+Aa-
    Zalo

    Chuyện ở phòng hiếm muộn: Mải làm ăn quên cả sinh con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau một thời gian dài tìm cách điều trị, hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng anh Nam và chị Bình khi giờ đây chị đang mang thai ở tháng thứ 6 của thai kỳ.

    (ĐSPL) - Hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng anh Nam và chị Bình khi giờ đây chị đang mang thai ở tháng thứ 6 của thai kỳ. Thật may mắn là sau gần một thập kỷ, niềm khao khát làm cha, làm mẹ của anh chị đã trở thành hiện thực.

    Vợ chồng mải làm ăn, “quên” sinh con và cuộc chiến 9 năm đi tìm “vật báu”. Ảnh minh họa.

    Mải làm ăn, quên sinh con

    Bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Phó điều hành khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết: Bệnh hiếm muộn là hàng một trong những bệnh phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Chữa khỏi bệnh hiếm muộn là mong mỏi của nhiều cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong chuyện sinh nở. Một cặp vợ chồng sinh sống với nhau, không dùng biện pháp ngừa thai nào trên một năm mà vẫn không có thai, có thể xem là đã mắc chứng hiếm muộn, vô sinh.

    Hiện tượng hiếm muộn, vô sinh của các đôi vợ chồng những năm gần đây ngày càng gia tăng. Ngoài nguyên nhân do cơ địa của từng người (nam, nữ có những khuyết tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục), còn có các yếu tố bên ngoài là nguyên nhân làm xấu đi sức khỏe sinh sản: ô nhiễm môi trường, vô tình sử dụng các loại hóa chất độc hại trong thức ăn nước uống, lối sống phung phí sức khỏe khi sử dụng rượu bia, thuốc lá thái quá, căng thẳng trong cuộc sống… Các yếu tố trên làm cho cả vợ chồng đều bị suy giảm chức năng sinh sản.

    Y học hiện đại đã xác định tỷ lệ bệnh hiếm muộn, vô sinh của các cặp vợ chồng nguyên nhân do: khoảng 30\% nguyên nhân đến từ chồng, khoảng 30\% đến từ vợ, 40\% còn lại do cả hai vợ chồng hoặc không rõ nguyên nhân nào.

    Anh Nam và chị Bình nằm trong nhóm nguyên nhân cả hai vợ chồng cùng mắc phải chứng hiếm muộn.

    Đều xuất phát từ con nhà làm nông, anh Nam chị Bình sẵn tính chịu thương chịu khó làm lụng. Lấy nhau rồi, cả hai vợ chồng vẫn thường động viên nhau làm ăn, tập trung phát triển khu trang trại gia đình. Với mô hình chuồng trại quy mô, hai vợ chồng chị thường thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm.  Việc ai người nấy làm, có khi cả ngày vợ chồng chẳng nhìn thấy mặt nhau. Đến tối, vợ chồng vội vã cơm nước, lùa miếng cơm cho xong để lên giường hạ lưng sau ngày dài lao động mệt mỏi. Công việc làm ăn thuận lợi, lời lãi tăng đều từng kỳ, từng năm, chẳng mấy chốc vợ chồng chị Bình gây dựng được một cơ ngơi khổng lồ, được người dân người làng tụng xưng là “đại gia đồng ruộng”. Nhưng, thói đời, thường người ta đã có của ăn của để lại càng ham làm giàu hơn nữa. Vợ chồng chị Bình cứ thế, bị cuốn vào công việc đến mức “quên” luôn chuyện sinh con. Lấy nhau đã được 5 năm, hai vợ chồng cũng đều xấp xỉ 30 tuổi nhưng chuyện gối chăn cả hai đều không ham muốn. Cả ngày đi làm vất vả, tối về nhà chỉ muốn ngủ vùi lấy sức để gà gáy hôm sau dậy sớm tất bật chuẩn bị cho ngày mới. Bị họ hàng nội ngoại hai bên giục giã, vợ chồng chị Bình bàn tính phải “hãm” bớt tần suất lao động, tính tới chuyện sinh con kẻo thêm vài tuổi nữa sức khỏe giảm sút, con cái đẻ ra không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.

    Bàn tính là thế, nhưng chuyện có con của vợ chồng anh Nam không thuận lợi, đơn giản như anh chị nghĩ. Dù hai vợ chồng “thả cửa” nhưng suốt một năm trôi qua, chị Bình vẫn không có tin vui. Trước không chú tâm đã đi một nhẽ, giờ cả hai toàn tâm toàn ý cho việc sinh con thì ngóng mãi không thấy tín hiệu mừng, vợ chồng chị đâm sốt ruột, lại thêm lời giục giã của cha mẹ khiến cả hai như ngồi trên đống lửa.

    Sau hồi bàn tính, vợ chồng chị quyết định đi kiểm tra sức khỏe sinh sản, tìm hiểu nguyên nhân muộn con. Sau khi được bác sĩ tư vấn, hiểu rõ những nguy cơ có thể mắc các chứng bệnh hiếm muộn không mong muốn và chuẩn bị sẵn tâm lý, hai vợ chồng đồng thời được đưa đi làm xét nghiệm. Các chỉ số của anh Nam cho thấy sự mất cân bằng hormone do béo phì. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng hiếm muộn ở nam giới.

    Còn về phần của chị Bình, việc thăm khám tốn nhiều thời gian hơn vì việc khám tổng quát cho đến những xét nghiệm chuyên sâu còn phải phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt mà các bác sĩ hẹn lịch cụ thể. Vợ chồng chị khá sốc trước kết quả của anh Nam bởi từ trước đến nay, anh Nam vốn cao to, khỏe mạnh, luôn tự tin cho rằng sức khỏe của mình hoàn toàn bình thường.

    Kết quả của chị Bình có muộn hơn. Các bác sĩ chuẩn đoán chị bị lạc nội tử cung và buồng trứng đa nang. Cả hai anh chị có phác đồ điều trị riêng. Anh Nam được xây dựng một chế độ dinh dưỡng hoàn toàn mới, có lợi cho sức khỏe. Chị Bình cũng được sắp xếp lịch để tiến hành phẫu thuật. Suốt 6 tháng điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, cuối cùng vợ chồng chị đã nhận được thông báo khả quan từ bác sĩ: sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng đã được hồi phục.

    Tuy nhiên, thêm nửa năm chờ đợi, dù cả hai đều hết sức nỗ lực, nhưng tin vui vẫn chưa gõ cửa. Ngay cả các bác sĩ cũng không tìm ra nguyên nhân kỳ lạ này. Rất nhiều đêm chị Bình không ngủ, nước mắt đẫm gối tự trách bản thân đã mải mê làm ăn, quên luôn thiên chức vĩ đại nhất của cuộc đời. Chị thấm thía một điều, tiền tài, của cải vật chất đầy nhà, nhưng tổ ấm của chị vẫn quạnh hiu bởi thiếu vắng tiếng trẻ thơ. Nhìn bạn bè đồng lứa đã đủ đầy con cái, vợ chồng chị chỉ biết động viên nhau cố gắng, hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với mình.

    Hạnh phúc nở muộn

    Chị Bình và anh Nam được các bác sĩ giới thiệu tiến hành điều trị vô sinh bằng phương pháp công nghệ. Với phương pháp này, tinh trùng của nam giới sẽ được đưa ra ngoài, lọc lấy những tinh trùng khỏe mạnh nhất rồi đặt vào tử cung của nữ giới. Quá trình điều trị này khá tốn kém, anh Nam và chị Bình dự định có thể sẽ phải bán cả trang trại và ngôi nhà đang sống để có thể trang trải những chi phí này. Nhưng điều này không quan trọng vì niềm vui lớn nhất của anh chị là có con. Sau hai lần điều trị vô sinh bằng phương pháp IUI – thụ tinh nhân tạo, bác sĩ thông báo chị Bình đã mang thai. Đón nhận thông báo của bác sĩ, vợ chồng chị ôm nhau bật khóc vì sung sướng. Cuối cùng, sau gần một thập kỉ, ước nguyện của vợ chồng chị Bình đã trở thành hiện thực.

    Giờ đây, chị Bình đang bước sang tuần thứ 24 của thai kì, cả mẹ và bé đều khỏe mạnh. Anh chị sẽ không thể quên cảm xúc đặc biệt, việc theo dõi sự phát triển của con và chờ đợi ngày con chào đời. Hằng ngày, chị Bình vẫn phụ giúp anh Nam những công việc ở trang trại, hai vợ chồng luôn có những giờ phút bên nhau. Chị Bình nói, vận động nhiều sẽ có lợi cho sức khỏe và cũng giúp đẻ con dễ hơn. Trang trại của vợ chồng chị lại gây dựng lại từ đầu sau thời gian chạy chữa. Nhưng, điều ấy chẳng quan trọng, bởi trải qua cuộc chiến này, chị mới hiểu con cái thực sự là vật báu của cha mẹ chứ không phải thứ vật chất phù du kia.

    (Bài đã đăng trên trang Hôn nhân & Pháp luật - chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật)

    HỒNG ANH

     Xem thêm video Xôn xao clip chồng bắt quả tang vợ ngoài tình với người nước ngoài

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-o-phong-hiem-muon-mai-lam-an-quen-ca-sinh-con-a90603.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan