Bỏ lại công việc ổn định với mức thu nhập cao, chàng kỹ sư trẻ về quê xây dựng trang trại trồng nho đen, mong muốn tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Mảnh vườn nhỏ xinh của anh Vương Lộc. |
Bỏ phố về quê
Mới đây, trên nhóm Làng “Bỏ phố về quê” chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của chàng kỹ sư Vương Đắc Lộc (SN 1988), hiện đang sinh sống tại huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội. Câu chuyện của chàng trai trẻ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
PV ĐS&PL đã liên hệ với nhân vật chính trong câu chuyện để nghe về quyết định chuyển mình khiến nhiều người ngạc nhiên của anh. Anh Vương Lộc cho biết, trước đây, anh là kỹ sư kiến trúc một công ty xây dựng quy mô nhỏ. Từ năm 2010, anh giữ vị trí trưởng phòng thí nghiệm kiểm định nên mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung nhưng lại không mang đến sự hứng khởi cho anh.
“Công việc xây dựng mà tôi từng làm khá máy móc, rập khuôn. Khi lên một vị trí nhất định, công việc lặp đi lặp lại khiến tôi chán ngán. Tôi là người yêu thích tự do, sáng tạo và từ nhỏ đã khao khát có một mảnh vườn để trồng cây ăn quả. Vì vậy, sau một thời gian đắn đo, tôi quyết định về quê làm nông nghiệp. Nghe tôi nghỉ việc, ai cũng sửng sốt không tin. Bố mẹ khuyên nhủ, ngăn cản gay gắt, đồng nghiệp bảo tôi bị điên. May mắn, tôi có vợ luôn bên cạnh động viên, chia sẻ những khó khăn. Vợ tôi rất tin tưởng chồng, bởi cô ấy biết việc gì tôi quyết làm nghĩa là tôi đã nghiên cứu kĩ lưỡng rồi”, anh Vương Lộc cho biết.
Biến đất cằn thành vườn nho đen
Người dân quê anh gần như không ai làm ruộng nữa, họ làm công nhân tại các xí nghiệp nhà máy. Vì vậy, đất ruộng bỏ hoang, cằn cỗi, bạc màu. Thấy vậy, anh Vương Lộc đã gom 2000m2 ruộng để làm vườn. Anh đi vay mượn khắp nơi để có số tiền 250.000.000 đồng nhằm biến ước mơ thành hiện thực.
Anh Vương Lộc gặp gỡ Ths. Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ để học hỏi kiến thức thực tế. |
Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh có mặt tại trang trại để cải tạo đất, làm lán, dựng giàn... Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng loay hoay một mình khiến anh vô cùng mệt nhọc. Là người ham học hỏi, chăm chỉ tìm tòi, anh Vương Lộc đi khắp các tỉnh trồng nho ở phía Bắc như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... để nghiên cứu cách gieo trồng loại quả này. Ngoài ra, anh cũng gặp gỡ các vị giáo sư, bạn bè đã làm, người quen để trau dồi kiến thức.
Chàng nông dân trẻ điển trai hào hứng chia sẻ: “Gần như người nông dân chỉ trồng nho ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bởi thời tiết phù hợp. Ở miền Bắc rất ít vùng trồng nho. Thấy bà con địa phương bỏ đất lãng phí, tôi nghĩ tại sao không biến nho đen thành đặc sản, xây dựng thương hiệu cho địa phương. Bên cạnh đó, trang trại nho sẽ tạo việc làm cho nhiều người lao động. Ngoài nho đen, tôi trồng thêm bốn loại nho khác để xác định loại thích hợp với vùng đất nơi đây”.
Theo anh Vương Lộc chia sẻ, nho là loại quả có nhiều ưu thế như: Giá thành sản phẩm cao đem lại nguồn lợi lớn cho nông dân, quy trình chăm sóc đơn giản nếu nắm rõ đặc tính cây trồng, thời gian thu hoạch ngắn nên sớm quay vòng vốn.
Tuy nhiên, việc trồng nho ở miền Nam thuận lợi hơn miền Bắc rất nhiều bởi nho hợp thời tiết hanh khô, khí hậu nóng. Còn ở miền Bắc, muốn thành công với ruộng nho là cả một hành trình khó khăn, nhọc nhằn. Nếu không kiên trì, bền bỉ thì sẽ không bám trụ được với nghề. Mùa đông ở miền Bắc rất lạnh giá, mưa nhiều, không khí ẩm, không thích hợp để trồng nho. Vì vậy, anh Vương Lộc phải nhờ tới sự can thiệp của công nghệ kỹ thuật để “nịnh” loại cây trồng này. Để chống lại thời tiết khắc nghiệt, anh Vương Lộc dùng màng nilon để tránh mưa, sương muối. Mùa đông cũng là thời gian ngủ đông của cây nho. Cây nho sẽ tạm ngưng phát triển trong thời gian này.
Nếu như miền Nam sử dụng giàn thông thường thì anh Vương Lộc phải làm giàn chữ Y cho cây nho để tiết kiệm không gian. Mật độ cây trồng dày hơn, số lượng chùm và cành cũng được anh Vương Lộc tính toán cẩn thận. Anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây nho phát triển đều hơn.
Chàng nông dân trẻ Vương Lộc đang từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình, biến vùng đất hoang hóa, khô cằn thành một vườn nho đen căng mọng trong tương lai. Bên cạnh đó, anh còn kết hợp xây dựng mô hình tham quan trải nghiệm tại vườn để thu hút khách du lịch. Anh Vương Lộc là đại diện cho lớp thanh niên: “Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên”.
“Bước xa hơn, tôi nghĩ để nho đen tăng giá trị thương phẩm cần phát triển mạnh khâu chế biến. Ngoài cung cấp nho tươi ra thị trường, cần chú trọng khâu chế biến sản phẩm. Có rất nhiều sản phẩm được làm từ nho, bảo quản được trong thời gian dài như: Vang nho, nước ép nho, siro nho, nho khô, nho sấy... Làm tốt khâu chế biến, bảo quản, tìm kiếm thị trường tiềm năng trong nước và ngoài nước thì chắc chắn nho đen Việt Nam sẽ có thương hiệu riêng, xuất khẩu sang nước ngoài, thu lợi nhuận cao”, anh Vương Lộc cho biết thêm. |
Cẩm Hà
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (206)