“Chín anh em của Tiểu đoàn Đặc công 18 có mặt trên máy bay hôm ấy đều đã lên gia đình tôi khi mẹ tôi mất năm ngoái. Cả chú Tuấn - em tôi nữa là 10, tất cả thân nhau như ruột thịt, chú Tuấn năm nay 33 tuổi là người nhiều tuổi nhất.
Nghe tên 7 người trong tiểu đoàn tử nạn, chú Tuấn, chú Dương, chú Hoàng Anh vẫn còn đang rất nguy kịch, gia đình tôi ai cũng bàng hoàng không thể tin được. Mới 2 tuần trước, chúng tôi còn cùng nhau ăn bữa cơm gia đình nhân ngày giỗ đầu mẹ tôi…”, anh Nguyễn Văn Đính, anh trai cả của chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, quê tại thôn Núi Cá, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) - người bị thương nặng trong chuyến bay định mệnh hôm 7/7 - nghẹn ngào.
Nguyễn Văn Tuấn: Tay bắn thiện xạ
Cha mẹ đều đã qua đời nên khi nghe hung tin về em trai, anh Đính là người đầu tiên trong gia đình lên bệnh viện nhận dạng em. Bị bỏng rộng, anh Tuấn đã băng kín người, nhưng anh Đính chỉ nhìn ngón chân cái to, như là bản sao ngón chân cái của mình của chiến sĩ ở buồng số 8 đã nhận ra ngay em trai. Các bác sĩ đã hỏi anh có thêm đặc điểm nhận dạng nào không, anh Đính chợt nhớ ra khi nhỏ, em trai mình đã bị gãy xương đòn ở ngực, phải mổ nên có một vết sẹo. Xem trên người chiến sĩ ở buồng số 8 đúng là như thế, anh Đính rơi nước mắt.
Chiến sĩ đang được điều trị tích cực trong bệnh viện. |
Ai ngờ đâu cả 10 anh em trong Tiểu đoàn 18 đặc công mà anh Đính biết mặt đều đã gặp nạn! Họ đều còn rất trẻ, có người vợ mới mang thai 3 tháng, người thì vài tuần nữa cũng sẽ được làm bố, hoặc mới có con được 3 tháng, 6 tháng. Anh Tuấn sinh năm 1981 là nhiều tuổi nhất, nhiều con nhất, cháu lớn Nguyễn Thị Hà Chi chỉ mới 3 tuổi, bé Nguyễn Diệu Diệu 6 tháng tuổi.
Học xong THPT, Tuấn vào bộ đội ngay. Ai cũng biết đến sự hiền lành, thật thà nhưng cũng rất vui tính của Tuấn. Mỗi lần đi, Tuấn chỉ nói với gia đình là đi huấn luyện. Thế rồi, năm 2012, Tuấn mang về tấm huân chương chứng nhận tài năng bắn súng của mình. Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ, nhiều năm qua, Tuấn đã là tay súng cứng, được cử đi tham gia nhiều cuộc thi bắn của quân khu. Mười lăm năm qua, Tuấn được các bạn bè, anh em đồng đội yêu mến. Nếu không, họ đã không thể ngồi cùng bữa cơm gia đình, chia sẻ buồn vui với nhau trong ngày mất của mẹ anh năm ngoái và bữa cơm giỗ đầu của cụ mới chỉ cách đây 2 tuần.
Hai ngày ở Viện bỏng quốc gia dõi theo thông tin về sức khỏe của em trai mình, được các bác sĩ thông báo Tuấn có chiều hướng tốt lên, dù biết đó là sự động viên nhiều hơn, anh Đính cũng cảm thấy gia đình được an ủi vô cùng. Em trai anh đang làm nhiệm vụ Tổ quốc giao, không may gặp nạn, đã được đưa đến bệnh viện bỏng tốt nhất, được chữa bằng những thuốc men, trang thiết bị hiện đại nhất. Anh Đính đã xem nhiều cuốn phim về các vụ rơi máy bay trên thế giới, người sống sót được luôn là hy hữu. Nếu em trai anh có mệnh hệ gì, Tuấn trước kia và sau này là mãi là niềm tự hào của gia đình.
Nguyễn Hoàng Anh: Người con trai hiếu thuận và khiêm tốn
Bác Nguyễn Minh Ngoãn, bố của chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (33 tuổi) từ quê ở thôn Minh Đức, xã Lôi Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã lên đến Viện bỏng quốc gia lúc 14h chiều hôm xảy ra tai nạn. Vì các bệnh nhân đều được chăm sóc trong điều kiện vô trùng nên bác Ngoãn cũng chưa được vào thăm. Thế nhưng, rạng sáng 8/7, bác Ngoãn được mời đến bệnh phòng. Bác lo lắng nghĩ đến tin xấu bởi có một chiến sĩ vừa mất lúc 4h sáng. Nhưng may là cậu con trai thứ 2 hiếu thảo của bác đã có thêm cơ hội được cứu sống, bác Ngoãn mừng mừng tủi tủi.
Nhận được con rồi, bác Ngoãn lại thương cho anh chiến sĩ lúc mất cũng chưa xác định được danh tính chính xác, thân nhân cũng chưa tới. Chỉ là một người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nhưng đã có 6 năm tham gia ở chiến trường Campuchia, người lính già đã tưởng mình có đủ cứng rắn khi lên đây, đối diện với sự khắc nghiệt của số phận này, nhưng nhìn con, ông cũng không cầm được nước mắt.
Mười lăm năm trong môi trường quân đội đã rèn cho con trai bác Ngoãn trưởng thành. Trong nhà chỉ treo duy nhất Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 2012 tặng Hoàng Anh vì đã có thành tích huấn luyện chiến thuật giỏi. Còn nhiều giấy khen lắm, nhưng Hoàng Anh khiêm tốn nên cất đi, dành chỗ trên tường treo những tấm ảnh chụp chung gia đình.
Đi thì chớ, mỗi lần được về phép, Hoàng Anh lại cố gắng sắm mới cho gia đình một vật dụng tiện nghi gì đó trong nhà. Khi là nồi cơm điện mới thay cho cái nồi cũ dùng lâu, cứ cầm quai nồi nhấc lên là nắp chực rơi ra, ổ cắm điện mấy lần bị chập nên phải quấn băng dính tạm. Lúc lại là chiếc ấm điện thay cho chiếc cũ đã đóng váng dưới đáy. Biết con đã có lần phải vay tiền để mua, bác Ngoãn bảo đừng thì anh Hoàng Anh lại thuyết phục: “Bố mẹ chưa già, nhưng đi làm về rửa chân tay, nhỡ đâu nồi cơm mà hở điện, bố mẹ có làm sao thì con có tiền cũng chẳng mua lại cuộc sống cho bố mẹ được”.
Tám năm xây dựng gia đình, có với nhau một con trai đã 6 tuổi nhưng vợ chồng Hoàng Anh vẫn ở nhà ngoại. Bác Ngoãn đã dành dụm được ít tiền mua cho con mảnh đất be bé. Anh Hoàng Anh cũng nói sau đợt huấn luyện này sẽ bắt đầu mua nguyên vật liệu để từ nay đến cuối năm làm ngôi nhà nhỏ ở riêng. Nghĩ đến điều đó, bác Ngoãn lại nghẹn ngào.
Mười chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 916, Bộ Tư lệnh thủ đô gặp nạn trong ngày định mệnh lúc 7h45 sáng 7/7, giờ chỉ còn 3 người vẫn kiên cường “chiến đấu” với số phận cùng nhau. Ba gia đình ở ba phương trời xa lạ, gặp nhau nơi này, họ bỗng nhiên trở thành người thân. Hàng ngày cùng ngóng chờ những thông tin lạc quan về sức khỏe của những đứa con mình trong niềm hy vọng điều kỳ diệu nào đó sẽ đến với những người lính tài năng và dũng cảm này.
• 7h46 sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916/sư đoàn Không quân 371 chở theo 21 chiến sĩ, trong khi đang bay huấn luyện thả dù đã gặp sự cố rơi ở thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 16 người hy sinh tại chỗ, 2 người đã không qua khỏi sau đó do tình trạng quá nặng. Lễ viếng, truy điệu đã diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào sáng 11/7. Những chiến sĩ an táng tại quê nhà theo nguyện vọng gia đình, đơn vị đã phối hợp với địa phương để tổ chức. TS Nguyễn Viết Lượng - Chính ủy Viện Bỏng quốc gia cho biết, 3 chiến sĩ đang được điều trị là các thượng úy Đinh Văn Dương, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh. Các chiến sĩ này đều bị bỏng sâu 40 - 50\% diện tích, bỏng hô hấp do hít phải khí nóng, bị đa chấn thương, rạn sọ não, dập phổi. Được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân lập tức được áp dụng các biện pháp chống sốc, hồi sức tuần hoàn, truyền dịch, thở ôxy, đặt sonde... Mỗi người bệnh luôn có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng theo sát. Khâu thuốc men, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, chăm sóc bệnh nhân được tiến hành nghiêm ngặt. Theo TS Nguyễn Viết Lượng, giai đoạn 3 ngày đầu tiên luôn là những ngày khó khăn nhất đối với bệnh nhân bỏng. Việc cứu chữa lúc này sẽ ưu tiên phục hồi chức năng sống cho bệnh nhân, đặc biệt là tình trạng hoạt động của phổi…Ba chiến sĩ Dương, Tuấn, Hoàng Anh vẫn còn ở trong giai đoạn nguy kịch. Vì thế, các BS, điều dưỡng đang làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu Viện Bỏng quốc gia đều coi mỗi giờ phút chăm sóc các chiến sĩ là thêm một cơ hội được cứu sống các anh. Vì thế, dù có phải tăng ca, căng người cứu chữa bệnh nhân và tiên lượng bệnh nhân nặng, họ ở đây vẫn hy vọng vào một điều kỳ diệu sẽ đến với các đồng đội của mình. |