Khi chúa Trịnh Doanh hồi kinh dẹp giặc cũng là lúc để lại một giọt máu trong người cô gái cắt cỏ. Tưởng là mối tình ấy sẽ nhanh chóng thành mối lương duyên tuyệt vời, ai ngờ chúa Trịnh Doanh đi rồi thì bão tố đến với người con gái cắt cỏ đó.
Mối tình kỳ lạ với người con gái cắt cỏ
Người con gái được chúa Trịnh Doanh yêu thương đó là Đào Thị Hương, con gái của đôi vợ chồng họ Đào sống uẩn khuất trong một làng chài nghèo ở Đồ Sơn, bây giờ thuộc phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.
Vào những năm 1718, ở phía Đông - Nam vụng Ngọc - Đồ Sơn, dưới chân núi Độc có đôi vợ chồng trẻ họ Đào, suốt 20 năm chung sống, tuy làm ăn, tu tâm tích đức mà chưa có con nên đã cầu xin Trời Phật cho một mụn con. Điều tâm nguyện đã được linh ứng, người vợ đã mang thai. Tròn ngày, tròn tháng người vợ đã sinh hạ một người con gái có mùi hương thơm ngát. Vợ chồng họ Đào rất mừng, tạ ơn Trời Phật và đặt tên con là Đào Thị Hương.
Càng lớn lên, Hương càng xinh đẹp, sắc đẹp nổi tiếng khắp vùng. Hương rất khéo tay, siêng năng mọi việc. Trời cho nàng giọng hát thật hay. Tiếng hát vút cao bao la, vang, rung như tiếng ngọc, làm cho cả vụng Ngọc lung linh, huyền ảo, mỗi lần nàng cất giọng hát, chim như ngừng hót, sóng ngừng vỗ, đất trời như lặng đi để thắm đượm hết tiếng hát của nàng. Cứ thế, giọng hát của nàng đã quyện vào đất, trời, sông, biển nơi đây.
Một hôm, một chiếc thuyền trận lớn từ phía Tây Nam dong buồm thẳng vào vịnh Hạ Long, ngang đầu làng Đỗ Hải thì rẽ lái vào bờ, tìm đến chỗ vắng vẻ mà thả neo. Trên thuyền lớn ròng xuống một chiếc ghe nhỏ cho một vị tướng trẻ tuổi cùng năm người lính hộ vệ lên bờ tiến về phía cánh đồng cỏ cạnh bãi bể, nơi đó nàng Hương đang cắt cỏ hát nghêu ngao. Vị tướng lắng nghe tiếng hát ngọt ngào hướng đi về phía ấy. Nàng Hương ngửng đầu lên, ngạc nhiên, sợ hãi thấy quan quân trước mắt vứt liềm toan bỏ chạy. Vị tướng gọi lại cho biết mình chính là chúa Trịnh Doanh đi tuần ngoài biển ghé qua đây, muốn vào làng.
Thời gian này, vùng biển Đồ Sơn là cửa ngõ Đông Bắc rất quan trọng của Đại Việt. Thời kỳ Chúa Trịnh Doanh trị vì. Năm 1836, Chúa Trịnh Doanh về kinh lý ở vùng biển Đồ Sơn, qua vụng Ngọc. Nàng Hương đang cắt cỏ nghe nói trở nên bạo dạn, dẫn đường đi trước. Qua đỉnh một ngọn đồi nhìn ra khắp vùng, chúa Trịnh dừng chân dưới gốc cổ thụ im mát, ra dấu cho đám tùy tùng lui. Còn lại một mình với cô gái quê da thịt dậy thì có mùi hương thơm ngát. Nàng Hương cất tiếng hát trong lảnh vang lên giữa cánh đồng, câu hát dân dã mà sao rung động lòng người viễn xứ.
Trước giai nhân sắc nước hương trời, làm nhà Chúa đắm đuối, mến yêu. Hai người quyến luyến bên nhau suốt cả tháng trời không rời xa. Khi Chúa về kinh, có hẹn nàng chờ ít ngày, Chúa sẽ đem thuyền hoa đến rước nàng về kinh. Thuyền rồng ra đi, nàng Hương đưa mắt nhìn ra phía biển, thấy chiếc thuyền buồm đã chạy xa phía Hạ Long, chỉ còn một chấm trắng trên nền trời cũng là lúc nàng lo lắng, nàng ứa nước mắt. Từ đó nàng mang thai giọt máu của Chúa, trong lòng rất sợ với tục lệ và ngày đêm mong ngóng. Cũng từ đó, nàng Hương mất cả giọng hát hồn nhiên. Ba tháng sau, một hôm đội cỏ về nhà, nàng bỗng thấy hoa mắt, trời đất như sụp đổ, ngã lịm trên đường làng. Bụng nàng cứ lớn dần, bà mẹ nghi ngờ tra hỏi, nàng tình thật kể lại việc đã qua.
Người con gái cắt cỏ chết vì tình
Bà mẹ không ngớt lời chửi mắng, nguyền rủa và đánh đập cô gái chửa hoang, rồi báo tin xấu hổ cho chồng hay. Để tránh tiếng nhục nhã với làng nước và khỏi phải phạt vạ, cả gia đình gồm ông bà nội, cha mẹ và cô chú, bà bác họp lại để xử đứa con gái bất hạnh. Muốn ém nhẹm tiếng xấu cho giòng họ, mọi người đồng ý sẽ bắt nàng thả trôi sông.
Nhưng rồi hàng Tổng biết chuyện, bắt cha mẹ nàng phạt vạ. Nhà ngèo, lấy đâu ra tiền, chúng liền trói nàng dìm xuống biển. Nàng vật vã gào khóc, thương cho cha mẹ chưa được một ngày báo công dưỡng dục, thương cho nỗi oan tình chưa được khai hoa để báo đền ơn Chúa, nàng quì bên bờ biển ngửa mặt lên trời chắp tay than rằng: "Phận gái thân cô, gặp Chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nghĩa cha mẹ, họ hàng tôi đâu dám quên. Xin Trời Phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, Trời Phật cho nổi lên ba lần, họ hàng hãy cho con được sống. Nếu con dối trá, thân này sẽ chìm xuống để làm gương cho đời.
Quả nhiên, khi bị dìm xuống biển, nàng nổi lên ba lần. Mọi người đều thất kinh vì lời khấn của nàng đã thấu đến Trời Phật. Bọn hào lý không tha, phép vua thua lệ làng, chúng lấy dây thừng quấn nàng vào cối đá thủng, cắm sào, dìm cho nàng chết. Bỗng sóng to gió lớn nổi lên ầm ầm làm đứt dây thừng. Bọn hào lý không biết sao lần lượt lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Dân làng nói rằng chúng đã bị Trời đánh, Thánh vật (?!).
Khi Chúa mang thuyền rồng đến đón nàng mới biết nàng đã thác oan. Biết chuyện, nhà Chúa cho lập đàn giải oan và truyền lệnh cho hàng Tổng lập Đền thờ. Và ghe thuyền qua lại vùng này thấy cô gái thường hiển hiện trên sóng nước làm nhiều việc linh ứng. Dân chúng miền duyên hải lấy làm sợ hãi, dựng miếu thờ ở ngọn đồi trông ra biển, gọi là đền Bà Đế ngày nay hãy còn dấu tích. Sự thiêng liêng của Đền làm cho bọn cướp biển không dám lần mò tới, bọn hào lý cũng không dám trắng trợn nhũng nhiễu dân lành. Đền thờ Bà, dân cả vùng đến lễ rất đông, thương người con gái kiên trinh, tiết liệt đến cả Trời Phật cũng động lòng thương.
Hương lửa còn đây
Lòng trung trình và cái chết của nàng Hương gây rung cảm cho nhiều người, dưới thời phong kiến, nàng như một tấm gương tiết liệt. Nên mãi sau này, khi về thăm đền, Vua Tự Đức đã rơi nước mắt với mối tình bi thương ấy mà đã ban sắc phong cho Đế Bà là: "Đông nhạc Đế bà - Trịnh chúa Phu nhân", cho trùng tu, bảo tồn, lấy đó làm gương sáng để giáo dục con cháu. Còn người đời sau thương tiếc và khâm phục lòng thủy chung của bà, nhiều bạc tài tử quan lại có chữ nghĩa về thăm và để lại nhiều bút tích ca ngợi Bà trong Đền như: "Đế sơn hà - Mỹ tai linh”, dịch nghĩa là Người đẹp quá nên gặp tai họa... Cảm động nhất vẫn là việc nhiều danh nhân đã tìm hiểu, nghiên cứu để viết lại, có người còn đề thơ ca ngợi như:
"Lòng sáng như băng trời đất biết
Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay
Đế Bà hương lửa nghìn thu ấy
Để giải hồn oan cõi thế này"
Từ bấy đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên nhưng đền Bà Đế, đặt ngay trên địa điểm đã diễn ra cuộc tình bi ai ấy luôn thu hút được du khách thập phương tấp nập trẩy hội đền Bà Đế. Người ta đến để xin tài, xin lộc và đặc biệt cùng bà giải mọi nỗi oan khuất mà mình gặp phải. Là địa danh thắng cảnh tuyệt đẹp núi biển bao la, nên người đời sau tiếc thương và khâm phục lòng hiếu chung của Bà Đế khách đến đền thờ Bà ngày càng đông.
Đền Bà Đế ngày nay có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo không thua gì Nam thiên đệ nhất động - Chùa Hương. Và cái càng được người đời tôn thờ là đền gắn liền với câu chuyện tình bi thương nhất trong thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Theo Người đưa tin
Xem thêm video: Voi xiếc nổi điên hất tung ô tô
[mecloud] N8dx3qkwmA[/mecloud]