+Aa-
    Zalo

    Chuyện về Miếu Âm hồn, di tích của những oan hồn phiêu bạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Miếu Âm hồn là cách gọi của người dân xã Bảo Ninh về nơi chôn cất những xác chết vô danh trôi dạt vào Sa Động. Đây là nơi linh thiêng, nơi cầu may của người dân miền biển.

    (ĐSPL) - Miếu Âm hồn hay Âm hồn tự là cách gọi của người dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) về nơi chôn cất những xác chết vô danh trôi dạt vào Sa Động. Trải qua năm tháng, nơi đây vẫn là chốn linh thiêng, huyền bí lẫn “sợ hãi” và cũng là nơi cầu may của những ngư dân vùng biển.

    Xót thương cho những linh hồn lưu lạc

    Nằm tọa lạc trên mảnh đất Sa Động, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, từ lâu người dân nơi đây đã coi việc những xác chết vô danh trên biển trôi dạt về đất mình là một cơ duyên trời định. Và cho đến bây giờ nhiềungười cũng không thể giải thích được tại sao vùng đất Sa Động hàng năm lại có nhiều xác chết trên biển trôi dạt vào đây đến vậy. Và cũng không ai còn nhớ người đầu tiên nảy ra ý định dựng miếu oan hồn và miếu có từ lúc nào.

    Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, khu âm hồn ban đầu là khu nghĩa địa mai táng cá Ngài. Bởi, đối với những người dân làng biển, cá Ngài là biểu tượng của con cá Voi cứu người mỗi khi gặp nạn, nhất là trước đây dân làng đã từng chôn cất nhiều xác cá voi trôi dạt đến đây. Bởi vậy, miếu thờ được người dân xem như một cách thể hiện sự biết ơn đến biển cả. Nhưng rồi, số người chết trôi dạt đến bờ biển Sa Động ngày càng nhiều mà không có ai đến nhận, không giấy tờ tùy thân và cũng được người dân mai táng vào đây. Những con người xấu số này được người dân Sa Động khâm liệm và chôn cất một cách chu đáo, cẩn thận.

    Các cụ cao niên ở trong làng cũng khẳng định, nơi đây không chỉ chôn cất cá Ngài, những xác chết trôi dạt mà còn có những liệt sỹ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1953). Những chiến sỹ này là cán bộ hoạt động bí mật bị thực dân Pháp bắt, tra tấn rồi bắn chết. Chúng đưa xác về vứt ở ngoài làng, người dân thấy vậy liền mai táng, cất bốc rồi đưa vào miếu mà không rõ tung tích.

    Miếu Âm hồn là nơi chôn cất những xác chết vô danh trôi dạt vào Sa Động

    Có người kể lại rằng, năm 1979, sau một cơn bão biển, người làng Sa Động đã vớt được xác hai nạn nhân nam, theo ăn mặc và cấu trúc thuyền chài, người ta nghĩ đó là người Trung Quốc cùng con thuyền đánh cá của họ bị sóng biển nhồi lên bãi. Một người cao to khoảng 30 - 35 tuổi. Còn người kia gần 50 tuổi. Sau khi đưa xác 2 nạn nhân lên bờ, hội đồng pháp y của Bệnh viện Quảng Bình đã tiến hành mổ xẻ, khám nghiệm tử thi. Dẫu biết rằng những người dân Trung Quốc tử nạn này thường là đi đánh bắt trộm hải sản ở vùng biển Việt Nam, và lúc này, chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra quyết liệt, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, người dân làng Sa Động vẫn giang lòng tế độ của mình.

    Người làng biển vốn bản tính hào hiệp, họ không nỡ lòng để những linh hồn ấy lang thang vô định nên thỉnh thoảng vào khu âm hồn cúng thổ thần thổ địa. Nhất là vào ngày 15/7 hàng năm, người dân Sa Động đều làm lễ cúng siêu thoát  cho những linh hồn không có nơi nương tựa. Người làng nghĩ rằng, tuy là vô danh nhưng được mai táng trong làng nên cũng là người thân. Do vậy, cứ đến ngày sóc, ngày vọng, ông từ của làng đều đến thắp hương tại đền.

    Trải qua thời gian, Miếu Âm hồn đã bị xuống cấp và hư hại nhiều. Qua 3 lần tu sửa, đến nay Miếu Âm hồn đã được khang trang và mở rộng hơn. Vào năm 1990, để có nơi thờ tự các vong linh, dân làng đã quyên góp tiền để xây dựng lại miếu và có tên gọi là Sa Hải Tự. Năm 2011, cùng với một vài di tích khác trong làng, Miếu Âm hồn được tỉnh Quảng Bình cấp bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh, có cơ hội được xã hội quan tâm và biết đến nhiều hơn.

    Chỉ là sự trùng hợp

    Cách đây vài năm, người dân Sa Động dấy lên nhiều câu chuyện mang tính huyền bí trong xã về sự linh thiêng của ngôi đền. Bởi, nếu không vào dịp ngày rằm hay mồng một thì trẻ con, phụ nữ hoặc những người yếu bóng vía không dám đi qua. Nhiều người cho rằng, vào đền thì phải thành kính, không được nói to, nói bậy và ngạo mạn, nếu không sẽ bị oan hồn quở trách, trừng phạt. Chính vì những lời đồn thổi như vậy nên nhiều người coi Miếu Âm hồn là nơi để cầu may cho chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió.

    Chuyện kể lại rằng, trong một lần đi kéo tép dưới biển, hai người đàn ông gặp mưa nên chạy vào miếu để trú ẩn. Thay vì có thái độ tôn trọng, thành kính, họ nói chuyện bỗ bã, thách thức thần linh và oan hồn. Đồng thời, họ dẫm đạp lên các ngôi mộ và nằm ngã nghiêng trên miếu. Khi trở về, 2 người này kể chuyện vào miếu với nhiều người và cho rằng, họ đã vào miếu mà có thấy ma quỷ gì đâu. Nhưng không lâu sau đó, người đàn ông thứ nhất đột nhiên qua đời sau một đêm. Còn người còn lại cũng tử vong sau một tai biến bất ngờ. Từ đó, trong tư tưởng của người dân niềm tin tưởng về sự linh thiêng của ngôi miếu càng tăng lên.

    Vào năm 1990, để có nơi thờ tự các vong linh, dân làng đã quyên góp tiền để xây dựng lại miếu và có tên gọi là Sa Hải Tự

    Giải thích cho câu chuyện này, ông Trương Xa, thôn Sa Động, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, là người được giao nhiệm vụ trông coi ngôi miếu này cho biết: “Đó là câu chuyện cách đây vài năm rồi và là câu chuyện có thật. Đây là một sự trùng hợp nhưng việc người dân coi đây là ngôi miếu linh thiêng thì rất rõ ràng. Bởi, theo truyền thống của người dân nơi đây, trước khi đi biển, mọi người đều vào miếu thắp hương để xin sự bình an và thuận buồm xuôi gió. Ngoài ra, có nhiều người trước khi làm bất cứ việc gì cũng ra đây thắp hương để mong mọi việc được thông. Có thể, cái cảm giác “rờn rờn” khi nghĩ đến người chết đã làm cho nhiều người thêu dệt ra nhiều câu chuyện như thế”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-mieu-am-hon-di-tich-cua-nhung-oan-hon-phieu-bat-a76389.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan