+Aa-
    Zalo

    Chuyện về chú “Gà trống” miệt mài cùng con “nhặt chữ” và lớn lên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều đêm nằm ôm con, nhìn con… mà nước mắt người bố ấy lại tuôn rơi. Anh nhớ tới những khoảnh khắc cầm tay con đi dạo, đi chơi, rồi nghe tiếng con nũng nịu bố...

    Nhiều đêm nằm ôm con, nhìn con… mà nước mắt người bố ấy lại tuôn rơi. Anh nhớ tới những khoảnh khắc cầm tay con đi dạo, đi chơi, rồi nghe tiếng con nũng nịu bố: "Bố nhớ mua quà cho con nhé",… Anh chỉ ước mình luôn luôn khỏe mạnh để đồng hành cùng con suốt cuộc đời.

    Bế con bị tưởng là…  "bắt cóc trẻ"

    Người đàn ông ấy tên Trần Khánh (SN 1978, Nghệ An), ngày ngày vẫn miệt mài chăm sóc cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn, đã từ lâu  không có bàn tay của người mẹ.

    Anh và chị cùng làm trong một công ty, duyên đưa đẩy tới, hai người yêu thương nhau rồi kết hôn năm 2006. Cuối năm 2007, gia đình nhỏ đón chào một thành viên mới, đó là một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Anh đặt tên cho cậu con trai nhỏ là Trần Thành.

    Anh Khánh bắt đầu câu chuyện: "Năm đó ai cũng nói là năm "lợn vàng", nhà nhà cố sinh con cho vận số đẹp, cơ mà nhóc nhà tôi thì không may mắn như những đứa trẻ khác. Con được 8 tháng tuổi thì "bão tố" xuất hiện, các bác sĩ báo tin, con mắc hội chứng down, một bệnh lý liên quan đến nhiễm sắc thể.

    Hồi đó, việc khám sàng lọc cũng chưa hiện đại được như bây giờ nên khi đang trong thai kỳ, các bác sĩ chỉ đo độ mờ da gáy... không phát hiện được".

    Ngay từ giây phút nghe tin con là một đứa trẻ kém may mắn, hai vợ chồng cùng nín lặng, bất giác vội vàng lau nhanh giọt nước mắt chưa kịp lăn xuống gò má. "Từ hôm đó là một hành trình ngược xuôi cùng con bắt đầu, hết ra đại học Y Hà Nội, rồi vào bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tháng một lần trong suốt 6 năm ròng rã", anh nhớ lại.

    Nhưng có lẽ, hành trình ấy dần quá sức với người mẹ trẻ, đến khi Thành được 2 tuổi thì gia đình chẳng còn giữ được bình yên như trước, anh chị chia tay, và anh Khánh chính là người tiếp tục nuôi dưỡng cậu con trai nhỏ. "Có lẽ, sức chịu đựng của người phụ nữ có giới hạn, cô ấy đã không thể vượt qua được...", anh Khánh thở dài.

    Anh Khánh dạy con học tô tượng- Ảnh: NVCC.

    Thời gian đó vì lo cho con nên anh Khánh nghỉ nhiều quá, mặc dù được công ty tạo điều kiện nhưng vì ngại nên anh đã xin nghỉ.

    Đều đặn mỗi tháng một lần, anh bắt xe khách đưa con ra Hà Nội khám và điều trị. Anh cũng tự học thêm cách chăm sóc vật lý trị liệu cho con, nhìn các cô tập rồi ghi nhớ lại, và đọc sách, đọc tài liệu liên quan đến hội chứng bệnh, tự mày mò, bỏ thời gian tập luyện để có thể đồng hành cùng con bước qua chặng đường gian khó.

    Nhớ lại một kỷ niệm trong hành trình đồng hành cùng con, anh Khánh cho hay trong một lần đưa con ra Hà Nội rồi ghé Hải Phòng chơi. Trong lúc chờ mua vé ở ga Long Biên tàu thì Thành bỗng dưng khóc tướng lên, không sao dỗ được.

    Mọi người xung quanh tưởng là bắt cóc trẻ em nên xúm lại, giữ hai bố con lại, một mực không cho đi. "Bữa đó ngồi giải trình khá mệt, vì hai bố con chẳng mang theo giấy tờ gì cả. Sau một hồi phân bua không thấm vào đâu, tôi phải gọi ông bác họ, làm ở UBND phường gần đó ra bảo lãnh. Nếu không có họ hàng thì không biết khi nào hai bố con mới về được...", anh Khánh chia sẻ.

    Không đi bước nữa vì thương con

    Mỗi lần nghĩ đến gia cảnh thì anh Khánh luôn tự an ủi bản thân, thật may mắn là biểu hiện bệnh lý của con trai cũng không quá rõ ràng, tức là khá "nhẹ", nên việc anh phải "gà trống" cặm cụi chăm sóc cũng đỡ phần nào vất vả. "Giờ thì con biết đọc, biết viết mặc dù làm toán chưa tốt nhưng thế là con đã rất tiến bộ rồi. Ngay từ lúc 6 tuổi, khi hết trị liệu thì tôi đã cho con đi học chữ.

    Trước đó, tôi cũng cho con thử theo học hệ phổ thông, cứ nghĩ sẽ ổn nhưng hóa ra chẳng thành công, mất một năm ở lớp 1 mà không tiến triển. Thật ra đó cũng là một sai lầm, vì ở chương trình học phổ thông các cô dạy bình thường; trong khi khả năng tiếp nhận của con lại không theo được, mà các cô cũng không thể dành thời gian kèm riêng", ông bố xứ Nghệ gật gù.

    "Khả năng tiếp nhận kiến thức của con chậm hơn những đứa trẻ bình thường rất nhiều lần. Trẻ bình thường chỉ cần giảng dạy 1-2 lần nhưng với con, có khi phải lặp đi lặp lại đến vài trăm lần để hình thành tư duy. Thêm nữa, con cũng thường không tập trung, nên khi ngồi học cũng ảnh hưởng đến các bạn khác. Vì vậy, chờ con học hết lớp 1, tôi chuyển con qua học các lớp chuyên biệt ở trung tâm dành cho trẻ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ.

    Ban ngày học ở trung tâm, tối về, tôi lại kèm con học thêm khoảng 1-2 tiếng nữa, con rất hào hứng khi học cùng bố nên thời gian của hai bố con vào buổi tối trôi khá nhanh", anh Khánh chia sẻ.

    Hiện tại, hai bố con vẫn sống cùng ông bà nội, ngày ngày con được ông bà đưa đi, đón về.  "Bây giờ, tôi chỉ mong cho con tiến bộ thêm chút, có vậy mới đi học được một nghề gì đó để sau này, lỡ tôi có "trục trặc" gì thì nhóc vẫn tự nuôi sống được bản thân, đỡ phụ thuộc nhiều vào người khác", có lẽ đó là hy vọng lớn nhất của anh Khánh, cũng là mối lo lắng dành cho cậu con trai.

    Tối nào cũng vậy, sau khi cơm nước ấm bụng, hai bố con lại ngồi vào bàn học. Trong lúc "giao bài tập" cho con thì anh Khánh cũng tranh thủ làm việc.

    Khi Thành học bài xong, sẽ ngoan ngoãn lên giường ngủ trước, còn anh Khánh sẽ tiếp tục công việc đến khoảng 1h sáng mới đến giờ nghỉ ngơi. "Tôi cũng phải tranh thủ "cày cuốc" kiếm thêm tiền để lo cho con chứ lương văn phòng làm sao đủ trang trải", anh cười.

    Ông bố vui tính tiếp tục chia sẻ: "Từ hồi vợ chồng mới chia tay, lúc chỉ có riêng hai ba con ở với nhau hoặc đang đêm ngủ ôm con mà nghĩ tủi thân thay con đến rơi nước mắt. Những lúc dắt tay con bước đi qua những khu ngập tràn tiếng cười hồn nhiên của những đứa trẻ đồng trang lứa, tôi cũng không khỏi chạnh lòng, nghĩ đến tương lai của nó.

    Đôi lúc, có những dòng suy nghĩ tiêu cực vắt qua trong tâm trí, tôi thậm chí muốn trốn chạy, mơ hồ nghĩ, giá như đây chỉ là một giấc mơ, tỉnh dậy là con mình khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác... Cơ mà lại nghĩ, ngoài kia bao nhiêu người còn khổ gấp trăm, gấp nghìn lần mình nữa, nên lại cố gắng cùng con mỉm cười".

    Gạt khoảng lặng suy tư, anh Khánh "khoe" về cậu con trai: "Được cái, con như vậy nhưng tình cảm lắm! Mặc dù ngoài miệng, hỏi "Thương ba không?" thì khi nào cũng nói "Không!". Ấy thế mà, ai cho cái gì cũng giữ lại, "Con mang về cho ba Khánh". Tôi mà đi công tác là "xụ xụ" cái mặt, không muốn cho tôi đi nhưng nhiều khi lại không dám nói...

    Hồi nhỏ, con hay thể hiện tình cảm, thỉnh thoảng lại chạy qua thơm má ba một cái rồi chạy đi. Nhiều hôm, tôi kêu lại thơm mà còn làm bộ mắc cỡ, mãi đến khi tôi giục: "Nhanh không ba đổi ý" mới chịu chạy lại ôm...".

    Điều khiến anh Khánh trăn trở nhất hiện tại chính là Thành, là tương lai của Thành, nên chuyện "tiếp duyên" và xây dựng gia đình với một ai đó, anh chưa dám nghĩ đến.

    Anh tâm sự: "Thật buồn mỗi khi nghĩ về điều đó! Thực tế thì cũng có đôi lần tôi nghĩ đến chuyện tình cảm, nhưng giữa việc nghĩ đến và thực hiện được là một khoảng cách quá xa. Rồi bình tâm lại, tôi nhận ra, nhân lúc còn trẻ tôi muốn dành hết thời gian cho con, mà tôi cũng không muốn yêu ai để rồi làm người ta vướng bận, vất vả vì hai ba con...".

    * Tên nhân vật đã được thay đổi.     

    Cẩm Mịch

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-chu-ga-trong-miet-mai-cung-con-nhat-chu-va-lon-len-a284787.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan