Ninh Thuận được biết đến là vùng đất có khí hậu nhiệt đới cận hoang mạc, mỗi khi xuân về, nơi đây được ví như một tiểu “sa mạc” thu nhỏ. Hiếu kỳ cuộc sống cũng như khí hậu nơi đây, nhiều du khách đã tìm đến tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là trải nghiệm du lịch phượt.
“Phượt” từ đèo Ngoạn Mục
Đường đèo Ngoạn Mục (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) nối liền hai tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng dài khoảng 18km. Đèo được mệnh danh là một trong những ngọn đèo hiểm trở nhất nước. Đây cũng là cung đường khiến nhiều phượt thủ khao khát được trải nghiệm. Thu hút nhiều khách lữ hành, đèo Ngoạn Mục được xem là điểm dừng chân lý tưởng để chụp ảnh lưu niệm, cảm nhận không khí pha lẫn giữa hai miền ôn đới - nhiệt đới. Đèo cũng cho người thưởng ngoạn cảm giác hồi hộp, lo lắng khi tự mình chinh phục những khúc cua bất ngờ và ngắm nhìn tổng quan Ninh Thuận trên đỉnh Eo Gió.
Chia tay đèo Ngoạn Mục, PV tiếp tục di chuyển đến xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Dù nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang- Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) khoảng 70km theo hướng Tây Bắc, huyện Bác Ái vẫn được xem là “địa chỉ vàng” của miền sơn cước. Trên đường đi chuyển, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vô vàn cảnh sắc tươi đẹp. Một bên đường nằm tựa lưng trên những vách đá cheo leo cùng màu xanh bạt ngàn của núi rừng hùng vĩ, bên kia đường là vực sâu với dòng sông Cái uốn lượn trên thảm thực vật xanh mướt. Điều đặc biệt, du khách sẽ cảm nhận được cái lạnh buốt đến tê người của mùa xuân pha lẫn chút hơi nồng của rượu cần. Người Phước Bình gọi đây là sự giao thoa hoàn hảo giữa con người, trời đất và vạn vật mỗi độ xuân về.
Ngoài ra, du khách có thể ghé qua các điểm như: Vườn Quốc gia Phước Bình, khu vực nuôi bò tót, suối Đa Nhông, thác Đá Bàn, Cầu Treo, bẫy đá Pi Năng Tắc, hệ thống suối, thác Đa Nhông-Đá Bàn-Đá Đen... Chia sẻ về cảm xúc khi đi phượt ở Phước Bình, chị Lương Thúy Kiều (du khách đến từ Phú Yên) cho hay: “Đây là lần thứ ba tôi đến Phước Bình và tôi thật sự bị mê hoặc cảnh đẹp nơi đây. Phước Bình không chỉ có núi rừng, suối, thác đầy hoang sơ, tuyệt đẹp mà tới đây tôi còn cảm nhận được sự yên bình, dung dị mà không nơi nào có được’.
Các tuyến đường ven biển tại Ninh Thuận vẫn còn hoang sơ làm mê hoặc phượt thủ |
Tê tái lạnh khi “phượt” biển...
Khi đến Ninh Thuận, du khách không thể bỏ qua cung đường biển Mũi Dinh – Cà Ná và Vĩnh Hy – Bình Tiên. Tuyến đường ven biển Vĩnh Hy – Bình Tiên dài gần 40km đi qua các xã Tri Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải) và thôn Bình Tiên, xã Công Hải - điểm kết nối với tỉnh bạn Khánh Hòa ở phía Đông Bắc. Trên cung đường biển này những ngày đầu xuân, xen lẫn cái lạnh mùa gió bấc, PV bắt gặp không ít đoàn khách du lịch đến từ các tỉnh lân cận và cả những du khách quốc tế. Họ say sưa ngắm nhìn và không quên ghi lại những kỷ niệm đẹp bằng hình ảnh.
Tuy mỗi du khách tự lựa chọn cho mình điểm khởi đầu hành trình nhưng họ gặp nhau ở điểm chung là sự đam mê. Họ bắt đầu với bình minh trên biển và khi nắng dần lên cao thì cùng rong ruổi trong những vườn nho Thái An, khám phá vẻ đẹp của những làng chài ven biển hay say sưa với những nét văn hóa độc đáo và cuộc sống thanh bình của những đồng bào Raglai. Với những người đam mê khám phá, họ lại tìm đến với vườn Quốc gia Núi Chúa để được hòa mình vào thiên nhiên, hệ sinh thái phong phú, đa dạng nơi đây.
Đó chỉ mới là một nửa của cung đường biển mà PV báo ĐS&PL theo chân các đoàn “phượt”. Nửa cung đường biển còn lại, PV tiếp tục ngược về lại tuyến đường ven biển Mũi Dinh -Cà Ná. Hầu hết các điểm như Bãi Tràn, biển Cà Ná đều có nhiều nhóm “phượt” trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận đến thưởng ngoạn không khí xuân đầu năm. Mũi Dinh thuộc địa bàn xã Phước Dinh, cách thành phố Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 30km về hướng Nam. Ấn tượng đầu tiên của du khách là dãy núi Đèo Cả có độ cao 629m vươn ra sát biển Đông tạo thành nét duyên dáng độc đáo riêng của Mũi Dinh.
Núi vươn ra sát biển tạo thành vùng vịnh êm đềm, tàu thuyền vào neo đậu tránh bão an toàn. Sau một tuần làm việc nhọc nhằn, du khách về Mũi Dinh tựa lưng vào đá núi buông cần câu hay tắm biển thỏa thích là một thú vui tao nhã. Đồi cát Mũi Dinh lung linh huyền ảo cũng làm mê hoặc lòng người thưởng ngoạn. Gió cuốn cát bay tạo cho đồi cát có đường nét mềm mại duyên dáng tuyệt mỹ.
Trong hành trình khám phá Mũi Dinh, du khách có cơ hội chinh phục đỉnh cao ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi. Du khách mất khoảng 15 phút đi bộ lên hải đăng, đường khúc khuỷu dài hơn 1.000m. Đèn biển Mũi Dinh được người Pháp xây dựng đưa vào hoạt động từ năm 1904. Ngọn hải đăng cao 18m xây bằng đá ga nít rất vững chắc, tọa lạc trên độ cao 177m so với mặt nước biển.
Từ đỉnh cao ngọn hải đăng, du khách thỏa sức thưởng ngoạn toàn cảnh thiên nhiên hữu tình, quyến rũ của vùng biển Mũi Dinh. Hiện, các doanh nghiệp đang đầu tư mở đường qua những đồi cát đưa du khách đến tham quan khám phá phong cảnh đặc sắc của Mũi Dinh. Đồng thời trải nghiệm mô hình du lịch thảo nguyên với những chiếc lều du mục kết hợp bắn cung như đời sống cư dân Mông Cổ trên vùng đất ven biển Mũi Dinh.
Duy Quan
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết