+Aa-
    Zalo

    Chuyện về "con tàu bất diệt" mang khát vọng bám biển của ngư dân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đó là một buổi trưa hè đầu tháng 6/2014, nắng như đổ lửa, bầu trời cao xanh, con tàu mang số hiệu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa, được lai dắt vào bờ.

    (ĐSPL) - Đó là một buổi trưa hè đầu tháng 6/2014, nắng như đổ lửa, bầu trời cao xanh, con tàu mang số hiệu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa, được lai dắt vào bờ.

    Chính quyền TP.Đà Nẵng động viên tinh thần gia đình bà Hoa trước khi vươn khơi.

    Những ngày đầu xuân, phân xưởng nhỏ của Hợp tác xã trục vớt và đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An trở nên sôi động lạ thường! Hết thảy, ai nấy đều không giấu được sự hân hoan và tự hào khi chiếc tàu thay thế tàu ĐNa 90152 bị đâm chìm trên biển Hoàng Sa, đã được hạ thủy để chuẩn bị cho một chặng đường ra khơi mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của “con tàu bất diệt ĐNa 90152”.

    Bất khuất trước phong ba

    Với bà Huỳnh Thị Như Hoa, ông Trần Văn Vốn (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), cuối cùng họ cũng đã có thể nhìn về hướng con tàu và nở nụ cười rạng rỡ... Những người như bà Hoa, ông Vốn, thuyền trưởng Trần Văn Nhân và nhiều ngư dân khác, có lẽ sẽ mãi mãi không bao giờ quên buổi trưa hôm ấy.

    Đó là một buổi trưa hè đầu tháng 6/2014, nắng như đổ lửa, bầu trời cao xanh, tại bến thuyền Thọ Quang, con tàu mang số hiệu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa, được lai dắt vào bờ. Con tàu lúc ấy hệt như một “chiến binh” trở về từ sau trận thủy chiến khốc liệt với kẻ thù.

    Chứng kiến cảnh “đứa con tinh thần” của mình bị đâm thủng, thiết bị bên trong tan nát, tanh bành, ông Vốn, chủ nhân con tàu ĐNa 90152 ngồi bệt xuống đất nhìn ra khoảng trời xanh phía trước thẫn thờ như người vô hồn, dường như trong giây phút ấy ông chẳng thể thốt nên lời nào được nữa. Còn bà Hoa thì chỉ biết nức nở, bởi con tàu không chỉ là kỷ vật của gia đình mà nó còn là “chiếc cần câu cơm” của anh em thuyền viên.

    Bà Hoa từng xót xa nói rằng: “Con tàu này đã qua bao nhiêu năm vùng vẫy trên biển Hoàng Sa, đi qua bao nhiêu mưa bão trên biển từ Chanchu cho đến Xangshane... nhờ có nó mà gia đình chúng tôi và các thuyền viên mới có cuộc sống đủ đầy hơn. Nhìn tàu bị đâm hư hết, ruột gan tôi đau đớn lắm, đau như đứt từng khúc ruột của mình...”.

    Đối với người dày dạn kinh nghiệm như thuyền trưởng Nhân, sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa cũng không làm ông nản lòng, nhưng khi chứng kiến “người bạn” từng “vào sinh, ra tử” với mình vỡ ra từng mảnh, ông cũng chỉ biết lặng lẽ đứng nhìn, nước mắt mặn đắng trên khuôn mặt người thuyền trưởng từng trải.

    Vẫn giữ được sự bình tĩnh của một ngư phủ bao nhiêu năm sóng gió trên biển, ông Vốn cho biết, thiệt hại trong vụ tàu cá của ông bà bị đâm chìm lên đến hơn 5 tỉ đồng, chưa kể các máy móc ngư cụ... đều đã hư hỏng không thể sử dụng lại được.

    Bà Hoa, người phụ nữ của gia đình và của cả những anh em thủy thủ trên con tàu “định mệnh” thì “lo xa” hơn. Trong dòng nước mắt, bà trăn trở về một viễn cảnh mịt mờ của các anh em thuyền viên tàu ĐNa 90152, vốn bao nhiêu năm chung vai sát cánh cùng gia đình bà. Họ đã may mắn sống sót nhưng rồi họ sẽ đi về đâu khi con tàu đã vỡ, “chiếc cần câu cơm” đã mất? Hơn nữa, hầu hết các anh em thuyền viên đều là lao động chính trong gia đình.

    Khó có thể diễn tả được cảm xúc của vợ chồng bà Hoa cùng 10 thuyền viên tàu ĐNa 90152, khi họ đứng nhìn con tàu mang đầy thương tích, vĩnh viễn không thể “đạp sóng” ra khơi. Bởi, hàng chục năm nay, con tàu này dường như đã trở thành một ngôi nhà trên biển, gắn kết chủ tàu và thuyền viên thành một đại gia đình.

    Vì vậy, với họ, mất tàu cũng như mất đi ngôi nhà thân yêu. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, vợ chồng bà Hoa đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là hiến tặng con tàu ĐNa 90152 cho bảo tàng và dùng nó làm bằng chứng tố cáo hành vi vi phạm của tàu Trung Quốc.

    Vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa, ông Trần Văn Vốn phấn khởi bên con tàu mới.

    Ông Vốn kể: “Khi tàu vào bờ, bị vỡ vụn, có người bắn tiếng muốn bỏ ra vài tỷ mua lại để rã máy và thân tàu, nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau là không bán. Ai lại bán đi đứa con, bán đi kỷ niệm của mình. Hơn nữa, con tàu còn là bằng chứng không thể chối cãi của tàu Trung Quốc”. Vì vậy, chúng tôi muốn giữ nó lại để đòi công lý, quyết kiện kẻ đã cố tình hủy hoại nó”.

    Sứ mệnh thiêng liêng

    Sau gần nửa năm đợi chờ, con tàu “anh em” với con tàu nhân chứng lịch sử ĐNa 90152 cũng đã hoàn thiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị hạ thủy, sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi, bám biển. Theo lời bà Hoa, niềm vui này lại càng được nhân lên gấp nhiều lần khi con tàu được đóng mới lần này được sự hỗ trợ, ủng hộ, đóng góp rất lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

    “Chúng tôi rất vui mừng. Tàu vừa mới, mã lực lớn nên yên tâm, không lo ngại sóng gió. Chúng tôi sẽ hoạt động ở hai ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, bà Hoa khẳng định.

    Do con tàu cũ vẫn được giữ lại nguyên trạng để tiến tới đưa vào bảo tàng nên theo quy định con tàu mới thay thế phải mang một số hiệu khác. Bà Hoa rạng rỡ chia sẻ: “Số hiệu mới của con tàu “anh em” này là ĐNa 90657. Đây là dãy số tiến nên chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành”.

    Cùng chung cảm xúc với bà Hoa, anh Hồ Ngọc Pháp (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), một trong những thuyền viên gắn bó với con tàu “lịch sử” ĐNa 90152 tâm sự: “Trong thời gian tàu được đóng mới, chuẩn bị hạ thủy, anh em chúng tôi đều đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về tinh thần lẫn sức khỏe. Bây giờ, chúng tôi chỉ đợi đến ngày được nổ máy ra khơi thôi, nhớ biển, nhớ “nhà” lắm rồi. Hơn thế nữa, đó cũng là lời đáp trả đối với Trung Quốc rằng chúng tôi không dễ bị khuất phục, biển của cha ông Việt Nam thì phải do người Việt Nam giữ gìn”.

    Đúng 10h5 sáng 21/1/2015, con tàu ĐNa 90657 chính thức hạ thủy, chuẩn bị cho một chặng đường mới ra khơi bám biển cùng những ngư dân kiên cường. Trong buổi lễ, có mặt đông đảo đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương và hội Nghề cá TP.Đà Nẵng.

    Chia sẻ với chúng tôi, ông Vốn phấn khởi: “Con tàu mới này là tài sản lớn không chỉ riêng của gia đình tôi mà đó là sự ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân đã cùng chia sẻ với gia đình tôi trong lúc khó khăn. Chính vì thế, gia đình tôi đã quyết tâm đóng con tàu mới này để tiếp tục vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy, hải sản để có nguồn thu nhập cho gia đình và đông đảo anh em thuyền viên, bên cạnh đó là góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi tin rằng, trong năm mới này, con tàu mới sẽ là nguồn động lực vô cùng to lớn cho chúng tôi và toàn thể ngư dân cả nước tiếp tục vươn khơi, bám biển”.

    Vẫn giọng nói quả quyết chắc nịch mùi nắng gió, thuyền trưởng Nhân chia sẻ: “Mọi khó khăn cuối cùng cũng đã khắc phục được, ai cũng phấn khởi và đặt tất cả hy vọng vào con tàu mới này”. Trong giây phút mong đợi của đông đảo bà con có mặt tại buổi lễ hạ thủy và hàng triệu đồng bào khắp cả nước trong năm qua đã hướng về gia đình bà Hoa, ông Vốn, con tàu mới từ từ trượt khỏi thanh ray để lao mình xuống nước, chính thức bắt đầu một hành trình mới. Đó cũng là thời khắc nối tiếp sứ mệnh thiêng liêng của con tàu ĐNa 90152 lịch sử, sứ mệnh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

    Tàu có khả năng hoạt động trong bão cấp 11, 12

    Theo bà Huỳnh Thị Như Hoa, tàu cá ĐNa 90657 TS được đóng mới với tổng số vốn 7,5 tỉ đồng. Tàu có hai máy, hai chân vịt; bốn khoang chứa có thể chứa hơn 50 tấn cá, và khoang chứa có thể bảo quản cá trong thời gian hơn một tháng; có chiều dài 21,5m, cao 3,5m, rộng 6,2m, tổng công suất hơn 950 CV, tàu cá có khả năng hoạt động trong điều kiện bão cấp 11, 12...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-con-tau-bat-diet-mang-khat-vong-bam-bien-cua-ngu-dan-a85464.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan