dùng được mà bỏ đi lãng phí. Đi cùng ông về chỉ có một lái xe kiêm bảo vệ, theo ông về Vũng Tàu rồi lại đi cùng ông lên TP.HCM, chứ ông kiên quyết không cho ai theo bảo vệ.
Ông được phân một căn nhà ở Vũng Tàu, nhưng năm 1984, khi ông về Bộ, ông đưa vợ con về, trả lại căn nhà, ai nói gì cũng nhất quyết không nhận. Khi ra Hà Nội làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông sống một mình trong căn nhà trên phố Trần Quốc Toản, không vợ con, không người thân,, cũng không có cảnh vệ; cuộc sống hết sức tùng tiệm, kham khổ. Lúc nào ông cũng chỉ đi xe Lada, ăn cơm dưa cà, mắm muối. Anh em trong cơ quan góp ý về lối sống kham khổ, hy sinh thái quá của ông, ông nói: “Không phải tôi không thích xài đồ xịn, đồ tốt, xe ô tô, máy lạnh Nhật, song dân còn nghèo, nước còn nghèo, thì phải tiết kiệm để xây dựng đất nước chứ. Các đồng chí thấy đấy, tôi mới đi xe Lada Liên Xô sản xuất, thì cấp dưới, cấp Cục đã xài ô tô Nhật.
Tôi mà đi xe Nhật, không biết các đồng chí đó sẽ xài loại xe nào? Là cán bộ cấp cao của Đảng, Bộ trưởng đứng đầu một bộ, mình phải gương mẫu, phải hy sinh những lợi ích cá nhân, gia đình thì mới nói, mới làm gương cho anh em được”. Trong ngôi nhà 90 Trần Quốc Toản ông ở thời ở Hà Nội có một cái tủ lạnh bị hỏng cánh, mỗi lần cấp dưỡng mở ra lấy đồ ăn là cái cánh tủ lại bị rơi ra. Người cấp dưỡng đề xuất với văn phòng bộ thay chiếc tủ lạnh hỏng cánh. Nhân chuyến Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đi công tác, văn phòng đã cho thay tủ lạnh mới, ông đi công tác về, thấy tủ lạnh mới, liền gọi cấp dưới lên “xạc” cho một trận: “Đồ đạc trong phòng làm việc của tôi, nhà ở của tôi, muốn thay phải được tôi đồng ý”.
Cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ sống rất giản dị. Lúc nào ông cũng tránh làm phiền người khác. Đi công tác các địa phương, ông đều bảo thư ký mang theo đồ ăn (cơm nắm, muối vừng, xôi chả), cho vào cặp lồng để ăn trưa trên xe chứ không muốn rẽ vào công an tỉnh hoặc tìm quán ăn dọc đường. Trong làm việc ông rất nguyên tắc, chỉ tiếp khách tại cơ quan và phải đăng kí qua thư ký. Thư ký của ông cũng không được nhận bất cứ quà nào do khách gửi.
Hồi đó lương Thượng tướng, Ủy viên Bộ Chính trị được hơn 2 triệu đồng, ông giao một khoản cho chú cấp dưỡng phục vụ chi tiêu trong tháng, một khoản gửi cho vợ nuôi con, một khoản gửi tiết kiệm. Những dịp cuối tuần không bận việc, ông thường tự đi xe đạp đi gặp những người bạn của mình, cùng ngồi café và ăn sáng bình dân, kiên quyết không cho bảo vệ, thư ký đi cùng. Anh em muốn dùng xe máy chở đi, ông cũng không cho, ông bảo: Để anh em về nhà nghỉ ngơi với vợ con, tôi tự lo được. Làm Bộ trưởng Bộ Công an mà để xảy ra không an toàn thì đất nước còn an ninh gì nữa. Dù lúc đang giữ những cương vị cao, hay khi về hưu, Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ vẫn giữ một phong cách sống như thế. Chính vì vậy mà khi nhắc đến ông, anh em, đồng chí, đồng đội và những cán bộ cấp dưới luôn dành cho ông những tình cảm kính trọng và yêu mến đặc biệt.