Những “cậu ấm”,“cô chiêu” được gia đình chăm sóc chu đáo, đầu tư học tập với mong muốn có một tấm vé vào giảng đường đại học. Thế nhưng, khi đã trúng tuyển vào những trường đại học uy tín, sau một thời gian, họ lại bỏ ngang để chuyển sang... học nghề.
Bị cho là điên khi bỏ đại học
Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi đã gặp Nguyễn Thanh Ngọc. Ngọc hiện đang học nghề liên quan đến lĩnh vực quản trị khách sạn và du lịch. Quá trình đi đến quyết định từ một sinh viên đại học trở thành sinh viên trường trung cấp, với Ngọc là một cuộc đấu tranh nội tâm lớn.
Thậm chí, em từng bị khủng hoảng tinh thần một thời gian vì bạn bè cho rằng em là “con điên”. Lý do bởi em đang là một sinh viên học ngành chất lượng cao ở trường đại học Ngân hàng TP.HCM lại bỏ học giữa chừng.
Thanh Ngọc chia sẻ với PV về câu chuyện thành công bước đầu khi rẽ lối học nghề. |
Ngọc kể rằng, từ nhỏ ba mẹ cưng chiều nên em như con mọt sách, chỉ biết tập trung học hành. Những lúc rảnh, Ngọc chơi với em gái và những anh chị họ hàng. Em tuyệt đối không hề có thói đua đòi như một số bạn bè cùng trang lứa.
Ngọc chia sẻ: “Nhiều bạn bè của em được cưng chiều nên đòi gia đình mua sắm, đi chơi đủ kiểu. Còn em chỉ biết học hành chăm chỉ, rảnh thì phụ ba mẹ bán hàng. Có lẽ nhờ sớm tiếp cận với buôn bán, tính toán tiền bạc nên em học giỏi các môn tự nhiên hơn. Suốt 12 năm học, em đều là học sinh giỏi. Năm 2015, khi vừa tốt nghiệp THPT, em đã nộp hồ sơ vào trường đại học nổi tiếng ở TP.HCM. Với 23 điểm, em thừa sức đậu vào ngành Quản trị kinh doanh của trường này”.
Sau khi trúng tuyển, nhà trường cho biết, trường có hai cơ sở cho sinh viên học. Một cơ sở học tại quận Thủ Đức, cách trung tâm thành phố 20km, dành cho sinh viên hệ chính quy lớp thường. Cơ sở trung tâm thành phố chỉ dành cho những sinh viên học hệ đào tạo chất lượng cao và phải đóng số tiền hơn 30 triệu đồng/năm.
Xót con gái phải đi học xa, ba mẹ Ngọc quyết định cho con gái mình học tại cơ sở trung tâm thành phố. Học xong năm đầu đại học, Ngọc cho rằng, so với khả năng tiếp thu bài vở, những môn học này không mấy khó khăn với em.
Ngoài ra, Ngọc nghĩ đi làm chẳng hề vận dụng các kiến thức trên. Trong khi đó, em tốn một khoản tiền lớn hàng năm của ba mẹ để tích lũy các kiến thức này.
Từ suy nghĩ đó, Ngọc đấu tranh nội tâm về việc có nên hay không việc tiếp tục học đại học. Ngọc kể: “Mặc dù là dân thành phố, ba mẹ có điều kiện nuôi em học hết chương trình đại học nhưng em luôn tự hỏi, học xong với những kiến thức đó, nếu xin việc làm cũng khởi đầu mấy triệu đồng như những anh chị đi trước tốt nghiệp đại học chia sẻ thì việc gì mình phải lao đầu vào? Nhưng ngặt nỗi, dù sao, trong họ hàng, em là đứa học giỏi, được nhiều người kỳ vọng, nếu bỏ đại học, sẽ bị nhiều người nói lên nói xuống”.
Sau nhiều đêm tự trằn trọc suy nghĩ về hướng đi cho tương lai, Ngọc cho rằng, đời mình sẽ do mình quyết định, mình cần có trách nhiệm với công việc, đam mê của mình. Sau đó, Ngọc thông báo với cha mẹ quyết định từ bỏ đại học chuyển sang học nghề mà em yêu thích.
Ngọc bị nhiều người chỉ trích khi bỗng dưng bỏ đại học, nhất là ngành học mà bao bạn trẻ mơ ước vì điểm đầu vào cao chót vót. Ngọc cho biết: “Bạn bè trong nhóm nghe tin em thôi đại học giữa chừng, ai cùng bảo: “Mày điên hả Ngọc”. Sau khi rời đại học, Ngọc bắt đầu vừa học, vừa làm cho một nhà hàng sang trọng tại quận 1, TP.HCM. Tại trường mình theo học nghề, Ngọc đã vinh dự nhận được bằng khen do sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tại TP.HCM.
Ngọc cho biết, mặc dù chưa chính thức ra trường nhưng với những kiến thức em học được, cộng thêm kinh nghiệm làm việc, em đã được ban giám đốc công ty đề bạt chức Trưởng phòng Quản lý. Hiện, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng em có thể nuôi bản thân, phụ ba mẹ nuôi em gái".
Dứt khoát từ bỏ để làm lại
Khác với Ngọc, nam sinh Đàm Đăng Khoa (21 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) cho biết, với điểm số 23.5, Khoa dư điểm vào ngành Công nghệ chế tạo tại trường đại học Bách khoa - đại học Quốc gia TP.HCM.
Khoa cho biết: “Em sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, ba mẹ đều làm công nhân và em là con duy nhất”. Từ nhỏ, Khoa đến trường đều được ba mẹ đưa đi đón về, đúng tiêu chuẩn của một “cậu ấm” Sài thành. Ước mơ lớn nhất của ba mẹ Khoa là con được học đại học để mở mày mở mặt với họ hàng, có tương lai sáng sủa hơn.
Khoa nhớ lại, lúc học đại học, em vẫn được mẹ chở đi. Thương ba mẹ, Khoa luôn cố gắng đạt thành tích tốt trên giảng đường đại học để ba mẹ được mở mày mở mặt. Nhưng một thực tế, nhiều sinh viên lấy cái bằng đại học xong đi chạy xe grab, hay làm công nhân, phục vụ khiến Khoa không còn hứng thú với việc học. Chính vì vậy, học xong hai năm đầu chương trình đại học, em quyết định bỏ ngang và xin học nghề.
Với vốn tiếng Anh khá, ngoại hình chuẩn, cộng thêm chuyên môn tốt, em tự tin rằng, mình sẽ sớm có việc làm như mong muốn sau hai năm học nghề. Trong khi đó, bạn bè của em đang học đại học phần lớn vẫn rất mơ hồ, thậm chí nhiều bạn nợ môn, có thể kéo dài chương trình học đến 6-7 năm mới lấy được bằng đại học.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường Việt Giao chia sẻ về học nghề. |
Trao đổi với PV, Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao chia sẻ: "Tôi cho rằng các bạn sinh viên đại học bỗng dưng chọn học nghề là những người hiểu rõ nhu cầu việc làm hiện nay – thừa thầy thiếu thợ. Thứ hai các bạn muốn chọn học thực hành nhiều hơn lý thuyết để vận dụng thực tế nhanh hơn. Thứ ba là xu hướng nhận thức xã hội đã hiểu được vai trò của trường nghề trường đại học nên không còn nặng nề khi các bạn chuyển hướng sang học nghề. Các bạn không chọn hướng nghiên cứu khoa học, học thuật, nhà khoa học thì các bạn có thể rẽ sang học nghề mình yêu thích trở thành "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".
Thạc sĩ Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Cao đẳng Kent cho biết: "Có rất nhiều sinh viên sau khi vào học được 1-2 năm ở các trường đại học thì đã chuyển sang học cao đẳng. Khi chúng tôi tiếp xúc với sinh viên, các bạn chia sẻ ở trường đại học, chương trình học lý thuyết nặng quá và một phần cũng là do lúc trước ba mẹ các em muốn các em học đại học, nhưng khi trúng tuyển đại học, các em cho rằng càng học càng chán”.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nhân sự công ty M.K. (quận 9, TP.HCM) chuyên sản xuất và cung cấp suất ăn công nghiệp cho biết: “Công ty tôi chuyên tuyển nhân sự từ các trường nghề hơn. Bởi vì thực tế, các bạn sinh viên nghề biết rõ nhu cầu bản thân mình cần việc làm, cần có thu nhập ổn định, họ cũng định giá được giá trị bản thân thực tế hơn so với nhiều bạn sinh viên đại học mới ra trường. Qua thực tế tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, các bạn sinh viên đại học mới ra trường khi tham gia ứng tuyển những vị trí việc làm tại công ty chúng tôi, họ thường đỏi hỏi mức lương, chế độ đãi ngộ rất cao. Tôi nghĩ rằng, việc một số bạn học đại học bỗng dưng bỏ qua học nghề là họ đã nhận thức được việc quan trọng của mình sau khi ra trường, họ cần việc làm, cần thu nhập ổn định...”.
Chia sẻ với PV, thạc sĩ Lê Văn Nam, chuyên gia tâm lý học đường tại TP.HCM cho biết: “Qua nhiều năm tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT, trường THCS tại nhiều địa phương, tôi nhận thấy, xu hướng nhận thức của phụ huynh, học sinh về việc học nghề hiện nay đã thay đổi. Những năm trước, xã hội chuộng hình thức học đại học để sau ra trường có việc nhẹ, lương cao. Hiện nay tại TP.HCM, nhiều trường học cũng chú trọng việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường tại các bậc học”.