Thời nhà Nguyễn, triều đình luôn chủ động tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa luật của Nhà nước với hương ước, lệ làng ở làng xã. Nhà nước kiểm soát việc ban hành hương ước ở hai cấp: Lý dịch (bộ máy phong kiến ở làng) và việc đệ trình lên cấp trên.
Một bản hương ước, 66 người ký tên
Hương ước sau khi được soạn xong, để trở thành văn bản chính thức được thừa nhận của làng thì bản hương ước đó cần có chữ ký của tiên thứ chỉ, lý trưởng và phó lý trưởng đương chức. Có những tài liệu cho thấy có bản hương ước có 66 người giữ chức vụ cùng ký tên.
Có tài liệu đứng tên dưới bản Hương ước làng là 23 quan lại và 65 nho sinh sinh đồ, giám sinh, 13 xã trưởng. Sau đó, bản hương ước phải đưa lên trên cho bộ Lễ. Khi kiểm tra, các điều khoản trái với pháp luật, không theo tư tưởng nho giáo sẽ bị gạch bỏ. Như vậy, một mặt nào đó, nhà nước kiểm soát được việc soạn thảo và ban hành hương ước, từ đó tạo ra tính pháp lý của hương ước.
Thông qua đại diện của mình, nhà nước nắm quyền xử phạt các vi phạm hương ước. Người bị phạt trực tiếp là các chức dịch, lý trưởng, lý phó. Trong một bài viết, tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng: “Thực tế cho thấy “phép vua thua lệ làng” chỉ là sản phẩm của cường hào - vốn là các chức dịch làng xã tha hóa, biến chất lũng đoạn lệ làng, bày đặt các quy định bất thành văn không đúng tinh thần pháp luật vì những mưu đồ và lợi ích cá nhân; hay để khống chế ức hiếp nông dân, khi mà chính quyền trung ương suy yếu hoặc phải bận tâm đối phó với những công việc khác nên không với xuống làng được.
Còn khi chính quyền trung ương mạnh, nhà nước nắm được làng, kiểm soát được nạn cường hào thì hoàn toàn không có hiện tượng lệ làng “đứng trên” luật nước”.
Vua Gia Long trong “Chiếu về định điều lệ hương đảng cho các xã dân Bắc Thành” ban hành năm 1804 đã bàn về việc điều chỉnh các sinh hoạt xã hội của làng, bao gồm: 1. Về tiết ăn uống, 2. Về lễ vui mừng, 3. Về lễ giá thú, 4. Về việc tang tế, 5. Việc thờ thần, thờ phật. Với dụ này, vua Gia Long đã thực sự đụng đến những vấn đề “cốt tử” của sinh hoạt làng xã và những điều thuộc về lệ làng, hương ước.
Một ngôi làng ở miền Bắc cuối thế kỷ 19 |
Bài dụ ấy vua Gia Long thể hiện quan điểm của người đứng đầu nhà nước đối với quản lý làng xã, những phong tục góp phần giữ nguyên làng xã với “đất lề quê thói” được nhà nước cho phép tồn tại nhưng không được vượt quá quy định của nhà nước. Những chiếu những dụ của nhà vua đều là luật cả. Nó cũng vừa thừa nhận và thuận ý với rất nhiều những nếp sinh hoạt, quy định tại làng.
Trong Điều lệ Hương ẩm tửu lễ của Luật Gia Long có viết: “Dân trong xã như có hội họp chuyện công tư chỉ cho phép dùng trầu cau làm lễ, không được lấy cớ là việc làng mà gom tiền bạc của dân, rồi quần tụ trà chén. Trái lệnh, Xã trưởng bị phạt 50 roi...
Phạm việc cúng lễ, chôn cất, tùy nhà giàu nghèo, xóm làng cùng giúp đỡ nhau, không được viện là lệ làng mà đòi hỏi trâu, heo ẩm thực làm trở ngại hiếu sự. Ai sai trái phạt 80 trượng...”
Năm 1834, vua Minh Mạng cùng ban huấn điều, ở điều Gây phong tục cho trung hậu có viết: “Phong tục có quan hệ với người ta không phải là nhỏ. Thói tốt tục hay thì có thể bỏ được hình luật và thôi được việc binh, trong bốn cõi sẽ có thái bình”.
Những động thái dứt khoát
Các vua cũng thường đi thị sát khắp nơi, và khi tìm hiểu về các phong tục địa phương, dò xét hiện tình các nơi thường ban bố những quy định. Như với những lễ tết dân gian, đền thờ dân gian cũng được chú ý và phục dựng, trùng tu. Với các hủ tục lạc hậu, khắt khe hay đầy rẫy mê tín dị đoan thì thường bỏ đi và điều chỉnh lại bằng những mỹ tục, phù hợp với lối sống thuần hậu.
Một lần Giám sát ngự sử đạo Thuận Khánh Bùi Mậu Tiên dâng sớ nói: “Các hạt (...) trong chỗ làng mạc, tục lệ thờ thần phần nhiều quá xa phí. Có một vài người biết lẽ phải, muốn sửa đổi đi thì lũ hương nguyện cố giữ, cho là phong tục làng, vẫn không chịu đổi. Tiếng rằng thờ thần, thực ra làm hại dân. Khi đến lễ tang tế, đua nhau xa xỉ, đến nỗi có kẻ khuynh gia bại sản để trả nợ miệng. Tệ hại đến như thế, thực không phải là các nghĩa giúp đỡ, thương xót nhau”.
Vua dụ rằng: “Lễ, tiết để ổn định lòng dân, pháp chế để phòng thói gian là của dân. Đó là điều cốt yếu trong việc thay đổi phong tục. Nhưng việc thay đổi phong tục nên làm dần dần, mới là đạo hoàn toàn của vương giả. Có điều tục một số nơi sùng tín quỷ thần, nhiều nơi thờ cả dâm thần, mở hội làm trò hát xướng liên miên nhiều ngày, thậm chí lại còn quá quắt trong các đồ nghi trượng và tiếng dùng xưng hô.
Nhưng thói tệ ấy không thể không sửa đổi một phen cho đúng đắn. Chuẩn giao cho bộ Lễ châm chước bàn định điều cấm mà ban hành để cho giáo hóa được tỏa sáng và phong tục được nghiêm chỉnh…”.
Trích dẫn trên cho ta thấy được mối quan tâm của vua Minh Mạng đến các vấn đề về phong tục, hương ước của làng. Và từ đó tác động một cách tích cực, dứt khoát trong việc thay đổi, xóa bỏ những điều không hay từng tồn tại trong các phong tục, nền nếp sinh hoạt của nhân dân.
Những điều chỉnh của triều đình với hương ước, phong tục lệ làng như thường ít khi xảy ra nhưng rõ ràng trong một số trường hợp cần thiết, triều đình đã thực hiện nó một cách quyết liệt.
Như vậy, nhà nước cho phép làng lập hương ước tức là nhà nước chấp nhận tính tự trị, tự quản của làng, nhưng một mặt vẫn tìm cách để hạn chế nó nhằm đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước đối làng xã.
Đưa hương ước vào pháp luật
Triều nhà Nguyễn còn tạo mối gắn kết tính pháp lý của pháp luật với hương ước, lệ làng, nâng cao hiệu quả của pháp luật đối với quản lý xã hội cùng tính pháp lý của hương ước bằng các biện pháp như: Để hương ước cụ thể hóa những quy định của pháp luật, đưa hương ước vào pháp luật để tăng cường tính cưỡng chế.
Nội dung văn bản của hương ước thường đơn giản hơn so với pháp luật nhưng lại cụ thể hơn và thường quy định những điều rất tỉ mỉ. Có thể thấy hương ước như là những trường hợp cụ thể của luật trong quá trình áp dụng vào đời sống.
Hoàng Việt luật lệ và các văn bản luật khác của triều Nguyễn đều có chế tài bằng hình phạt với ngũ hình cổ điển, còn hương ước lệ làng ở làng xã chế tài thấp hơn, là dư luận xã hội, phạt vạ, phạt cheo (phạt tiền). Mặt khác quy định xử phạt của hương ước cũng đơn giản và nhẹ hơn so với luật của nhà nước, nó chủ yếu điều chỉnh đối với những vi phạm nhỏ, thông thường, Còn những vi phạm mang tính nghiêm trọng hơn, gây ra thiệt hại lớn hơn ảnh hưởng trực tiếp đến một cá nhân hay sự an nguy của cộng đồng, quốc gia thì dùng luật nước để xử lý. Ngoài ra, hương ước còn có những quy định nhằm thực hiện các nghĩa vụ của thu thuế, nộp thuế, đảm bảo binh dịch.
Hay như chế độ binh dịch, nhà nước mỗi năm đều dựa vào làng xã để chọn lựa tráng đinh sung vào quân đội và có quy định thời hạn phục vụ. Trong thời hạn phục vụ nhà nước, nếu có kẻ đào tẩu, trốn nhiệm vụ về làng thì xã trưởng, lý trưởng, lý trưởng có trách nhiệm bắt về lại quân ngũ.
Nếu kẻ đó tiếp tục trốn nữa thì làng xã sẽ được đòi thêm những khoản lệ phí và tiền lương trợ cấp của người đó trong quân ngũ, nếu người này không trả thì làng lại bắt cha mẹ, vợ con trả thay… Điều này vì thế được đưa vào nội dung của các hương ước như là một nghĩa vụ không thể thay thế của dân đinh.
Ở một góc độ khác ta có thể thấy, theo quy ước thông thường của các làng xã châu thổ Bắc Bộ về dân chính cư, ngụ cư hay các quy định về quyền lợi có những quy định trong hương ước rất khắt khe, nhưng chính những điều này lại được những quy định trong luật ủng hộ. Hương ước quy định: “Tam đại thành tổ (ba đời thành tổ), tức là người ngụ cư đến sống ở làng phải trải qua ba đời: Đời ông nội, đời cha và đời chính anh ta đều không phạm pháp, tôn trọng lệ làng, là người lương thiện, mới được xét cho dự hương ẩm”.
Những điều luật và các quy định trong một số hương ước đã có một sự thống nhất cao giữa hai loại hình quy định này trong chính sách quản lý làng xã của triều Nguyễn. Tính gắn kết cao về pháp lý là cơ sở vững chắc để hương ước có thể dưa ra những quy định của mình và buộc cư dân thực thi các quy định đó.
Thành Nam
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 12