Một tạ khoai bằng ly nước mía
Thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long được xem là "thủ phủ" khoai lang của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhưng ít ai biết, nông dân đang bán 100 kg khoai lang với giá 5.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Lê (ấp Tân Hòa, xã Tân Hưng, huyện Bình Tân), gia đình ông trồng 9 công khoai lang, đầu tư hết 135 triệu đồng. Qua 4,5 tháng chăm sóc, thu hoạch được gần 700 tạ. “Sau khi móc thử khoai dưới rẫy, thương lái kêu giá loại 1 (có lỗi, do sâu trùng gặm nhấm trở lại) 190.000 đồng/tạ. Số khoai còn lại gọi là hàng dạt, giá 5.000 đồng/tạ. Sau khi thu hoạch 9 công khoai lang tím Nhật, lái mua phân loại chỉ được 200 tạ loại 1, số còn lại họ thu 5.000 đồng/tạ.
Trồng ra rồi, lái người ta lựa khoai, người ta nói sao, mua sao phải chịu vậy chứ không bán thì biết đổ đi đâu. Sốt ruột nhìn khoai đẹp mà bị dạt xuống giá 5.000 đồng/tạ, chỉ bằng uống 1 ly nước mía”, ông Lê nói.
Để được thu hoạch, người trồng khoai phải mất 4,5 tháng chăm sóc và đầu tư phân, giống... Nhưng khi tới ngày thu, nếu lái không mua, để củ già thì bị dạt hàng, không bán được.
Điều đáng nói là đến nay, người trồng khoai cũng không biết thương lái dựa vào tiêu chuẩn nào để phân loại, phân giá trước khi mua. Khi đã trồng khoai, đến ngày thu hoạch bán, họ chỉ biết chấp nhận nghe theo thương lái.
Khoai được phân loại thương lái mua với giá 2.500 đồng/bao. |
Ông Lê Văn Nghĩa bức xúc: Lái khôn lắm, chỉ xuống ruộng móc sơ sơ vài củ khoai xem rồi sau đó họ ép giá liền. Nếu khoai quá thời gian trồng (củ già), thương lái sẽ ép mua theo hàng dạt cả rẫy, tức 5.000 đồng/tạ. Nếu thu hoạch đúng thời gian, sau khi móc xem củ khoai đẹp, thương lái đưa ra giá 170.000 đồng/tạ (loại 2 lổ), củ khoai 3 lổ là bị xếp xuống hàng dạt”.
Cũng theo ông Nghĩa, em trai của ông vừa kêu lái bán rẫy khoai lang. Lái xuống rẫy móc khoai xem thử và đưa ra giá chắc nịch: Khoai từ 4 lổ trở xuống là mua theo loại 1, giá 100.000 đồng/tạ, số còn lại hàng dạt là 5.000 đồng/tạ.
Nói về cách phân loại khoai để định giá, nhiều nông dân cho biết, khoai được phân làm 2 loại: Loại 1 (loại xuất khẩu) là những củ đẹp, không bị lổ (hoặc lổ ít tùy theo giao kèo giữa chủ khoai và thương lái), không hư thối và phải đạt trọng lượng từ 50 gam/củ trở lên. Loại 2 là loại rớt lại (tiêu thụ trong nước) nhưng đảm bảo không hư thối.
Nghe qua tiêu chí phân loại khá hợp lí, nhưng khi đi vào phân loại thì các thương lái lại chọn lựa rất kỹ càng. Chỉ cần củ khoai có chút trầy xước là bị xếp loại 2, với mức giá có như không.
Ông Lê cho biết: “Sản lượng khoai loại 1 rất ít, chỉ đạt khoảng 35 tạ/công, còn lại là khoai loại 2 và khoai dạt. Đối với khoai loại 2, thương lái thu mua chỉ 5.000 đồng/tạ, nhưng cũng phải ép lòng mà bán. Nếu không bán cho họ thì cũng chẳng biết bán cho ai”.
Theo kinh nghiệm của nông dân, khoai nguyên liệu khi bán là phải đủ ngày đủ tháng, khoai thiếu ngày hay quá lứa một chút lái không chịu mua. Bên cạnh đó, một điều khiến nông dân cảm thấy lạ và khá bất ngờ, là có thêm việc xem xét khoai có nổi hay không, nếu củ khoai nổi thương lái sẽ không lấy.
Bà Liễu ngạc nhiên nói: "Không biết sao khoai nổi thì thương lái không lấy; trong khi khoai lang ngâm vào nước thì lúc đầu sẽ nổi, sau đó mới chìm dần. Giá cả đã thế, lại thêm kiểu phân loại này, chắc thêm nhiều nông dân gặp khó”.
Không hiểu những tiêu chí phân loại này từ đâu mà ra. Liệu đây có phải “quy định” do các thương lái tự đặt ra để ép giá nông dân.
Rất nhiều ruộng khoai đổ đống củ trên bờ ruộng đến mọc mầm. |
Quay về trồng lúa
Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc HTX khoai lang Tân Thành (Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết: “Giá khoai lang xuống thấp nên nông dân bị thua lỗ nặng. Hiện sau khi trừ đi chi phí, vụ này nông dân lỗ khoảng 100 triệu đồng/ha còn nếu thuê đất sẽ lỗ đến 150 triệu đồng/ha”.
Theo ông Hải, giá khoai giảm sâu, tiền nhân công thu hoạch cũng chỉ bằng tiền bán khoai nên một số hộ đã bỏ đồng hoặc kêu người khác đến cho không để thu hoạch.
Hiện tại ngành nông nghiệp huyện Bình Tân chưa thống kê được số lượng nông dân chuyển từ trồng khoai lang sang trồng lúa. Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết: “Hiện tại diện tích khoai lang còn khoảng 2.000 đến 2.500 ha trên tổng số 10.000 ha của toàn huyện. Năm nay giá khoai lang tím Nhật xuống thấp nên nông dân thua lỗ nặng và đã chuyển qua trồng lúa”.
Theo ông Theo, quy hoạch tái cơ cấu của ngành nông nghiệp thì diện tích khoai lang chỉ từ 4.000 đến 5.000 ha và trồng luân canh 2 vụ lúa 1 vụ khoai lang để đảm bảo vệ sinh đồng ruộng, diệt mầm bệnh và áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian qua nông dân ào ạt chuyển qua trồng khoai lang tím Nhật và trồng chuyên canh hết vụ này sang vụ khác đã phá vỡ quy hoạch. Ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo người dân chứ không có biện pháp chế tài nên bây giờ giá khoai lang xuống thấp, dịch bệnh phá hoại nên nông dân thua lỗ nặng.
Trong khi đó, khoai lang tím Nhật chỉ phụ thuộc vào thị trường xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá rất bấp bênh và khi thị trường biến động thì chính nông dân là người lãnh đủ.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]ELhw9n4CuI[/mecloud]