(ĐSPL) - "Hơn 10 năm sống cùng kết quả bị nhiễm HIV, nhận kết quả âm tính, tôi như người chết đi sống lại”, ông Sửu kể.
Mang án nhiễm “ết” hơn 10 năm
Chiều 15/6, tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, đoàn thanh tra liên ngành Sở Y tế Nghệ An tổ chức buổi đối thoại với anh Hoàng Khắc Sửu (42 tuổi, ngụ phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) để xác minh những nội dung khiếu nại của anh Sửu liên quan đến việc ông Sửu bị xét nghiệm "nhầm” nhiễm HIV hơn 10 năm.
Theo lời kể của anh Sửu, năm 2003 ông Sửu đang thụ án tại trại giam số 3 - Bộ Công an đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ thì được đưa đi lấy máu xét nghiệm theo chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS thực hiện. Kết quả là anh Sửu dương tính với HIV, được quản lý với mã số 1068.
“Thời gian đầu nghe tin, tôi suy sụp hoàn toàn, đêm nằm thao thức không ngủ được còn ban ngày thì chẳng thiết làm gì cả. Nhiều lần tôi nghĩ quẩn, định tìm đến cái chết nhưng nghĩ lại còn mẹ già, còn cả gia đình nên không làm được", Sửu tâm sự.
Khi bình tĩnh lại, anh suy nghĩ mình không hút chích, chơi bời, vậy tại sao có thể nhiễm HIV? Anh suy nghĩ, cố tìm ra nguyên nhân nhưng không có kết quả.
Sau đó, anh Sửu vẫn khỏe mạnh bình thường, không có dấu hiệu ốm đau nên càng tin chắc kết quả xét nghiệm HIV là sai.
Về phía cán bộ trại giam, suốt thời gian đó họ cũng không phát thuốc hay có động thái nào khác. Tháng 9/2013, nhờ cải tạo tốt, Sửu được giảm án và ra tù trước thời hạn.
Người đàn ông này cho biết, khoảng tháng 6 -7/2013, trước khi ra tù, anh và những người nhiễm HIV khác được cán bộ trại giam đưa đi xét nghiệm để phát thuốc điều trị ARV. Tuy nhiên, anh không có dấu hiệu của người "có H". Kết quả là anh Sửu không được phát thuốc điều trị ARV.
Anh Hoàng Khắc Sửu tâm sự sau buổi đối thoại ngày 15/6. |
Đến năm 2007, anh Sửu được chuyển quản lý từ Trung tâm y tế dự phòng cho Trung tâm phòng chống HIV tỉnh Nghệ An.
Năm 2013, anh Sửu kết thúc thời gian thi hành án và trở về địa phương, chịu sự quản lý, chăm sóc của trạm y tế phường Nghi Thu, nơi anh Sửu sinh sống theo diện đối tượng nhiễm HIV.
Tuy nhiên, qua các kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ, trạm trưởng trạm y tế phường Nghi Thu thấy sức khỏe anh Sửu bình thường nên động viên ông Sửu đi kiểm tra lại.
Tháng 9/2014, theo lời khuyên của trạm trưởng trạm y tế phường Nghi Thu, anh Sửu đi xét nghiệm máu. Kết quả kiểm tra tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An ngày 9/9/2014 cho thấy anh Sửu “âm tính với HIV”.
Tương tự, kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cũng cho thấy anh Sửu âm tính với HIV.
Cuối năm 2014, anh Sửu đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An kiểm tra lại lần nữa và tiếp tục được khẳng định “không phát hiện kháng thể HIV trong máu”.
“Sau khi thi hành án xong, mang “bản án” nhiễm HIV nên tôi rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, bị mọi người kỳ thị, xa lánh. Thậm chí để lấy được vợ, tôi phải hai lần trình giấy kiểm tra sức khỏe cho bố vợ mới nhận được cái gật đầu. Hơn 10 năm sống cùng kết quả bị nhiễm HIV, nhận kết quả âm tính, tôi như người chết đi sống lại”, anh Sửu kể.
Khi biết mình không nhiễm HIV, anh Sửu đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Sở Y tế Nghệ An sau đó đã có thông báo gửi ông Sửu và chính quyền địa phương nơi ông sinh sống thông báo việc xóa tên anh Hoàng Khắc Sửu trong danh sách nhiễm HIV.
Sau khi nhận được đơn thư của anh Sửu, Tổng cục VIII - Bộ Công an đã có thông báo số 76/TB-C88 trả lời đơn thư công dân, do đại tá Đỗ Văn Bích, Chánh thanh tra Tổng cục VIII ký.
Trong công văn nêu rõ: “Căn cứ vào quy định của Luật khiếu nại năm 2011, nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại. Thanh tra Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đã chuyển đơn của ông đến giám đốc Sở Y tế Nghệ An để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết đây là một trường hợp hi hữu của ngành y tế. Trong số gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV tại Nghệ An, trường hợp của anh Sửu là duy nhất.
“Để phân định trách nhiệm thuộc về ai thì rất khó bởi sự việc đã xảy ra 12 năm rồi. Thời điểm đó toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 2 người chuyên trách về HIV/AIDS, mặt khác trình độ chuyên môn, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị… còn nhiều hạn chế”, ông Hồng nói.
Chiều 15/6, sau buổi đối thoại, anh Sửu cho biết ông sẽ chờ đợi kết quả giải quyết đơn thư của Sở Y tế Nghệ An.
“Tại buổi đối thoại, đoàn thanh tra liên ngành Sở Y tế Nghệ An hứa sẽ kiểm tra, xem xét trách nhiệm những người liên quan việc xét nghiệm dẫn đến sự nhầm lẫn kết quả tôi bị nhiễm HIV trong hơn 10 năm qua, làm tôi và gia đình tổn thất về tinh thần, vật chất. Trong trường hợp Sở Y tế Nghệ An giải quyết sự việc không thỏa đáng, tôi sẽ khởi kiện ra tòa án”, anh Sửu khẳng định.
Hành trình đòi danh dự và tình yêu
Khi Sửu được ra tù, mẹ anh đã mất gần 1 năm. Trở về chịu sự quản lý của ngành y tế địa phương, anh Sửu vẫn tham gia các đợt khám sức khỏe cho người nhiễm HIV theo định kỳ.
Với bản lý lịch đi tù kèm theo kết quả nhiễm HIV, việc tái hòa nhập cộng đồng với Sửu rất khó khăn. Anh đi xin việc nhiều nơi nhưng không được chấp nhận. Ai cũng bảo người nhiễm HIV không đủ sức khỏe làm việc.
Tuy nhiên, Sửu may mắn khi gặp được người phụ nữ tin tưởng mình. Đó là chị Nguyễn Thị Hải (40 tuổi, ở xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc), vợ anh bây giờ.
Vợ chồng anh Sửu, chị Hải. Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Nói về chuyện tình của mình với chị Hải, anh Sửu cho biết họ đến với nhau cũng rất tình cờ. Đó là vào tháng 9/2014, nhờ người quen cho số điện thoại, anh Sửu gọi điện hỏi thăm rồi đến nhà tìm hiểu. Chỉ sau ít ngày, họ đã gắn bó với nhau như thể yêu nhau lâu rồi.
Tuy nhiên, cũng ít ngày sau đó, người dân bắt đầu bàn tán xôn xao về chuyện tình của hai người. Mọi người xì xào về việc anh Sửu đang nhiễm HIV mà chị Hải vẫn quyết định trao thân, gửi phận.
“Thực sự khi nghe người ta nói anh ấy bị nhiễm HIV thì tôi cũng rất sốc, hoang mang vô cùng. Tôi có hỏi anh Sửu về sự việc này nhưng anh lại khẳng định là không đúng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng tôi vẫn quyết định gắn bó với anh vì tôi tin người mình yêu”, chị Hải tâm sự.
Gia đình, người thân nhà chị Hải kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này. Chỉ đến lúc anh Sửu cam kết mình không bị nhiễm HIV và trưng kết quả giám định thì họ mới tin và cho phép hai người tổ chức đám cưới. Hiện, chị Hải đã mang thai một bé trai được 7 tháng.
“Nếu không có nghị lực cũng như sự động viên tình thần từ cô ấy thì có lẽ tôi đã gục ngã. Hải đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống”, anh Sửu cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Bá Hồng, Khối trưởng nơi anh Sửu sinh sống cho biết, từ khi về hòa nhập với cộng đồng, anh Sửu chấp hành tốt phát luật, sống hòa nhã với bà con, lối xóm. Khi người đàn ông 42 tuổi này được minh oan, mọi người trong xóm cũng rất vui và gửi lời chúc mừng đến anh.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]yAccpTmZ5l[/mecloud]