+Aa-
    Zalo

    Chuyện người lính nguyện cả đời chung tình với một người phụ nữ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trở về từ chiến trường, ông Dí tìm lại người yêu năm nào nhưng bà đã thành góa phụ. Bỏ qua điều tiếng, ông Dí viết tiếp câu chuyện tình dang dở với người góa phụ

    (ĐSPL) – Trở về từ chiến trường, ông Dí tìm lại người yêu năm nào nhưng bà đã thành góa phụ. Bỏ qua điều tiếng, ông Dí viết tiếp câu chuyện tình dang dở với người góa phụ đó.

    Chuyện tình của lính

    Ông Phạm Văn Dí (tên thường gọi là Hai Dí, ở phường Lái Hiếu, TX. Ngã Bảy, Hậu Giang), năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Khi được hỏi về chuyện tình cảm của mình, ông Hai Dí trầm ngâm một hồi, mắt nhìn xa xăm rồi bắt đầu tâm sự.

    Trước kia, nhà ông ở bên xã Hòa An, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc ông xung phong lên đường nhập ngũ. Những ngày tập luyện trên tỉnh đội, có cô thôn nữ tên Lý Thị Bé trong đội văn nghệ thường xuyên ghé qua doanh trại hát tặng các chiến sỹ. Bà Bé vừa hát hay lại có duyên nên ông Hai bị “say nắng” ngay từ lần gặp đầu tiên.

    Ông cười bảo: “Ngày đó tôi cũng đẹp trai dữ lắm nên ngỏ lời yêu được cô ấy đồng ý liền. Thời nay không biết ra sao chứ thời đó, có tình cảm là thổ lộ ngay vì sợ mai này đi chiến tranh biết có cơ hội nữa không mà nói”. Thế rồi tình yêu của người lính trẻ và cô thôn nữ lớn dần, cùng với sự tác thành của hai bên.

    Ông Hai Dí chia sẻ về câu chuyện đời mình.

    Khi cả hai tính đến chuyện kết hôn thì ông Dí phải nhận nhiệm vụ mới ở miền Đông Nam Bộ xa xôi. Vì tình yêu đất nước, họ gác lại chuyện riêng tư và chia tay trong nước mắt để ông Dí lên đường.

    Thời chiến loạn lạc, họ chẳng thể liên lạc được với nhau nhưng ông Dí vẫn luôn mong nhớ về dáng kiều thơm và tin tưởng bà Bé ở nhà vẫn đợi mình.

    Mùa xuân năm 1968, trong một trận chiến, ông Hai Dí bị thương nặng, cái chết cận kề nhưng ông vẫn gắng sức nhờ người đồng đội nhắn nhủ tới người yêu phương xa: “Nếu tôi có chết đi, hãy nhắn dùm Bé đi lấy chồng, đừng chờ đợi”.

    Sau đó ông cùng những chiến sỹ bị thương nặng khác được đưa lên bệnh viện trung ương tại Sài Gòn. May mắn được cứu chữa kịp thời, ông Hai Dí dần khỏe lại. Khi ông được xuất viện cũng là lúc đất nước cận ngày giải phóng, ông háo hức về quê tìm lại người xưa nhưng đã không thực hiện được vì phải lập tức ra Bắc học tập theo lệnh của đơn vị.

    Bức ảnh duy nhất của bà Bé.

    Trong hơn chục năm trời xa cách, biết bao nhiêu cô gái thầm thương trộm nhớ ông nhưng người lính trẻ vẫn vẹn nguyên tình cảm với bà Bé và chẳng thể biết lúc đó bà Bé đã lỡ bước sang ngang.

    Sau khi học xong, ông Hai Dí được điều về công tác tại Tỉnh đội Cần Thơ và có cơ hội đi tìm bà Bé. Nhưng mọi thứ như đổ sập khi ông biết tin bà Bé đã có gia đình, chồng bà cũng là bộ đội và đã hi sinh.

    Nhưng khi biết một mình bà Bé phải bươn chải nuôi hai con nhỏ, ông Hai Dí quyết định sẽ là chỗ dựa tinh thần và cùng bà Bé đồng cam cộng khổ suốt quãng đời còn lại.

    Ông bảo rằng, đời ông là lính, lính đã nói là làm, thương rồi thì không dứt được và muốn bù đắp những mất mát cho bà.

    Chấp nhận “gà trống nuôi con” để giữ trọn tình với vợ

    Sau đám cưới, ông Dí phải lên TP. HCM công tác, một mình bà Bé ở nhà mở hàng bán tạp hóa và nhiều công việc không tên để lo cho cuộc sống. Và niềm vui được nhân đôi khi bà Bé sinh thêm cho ông được cậu con trai kháu khỉnh và cô con gái út xinh xắn.

    Hạnh phúc chưa được bao lâu, bà Bé mất, bỏ lại ông Hai Dí và 4 đứa con bơ vơ. Sau khi bà Bé mất, nhiều người mai mối cho ông đi bước nữa nhưng ông quyết ở vậy nuôi con khôn lớn để giữ trọn nghĩa vợ chồng với bà.

    Ông Hai Dí luôn tâm niệm: “Người lính có một trái tim nhiệt huyết cho đất nước và cũng chỉ có một trái tim yêu để dành cho một người mà thôi”.

    Trong suốt bao nhiêu năm, các con của ông Hai Dí và bà Bé không hề biết câu chuyện tình của cha mẹ, mãi tới khi tất cả yên bề gia thất ông mới kể lại câu chuyện xưa. Khi đó các con ông mới biết mình cùng mẹ khác cha.

    “Đến gần đây mấy anh chị em mới biết chuyện xưa của ông bà. Ông bà luôn đối xử với anh chị em như nhau, đứa nào cũng thương như nhau nên chẳng ai biết tới chuyện anh em không cùng cha”, Chị Phạm Thị Mỹ Lệ (32 tuổi) con út của ông bà Hai Dí tâm sự.

    Chị Lệ còn chia sẻ thêm: “Cha tôi tuy già rồi nhưng vẫn suy nghĩ rất tích cực ông bảo ông khỏe còn lo được thì mặc ông, người già người trẻ nếp ăn ở khác nhau ông không bắt ép các con phải theo ông, ông cho cơ ngơi đứa nào tự biết liệu mà làm ăn. Ông vẫn còn khỏe nên thi thoảng vẫn cũng anh em trong hội Cựu chiến binh ra Bắc gặp mặt đồng đội cũ”.

    PHẠM VÂN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nguoi-linh-nguyen-ca-doi-chung-tinh-voi-mot-nguoi-phu-nu-a115979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.