(ĐSPL) - Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông bà vẫn khiến bao người ngưỡng mộ chuyện tình son sắt của họ. Câu chuyện bà Dy đi "nối" vợ cho chồng đã khiến người dân khắp vùng Cầu Hai xôn xao một thời.
50 năm đã trôi qua, dù ngày nắng hay mưa, ông đều chở bà trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng, bất kể là đi chùa, đi chợ, hay đi thăm con cái,... ít ai biết được, phía sau câu chuyện tình đẹp như cổ tích là những nỗi niềm khó nói của người trong cuộc, và sự hy sinh lớn lao của người vợ...
Tình yêu sét đánh
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hồng (77 tuổi) và bà Cái Thị Dy (71 tuổi, tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Mặc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu câu chuyện về cuộc đời mình, ông cười sảng khoái: "May mấy cô chú tới sớm, tui chuẩn bị chở bà lên chùa thắp hương đây".
Nhấp ngụm trà nóng, ông thong thả kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của ông bà: "Vợ chồng tui đến với nhau là duyên tiền định. Hai mươi tuổi tui gặp vợ, gặp cái là đem lòng yêu luôn". Nói rồi ông nhìn sang bà mỉm cười đầy trìu mến. "Hồi đấy, vợ tui là thợ may áo dài ở chợ Cầu Hai. Những năm 1960 thợ may áo dài có giá lắm, bà ấy vừa đẹp người, đẹp nết lại là thợ lành nghề nhất vùng Cầu Hai, tui nghe tiếng đã lâu, trong lòng cũng đem thương nhớ, nhưng chưa thấy mặt bà khi mô. Tương tư lâu ngày, một hôm tui quyết định ra chợ nhìn tận mặt bà coi răng".
Vợ chồng ông Hồng, bà Dy chụp ảnh lưu niệm. |
"Khi vừa nhìn thấy bà cười, lúm đồng tiền chúm chím, tim tui đập nhanh. Tối về, tui không ăn, không ngủ được cứ thẫn thờ nghĩ đến bà. Hôm sau, tui đánh liều ra chợ, lân la bắt chuyện rồi ngỏ lời làm quen, nhưng bà ấy tránh mặt. Lúc đó, tui nghĩ, ông cha xưa đã có câu "Nhất đẹp trai, nhì chai mặt", tui không đẹp trai, thôi thì chai mặt vậy. Tui mua quà cáp cho mấy o, mấy dì ngồi chợ cùng với bà, rồi nhờ họ tác động vô", ông Hồng hóm hỉnh kể.
Ngồi bên cạnh bà mỉm cười hiền từ: "Lúc mới quen nhau, ông ấy 20 còn tui mới 14 tuổi, chưa từng thương ai. Một thời gian sau khi ổng siêng ra chợ, tui cũng thấy thương, thấy mến. Hai năm sau nhà ông cho bà mai mối qua nhà tui tính chuyện trăm năm. Thấy cha mẹ ưng thuận, tui mừng lắm nhưng không thể hiện ra mặt. Lễ cưới diễn ra ngay sau đó, tưởng chừng cuộc sống hạnh phúc đang chờ đợi trước mắt, nhưng cuộc đời lắm éo le...".
"Nối" vợ cho chồng
Trầm ngâm thật lâu, ông Hồng chia sẻ tiếp: "Cưới nhau khi tui 22 tuổi, còn bà ấy mới 16 tuổi, cuộc sống những ngày đầu là những tháng ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời tui. Hàng ngày, tui chở bà lên chợ may vá, còn tui đi làm việc cho xã đội. Chiều chiều, tui lên chợ đón bà về. Cuộc sống êm ấm là vậy, nhưng cưới nhau gần 10 năm, tui và bà ấy không thể sinh con. Ba mẹ tui bắt đầu lo lắng, vì tui là con trai duy nhất, một chắc một chi, một nhánh, nếu không có con trai thì tuyệt tự tuyệt tôn. Nhiều đêm ngủ, tui thấy bà thao thức, trăn trở, trằn trọc không ngủ được".
ông kể tiếp: "Rồi một ngày, bà ấy bàn với tui đi tìm thêm một người nữa để có con có cháu trong nhà, để không có lỗi với tổ tiên và có những đứa con để nương tựa tuổi già. Nhưng tui gạt đi, tui nghĩ tuổi còn trẻ, tui không thể làm điều chi có lỗi với bà. Rứa mà bà ấy chủ động đi "nối" vợ cho tui. Năm tui 30 tuổi, bà gánh trầu rượu về Vinh Lộc, cách nhà hơn 20 cây số để hỏi cưới vợ lẽ cho tui". Tiếp lời ông Hồng, bà Dy nói: "Tui chỉ nghĩ là trong nhà có con có cháu thì nhà mới có phước, có lộc. Tui lấy ổng về mà không làm tròn được bổn phận làm vợ, thì chi bằng tui giúp ổng làm việc đó để không có lỗi với tổ tiên". Câu chuyện bà Dy đi "nối" vợ cho chồng đã khiến người dân khắp vùng Cầu Hai xôn xao một thời.
Nhiều người khâm phục đức hy sinh vì chồng của bà, cũng có kẻ lời ra tiếng vào nhưng bà đều để ngoài tai. Người vợ thứ hai sinh cho ông được hai người con. Sau ông có thêm hai người con nữa với một người phụ nữ khác. Theo như lời ông Hồng kể, thì người phụ nữ này vì quá lứa lỡ thì nên muốn "xin" con để vui vầy. Bà cũng từng có ý định "cưới" người này về cho ông, nhưng vì người đó không chịu làm lẽ mà đòi hỏi ông phải từ bỏ gia đình nên ông không đồng ý.
Mấy mươi năm sống với nhau, trong nhà có hai người phụ nữ, nhưng chưa bao giờ xảy ra tiếng to, tiếng nhỏ, tất cả cũng là nhờ tài quán xuyến của bà Dy. Những đứa con của ông đều gọi bà là mẹ, yêu thương và tôn kính bà như chính mẹ ruột của mình, bởi dù bà không có công sinh thành, nhưng chính là người nuôi dưỡng và cho họ tình yêu thương vô bờ bến. ông Hồng nói thêm: "Tui dẫu cho có trăm con với trăm người phụ nữ khác thì chúng cũng là con của bà ấy".
50 năm chở vợ trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng
Tài sản và cũng là kỷ vật lớn nhất đối với vợ chồng ông Hồng, bà Dy hiện tại đó chính là chiếc xe đạp Phượng Hoàng, đã gắn bó với ông bà hơn 30 năm nay. Nó không chỉ là phương tiện đi lại hàng ngày, mà còn là chứng tích cho những thăng trầm trong cuộc sống của đôi vợ chồng già. ông Hồng chia sẻ: "Cả cuộc đời tui chỉ đi duy nhất một loại phương tiện là xe đạp. Chiếc xe Phượng Hoàng đầu tiên gắn bó với tui 20 năm, chiếc xe hiện tại đến nay là được 30 năm. Tính ra thì tui đi xe đạp suốt 50 năm nay và cũng chừng đó năm tui chở bà ấy".
Mặc dù có đến hai người phụ nữ khác, nhưng chưa một lần ông chở họ trên chiếc xe đạp của mình. Giải thích điều này, ông Hồng mỉm cười hạnh phúc: "Tui chỉ chở bà không chỉ vì bà là vợ danh chính ngôn thuận. Người ta sống với nhau vì tình, vì nghĩa thì có nhiều, nhưng mà vì yêu thì chỉ có một người thôi, nên tui muốn có cái chi đó dành riêng cho bà". Đã nhiều lần, con cái khuyên ông đi xe máy để không tốn thời gian và đỡ vất vả, nhưng ông nhất quyết không chịu. Nhiều lúc, bà phải đi thăm bà con ở xa hàng mấy chục cây số, người con trai sống bên cạnh nhà đề nghị được chở mẹ đi, nhưng ông Hồng cũng nhất quyết không chịu.
Hàng ngày, cứ vào ban sáng, người dân Lộc Trì lại quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng già chở nhau đi chợ trên chiếc xe đạp cũ. "Những khi trưa nắng, nhìn ông chở tui cũng thấy cực, nhưng mà tui chỉ thích ngồi xe ông vì quen rồi. Nên khi tui đi chợ, đi chùa, cầu siêu, thăm bà con... lúc mô cũng có ông đi cùng", bà Dy chia sẻ trong hạnh phúc.
Hình ảnh đôi vợ chồng già chở nhau đi về đã trở nên quen thuộc với người dân Phú Lộc. |
Ông Trương Văn Thuận, Phó Chủ tịch hội Nông dân xã Lộc Trì cho biết: "Lối sống mẫu mực, tôn trọng và yêu thương nhau của ông Hồng và bà Dy đã trở thành tấm gương tốt cho người dân thôn Trung Phước. ông Hồng và bà Dy cũng là thành viên tích cực của hội Người cao tuổi xã Lộc Trì".
Vòng xe cuộc đời Hơn nửa đời người gắn bó với chiếc xe đạp, đối với ông Hồng đó không chỉ là công việc, mà còn là niềm yêu thích. ông bảo: "Tui luôn đi để thư giãn. Độ chục năm trước, mấy đứa con nói sẽ mua cho tui chiếc xe máy để chở bà đi cho đỡ cực, nhưng tui can ngăn liền. Tui thấy đi xe máy hại sức khỏe, nhiều lúc vô tình đụng phải người ta. Tui đi xe đạp cho tự chủ, lại rèn luyện được thể thao và tinh thần luôn vui vẻ và nhất là tôi được chở bà, người tôi hết mực yêu thương". |