(ĐSPL) - Thời gian đi qua, nhưng kỷ niệm còn lại, “Cuộc đời dù có già cỗi đi thì những kỷ niệm vẫn luôn còn xanh, còn tươi nguyên trong lòng người, mỗi khi lần giở lại”. Hoạ sĩ Vũ Giáng Hương đã viết như vậy trong phần mở đầu cuốn sách "Tình yêu và nghệ thuật", một cuốn sách của ký ức riêng bà, về gia đình và về người chồng thân yêu - Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài.
Họ đã yêu nhau và cùng vượt qua những khó khăn, mất mát tình riêng để cống hiến cho nhân dân, cho nghệ thuật những giá trị đẹp đẽ, trong thời kỳ đất nước chiến tranh gian khổ.
Nên duyên nhờ văn chương nghệ thuật
Họa sĩ Vũ Giáng Hương (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) là con gái của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương. Được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nên việc bà đến với nghệ thuật, với hội họa như một lẽ hết sức tự nhiên của số phận. Đến với hội hoạ, bà là học trò của các hoạ sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn. Cô sinh viên trường Mỹ thuật đã gặp và yêu chàng sinh viên trường Y Lê Cao Đài ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Niềm đam mê nghệ thuật cũng là cầu nối cho tình yêu của bà với người chồng mà bà một đời yêu thương và trân trọng. Khi đó Giáng Hương đang cùng gia đình tản cư tại Thanh Hoá, còn Lê Cao Đài thì đang phục vụ thương binh ở chiến trường nơi đây. Họa sĩ Vũ Giáng Hương và bác sĩ Lê Cao Đài gặp nhau lần đầu ở nơi sơ tán trong kháng chiến chống Pháp, khi ông là Trưởng ban Quân y Trung đoàn 88 Đại đoàn 308, còn bà là sinh viên trường Mỹ thuật, học trò của danh họa Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn.
Lần đầu tiên theo bạn bè đến gặp họa sĩ Giáng Hương, bác sĩ Lê Cao Đài đã ngay lập tức phải lòng cô thiếu nữ Hà Nội có gương mặt thanh tú, dịu dàng. Thời mới bắt đầu quen nhau, dù công việc bận rộn đến mấy nhưng cứ vài ngày, Lê Cao Đài lại đến thăm Giáng Hương ở nơi sơ tán. Có lần ông thức trắng đêm thực hiện một ca mổ trong mưa bão, nhưng sáng sớm hôm sau, ông đã xuất hiện trước mắt bà. Sau này ông kể lại với bà, sau một ca mổ mệt mỏi, việc gặp người con gái mà ông thầm yêu trộm nhớ, dù chỉ để nói với bà dăm ba câu chuyện vu vơ, trả cho bà cuốn sách cũng khiến mọi mệt mỏi tan biến.
Cô viết cho anh những dòng thư: "Em luôn luôn nhớ anh, nhìn thấy hình ảnh của anh khắp mọi nơi, những chiều đi vẽ trên cánh đồng lúa xanh tươi, giữa ánh nắng lấp lánh trên dòng suối, hình ảnh của anh đến với em thân yêu, trìu mến, làm cho em phấn khởi, yêu đời, yêu mọi người hơn. Không một ai có thể thay thế anh Đài yêu quý của em cả".
Suốt những năm tháng yêu nhau, dù xa cách, bác sĩ Lê Cao Đài nhiều lần ấp lá thư của người con gái mình yêu lên ngực, nghe những tiếng thì thào từ trang giấy còn thơm mùi mực: "Nếu anh biết rằng em yêu anh biết chừng nào, vì yêu anh nên lòng tha thiết mong anh tiến bộ, nếu anh cũng thực yêu em thì đừng làm em thất vọng nhé. Mong ước của ai mà chẳng muốn người yêu mình tích cực. Yêu phải một người không tích cực, một người lừa dối Đảng, không làm tròn nhiệm vụ của mình là một điều khổ nhất trên đời".
Khi yêu nhau, ông vẫn khiến bà hạnh phúc vì những hành động lãng mạn như thế. Có hôm đúng ngày 30 Tết, dù ở xa nhau, nhưng ông vẫn đạp xe lên ATK tìm gặp bà, chỉ để tặng bà tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu rồi sau đó lại đạp xe suốt đêm về Phú Thọ. Năm 1954, giữa những ngày chiến tranh ác liệt, đám cưới của ông bà diễn ra giữa núi rừng Việt Bắc, trong sự chứng kiến của vợ chồng cụ Vũ Ngọc Phan, ông Phan Khôi và nhà văn Tô Hoài.
Đám cưới rất đơn giản, cô dâu mặc một cái áo vest kaki mới, chú rể mặc một bộ quân phục đi mượn. Tiệc cưới là 2 con gà được nấu đủ món để thết đãi mọi người. Trong những ngày đầu mới nên vợ nên chồng, ông bà đã có một kỉ niệm của tuần trăng mật đáng nhớ. Một đêm trên đường đi về Phú Thọ ra mắt gia đình chồng, do bị lỡ đường, vợ chồng họa sĩ Giáng Hương và bác sĩ Lê Cao Đài đã phải ngủ lại tại một điếm canh đê bên bờ sông. Đêm hôm đó, nằm ôm bà trên “chiếc giường” làm từ đống rơm, ông âu yếm nói: “Nếu chúng mình có con trai sẽ đặt tên là thằng Quán em nhé…”. Dự định đó không thực hiện được, vì sau này ông bà sinh được một cô con gái mà ông đặt tên là Lê Vi Lộc.
“Khi hạnh phúc cần chúng mình biết hi sinh”
Sau ngày cưới, Lê Cao Đài đưa vợ Giáng Hương về chào gia đình mình đang tản cư ở Thanh Cù, Phú Thọ. Suốt từ khi lấy nhau năm 1954 đến năm 1973, phần lớn thời gian hai vợ chồng ông bà phải sống xa nhau. Lần xa nhau lâu nhất là 8 năm trời, khi ông vào làm nhiệm vụ tại chiến trường Tây Nguyên. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bác sĩ Lê Cao Đài có tiêu chuẩn đi nước ngoài làm luận án tiến sĩ, nhưng trong hoàn cảnh đất nước sục sôi lửa đạn, ông đã quyết định tạm gác giấc mơ đó để lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày đi vào chiến trường, dù rất thương yêu, lo lắng cho người vợ và cô con gái nhỏ ở nhà, nhưng ông vẫn nói với bà, ông sẽ đi đến ngày chiến thắng mới trở về.
Trong suốt 8 năm trời xa nhau biền biệt, ông bà chỉ biết tin về nhau qua những lá thư. Có lần viết thư về cho bà ông viết: “Ở đây mỗi ngày đi khám bệnh, anh phải leo hàng trăm bậc thang lên núi, mất hàng giờ đồng hồ. Anh cũng thích được đi khám bệnh trên những con đường nhựa bằng phẳng ở Thủ đô lắm chứ. Nhưng nếu một mình mình được hưởng hạnh phúc trong khi còn biết bao người lính trẻ đang dấn thân vào lửa đạn thì anh không đủ can đảm để làm điều đó”.
Những ai đã có mặt ở bệnh viện dã chiến 211 tại chiến trường Tây Nguyên, nơi bác sĩ Lê Cao Đài phụ trách, thì nhất định đều có cơ hội chứng kiến sự xả thân quên mình của ông vì đồng chí, đồng đội. Trong những năm tháng chiến tranh xa nhau biền biệt, ở Hà Nội, họa sĩ Giáng Hương đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Có năm bà nghe phong thanh tin ông hi sinh ở Tây Nguyên, bà nằm liệt giường, không ăn không uống. Mẹ của bà thấy con gái suy sụp, không biết làm thế nào, đành phải đến động viên con: “Mẹ tin anh Đài chưa hy sinh đâu.
Ngày bác sĩ Lê Cao Đài đi chiến trường, ông luôn dặn vợ đợi đến ngày gia đình đoàn tụ, nhưng ngày ông trở về, gia đình ông bà mãi mãi không còn nguyên vẹn. Cô con gái nhỏ của ông bà – Lê Vi Lộc đã qua đời sau một tai nạn. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về Hà Nội lúc đã ngoài 40 tuổi, cả ông và bà đã không còn cơ hội sinh con nữa, khi ông đã vĩnh viễn mang trong người chất độc da cam mà ông nhiễm phải trong những năm tháng ở chiến trường.
Chiến tranh đã khiến vợ chồng bác sĩ Lê Cao Đài và họa sĩ Giáng Hương phải chịu nhiều mất mát, thiệt thòi, nhưng suốt những năm tháng sau này, bác sĩ Lê Cao Đài luôn gạt sang một bên những nỗi buồn mất mát, thiệt thòi ấy để làm những việc lớn lao mà ông cả đời theo đuổi. Ông đi khắp các vùng chiến sự ác liệt trước đây để nghiên cứu về ảnh hưởng và di chứng của chất độc màu da cam. Ông từng đi thuyết trình ở nhiều nơi trên thế giới về ảnh hưởng của chất độc da cam. Cũng chính ông là người đầu tiên nảy ra ý định kiện Mỹ về việc đã rải chất độc da cam xuống Việt Nam.
Ông dường như đã nhận ra một điều rất sâu sắc, rằng cuộc chiến tranh bom đạn đã kết thúc nhưng nỗi đau thời hậu chiến sẽ còn đeo bám nhiều thế hệ và những người có lương tri cần phải tiếp tục cuộc chiến đấu để đòi công lý cho những mất mát này. Và bác sĩ Lê Cao Đài dấn thân vào con đường nghiên cứu chất độc điôxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống trong chiến tranh Việt Nam. Đến những ngày tháng cuối đời, ông phát hiện ra mình bị bệnh nan y. Mức dioxin trong người ông cũng cao gấp 100 lần mức cho phép với người bình thường, nhưng ông vẫn làm việc đến hơi thở cuối cùng.
Ngày 15/4/2002, Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài đã từ biệt người vợ thuỷ chung và tất cả chúng ta để về cõi vĩnh hằng. Ông đã sống một cuộc đời thật đẹp, đã dâng hiến sức lực của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân mà không đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Trong tình yêu, ông và vợ Giáng Hương đã vượt qua muôn vàn khó khăn và cả những nỗi đau riêng để làm tròn nhiệm vụ của những người trí thức với Tổ quốc.
THỤY PHONG
Xem thêm video:
[mecloud]rmnICKjhNO[/mecloud]