Anh ngỏ lời yêu 3 lần, cô đều từ chối nhưng khi biết anh bị bắt và kết án tử hình, từ trong xà lim cô lại nhờ các đồng chí gửi lời: "Nguyễn Thị Châu đồng ý!"
Câu chuyện tình yêu giữa hai chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu đã được những người tù cách mạng bị giam tại nhà tù Côn Đảo truyền nhau.
Tình yêu đơn phương
Mở đầu câu chuyện của mình, ông Lê Hồng Tư nghẹn ngào: “Thời thanh xuân đã qua lâu nhưng với tôi, đó vẫn như một giấc mơ, có lúc tưởng như mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua”.
Năm 1956, chàng thanh niên Lê Hồng Tư (sinh năm 1935, quê ở Bình Chánh, Sài Gòn) được tổ chức cách mạng bố trí cho đi học lớp đề tam ở trường Văn Lang để gây dựng phong trào đấu tranh của học sinh-sinh viên. Cũng tại đây, ông đã gặp được "nửa còn lại" của đời mình, cô nữ sinh Nguyễn Thị Châu (sinh năm 1938), từ Biên Hòa lên Sài Gòn nhập học.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu thời trẻ. Ảnh: NVCC cho TTXVN |
“Tôi bị thu hút bởi vẻ dịu dàng, cách nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép và đặc biệt là bộ áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài hiền hòa của cô ấy. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi gặp Châu,” ông Lê Hồng Tư nhớ lại.
Nhớ về giây phút gặp gỡ đầu tiên, ông hạnh phúc kể với VTC news: "Ngay lần đầu tiên gặp mặt ấy, tôi biết mình đã phải lòng Châu, tôi tận tình chỉ dẫn cho Châu từ làm thủ tục nhập học cho đến cả việc sắp xếp chỗ ngồi. Nhờ sự trợ giúp của tôi và sự thông minh sẵn có, Châu nhanh chóng hòa nhập với bạn bè và trở thành thành viên nòng cốt của phong trào học sinh, sinh viên ngày ấy.
Tôi bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho Châu, đề bạt cô làm lớp phó để chỉ dẫn, giảng bài cho các bạn học yếu hơn. Trong một lần đích thân tìm đến chỗ trọ của Châu xem cô sinh sống ra sao, chứng kiến cảnh cô tá túc trong một ngôi miếu xập xệ nhưng vẫn chăm chỉ làm bài, tự nhiên tôi cảm thấy xót xa đến lạ".
Thế rồi, anh bỏ tiền túi và vận động các bạn có gia cảnh khá giúp Châu, tạo điều kiện cho cô ở chung với hai cô bạn cùng lớp.
Tình yêu đơn phương của anh ngày một lớn dần, anh tới chỗ trọ của Châu thường xuyên hơn. Anh tìm hiểu gia cảnh của Châu ở Biên Hòa và dành thời gian xuống nhà Châu chơi.
Nghị lực phi thường của nữ sinh nhỏ bé đã khiến trái tim người chiến sỹ trẻ rung động. |
Bố cô đã qua đời năm 1950, sau khi bị địch bắt và tra tấn dã man, nhờ sự đùm bọc của họ hàng, cô mới có thể tiếp tục đi học. Cũng vì nhà nghèo nên cô không thể theo học trường Gia Long (mặc dù tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp với số điểm cao nhất tỉnh Biên Hòa khi ấy), phải đổi sang học trường Văn Lang. Trước khi về Sài Gòn, cô hứa với mẹ sẽ cố gắng học để sau này nuôi các em. Một cô gái nhỏ phải gánh vác trách nhiệm lớn của một người đàn ông trụ cột trong gia đình.
“Từ những rung động ban đầu, dần dần, tôi cảm thấy thực sự thương và muốn bảo vệ, che chở cho người con gái có vẻ ngoài nhỏ bé mà nghị lực phi thường ấy,” ông Tư kể.
Chính vì lý do đó, nên khi Lê Hồng Tư lấy hết can đảm tỏ tình, Châu đã từ chối: "Tôi không có ý định lập gia đình, tôi còn phải đi làm để nuôi các em nhỏ. Anh tìm đối tượng khác đi".
Lê Hồng Tư còn tiếp tục tỏ tình thêm lần nữa nhưng cô gái bé nhỏ vẫn dửng dưng không có ý định đáp lại.
Sau đó, Lê Hồng Tư bị lộ và phải chuyển sang trường khác. Nguyễn Thị Châu tiếp tục ở lại gây dựng phong trào ở trường Văn Lang. Đến năm 1959, họ mới gặp lại nhau tại bến xe và đó cũng là cuộc gặp cuối cùng trước cuộc chia xa kéo dài 15 năm đằng đẵng. Trong lần đó, chàng trai Tư đã hét lên khi xe lăn bánh: "Nếu tồn tại trên cõi đời này, Tư sẽ không từ bỏ ý định kết hôn với Châu".
Bị địch bắt và lời nhắn chấp nhận yêu anh
Về với tổ chức, anh bị cuốn vào những ngày chiến đấu, mưu sát địch bằng những quả tạc đạn.
Ngày 8/7/1961, đô thành Sài Gòn chấn động bởi thông tin biệt động đánh bom xe của Đại sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting. Đây là chiến công của lực lượng biệt động Ban các sự học sinh-sinh viên Sài Gòn-Gia Định, do chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư chỉ huy.
Tuy nhiên, trong một lần ném chất nổ vào xe đại sứ Mỹ thì tự nhiên tạc đạn lại không nổ, Tư và đồng đội đã bị bắt giam. Những ngày tháng trong lao tù anh và đồng đội bị tra tấn dã man đến thừa sống thiếu chết.
Đầu tháng 2/1961, chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Châu bị địch bắt vì bị lộ trong lúc tuyên truyền, vận động. Những ngày sau đó, địch giam cầm, tra tấn chị ở những xà lim, cấm cố, ngục tối của nhiều nhà tù: trại Lê Văn Duyệt, quân lao Gia Định, hầm khói Thủ Đức, nhà tù Phú Lợi…
Toà án quân sự đặc biệt kết án tử hình 4 chiến sĩ cộng sản, trong đó có Lê Hồng Tư. |
Ngày 23/5/1962, Tư và 3 đồng đội nữa bị tòa án chính quyền Sài Gòn kết án tử hình. Tin tức về vụ xét xử ấy nhanh chóng lan truyền khắp hệ thống lao tù.
“Trong ngục tù, nhiều lần tôi tưởng mình "chết đi sống lại" vì đòn roi, sức khỏe kiệt quệ, toàn thân đau đớn. Thế nhưng, nỗi đau thể xác ấy không là gì so với nỗi đau khi nghe tin anh Tư bị tuyên án tử hình. Tôi bàng hoàng tâm can mà gắng gượng để nước mắt không trào ra, tránh để cai ngục nhìn thấy,” bà Châu kể lại, giọng run run.
Theo Nhân chứng & Sự kiện, nằm trong buồng giam của Tổng nha Cảnh sát, Châu thấy chữ “Vịnh-Tư-Thành-Chính” ở trên tường. Hóa ra cô bị giam ở phòng mà trước đây Tư và các đồng chí từng bị giam. Cô lấy kẹp tóc vạch lên tường bài thơ:
“Áo trắng em chưa vướng bụi đời
Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót
Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”...
Cuối bài thơ, cô khắc thêm hai chữ “Tư Châu”. Nghĩ đến việc Tư sắp bị địch xử tử, lòng cô như muối xát. “Ảnh bị địch bắt và sắp bị xử tử. Vậy thì mình sẽ công khai nhận là vợ chưa cưới của ảnh, để chúng biết rằng chúng có thể giết chết thân xác người cộng sản nhưng không thể giết chết tình yêu và lý tưởng của họ”.
Nghĩ vậy, Châu tức tốc may hai chiếc quần đùi từ tấm vải đen chị em trong tù cho, phía trong gấu quần cô thêu hai chữ T và C lồng vào nhau rồi nhờ bạn tù gửi đến Tư. Đó là vật làm tin, là lời thề ước cô gửi cho người thương…
Khi truyền thông tin tới các phòng giam trong trại giam Lê Văn Duyệt, Châu nhắn gửi: “Lê Hồng Tư là vị hôn phu của tôi. Nếu có đồng chí nào gặp anh, xin nói với anh ấy rằng: Nguyễn Thị Châu đồng ý!”.
Nguyễn Thị Châu năm 1975 tại nơi cô từng bị giam giữ trước ngày Sài Gòn giải phóng. |
Nhiều tù binh khác liền chia buồn với hạnh phúc thương đau của Châu. Tuy nhiên, cũng không ít người dò hỏi Châu tại sao lúc Tư tỏ tình không đồng ý, mà giờ lại nhận là vị hôn phu?
Lúc này, Châu mới gạt nước mắt đáp: "Vì ngày đó gia cảnh nghèo, các em còn nhỏ, tôi nào dám mơ đến hạnh phúc của mình. Nhưng sau những ngày làm việc với anh Tư, tôi đã hiểu ra tấm lòng của anh ấy. Giờ anh Tư sắp lìa đời mà vẫn trong tâm trạng chờ đợi một tình yêu nên tôi đã quyết định nói ra tình cảm thật của mình. Nếu sau này tôi còn sống, tôi sẽ ở vậy để vẹn tròn nghĩa tình với anh ấy. Châu xin cậy nhờ mọi người chuyển lời này đến anh Tư".
Tuy nhiên, do sức ép từ nhiều phía, phán quyết của tòa án quân sự Sài Gòn đối với tử tù Lê Hồng Tư đã không thể thực hiện. Chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư bị đày ra Côn Đảo.
15 năm lưu đày Côn Đảo và đám cưới sau hòa bình
“Tại nhà giam Côn Đảo, tôi không hề biết Châu đã chấp nhận lời cầu hôn của tôi. Sau này gặp anh Hai Tân trong chuồng cọp Côn Đảo, anh hỏi tôi: “Có phải anh quen Châu không?”, tôi rất ngạc nhiên và gật đầu. Thế là anh Hai Tân sáng tác một bài thơ tặng tôi, tôi rất xúc động khi biết Châu đã chấp nhận lời tỏ tình của tôi ngay sau khi nghe tin tôi bị kết án tử hình:
Anh ngỏ ý lần đầu/ Em ngập ngừng từ chối/ Trong lòng nghe vời vợi/ Biết nói sao cho cùng/ Đời cách mạng lao lung/ Miền Nam còn đau khổ/ Hỏi nữa, em làm thinh/ Giặc xử anh tử hình/ Trong xà lim em khóc/ Giận quân thù ác độc/ Em nói: Em vợ anh/ Anh ơi em vẫn tin/ Anh sống hoài, sống mãi/ Mặc cho án tử hình/ Em vẫn đợi anh về”, ông Tư xúc động kể.
"Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy, tôi đã khóc vì thương cô ấy. Khi còn hoạt động cùng nhau, cô ấy không chịu. Vậy mà khi tôi sắp chết, cô ấy lại đồng ý. Tôi không thể cầm lòng, nước mắt cứ trào ra như một đứa con nít,” ông Tư nói với TTXVN.
Nhưng cũng nhờ biết được người mình yêu chấp nhận tình cảm, tử tù Lê Hồng Tư như được tiếp thêm sức mạnh, kiên cường hơn trong chốn ngục tù.
Rất nhiều bạn bè, người quen đã có mặt trong hôn lễ sau ngày giải phóng của hai người. |
Ở chiến khu, bà Châu không biết lời hẹn ước của mình đã được những tử tù Côn Đảo chuyển đến ông Lê Hồng Tư.
“Ngày tôi ở Hà Nội, có chị bạn người Đà Nẵng ôm tôi khóc nói Lê Hồng Tư hy sinh rồi, đừng đợi nữa, nên xây dựng gia đình đi. Tôi nói anh chưa có hy sinh đâu, em vẫn chờ anh về”, bà Châu bồi hồi.
Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu trong lễ tuyên hôn. |
Sau gần 15 năm chịu cầm cố và tù đày tại Côn Đảo, ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Ngày 7/5/1975, Lê Hồng Tư cùng những người tử tù Côn Đảo đầu tiên đã được đưa trở về đất liền.
Châu đã 37 tuổi gặp lại Tư đã 40 tuổi, tay chỉ dám nắm không dám ôm nhau.
“23h đêm tôi đến gặp anh. Cũng chỉ dám nắm tay anh hỏi anh khỏe không chứ nào dám ôm”, bà Châu kể.
“Hơn ba tháng sau, ngày 17/8/1975, chúng tôi tổ chức đám cưới. Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi và Châu góp lại cũng chỉ có khoảng 50 đồng, nên đám cưới cũng chỉ có ít bánh kẹo và trà mời khách. Điều thú vị là, quá nửa số khách là khách… không mời, có những người chúng tôi cũng không quen. Thế nhưng, họ biết câu chuyện tình yêu của chúng tôi và chủ động đến chia vui,” ông Tư kể.
Kỳ diệu hơn, sau 2 năm đám cưới, hai người đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh, mà trước đó nhiều bác sĩ tiên định rằng họ sẽ rất khó có con bởi cả hai đều đã trải qua nhiều năm tháng tù đày khắc nghiệt.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong một buổi giao lưu tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Quân đội nhân dân |
Minh Khôi (T/h)