Câu chuyện bắt nguồn từ Facebook có tên là Hường Nguyễn, sau đó được chia sẻ trên các diễn đàn và trang thông tin.
Chỉ sau 4 ngày, bài viết thu hút gần 80.000 like (thích), 8.400 bình luận và 10.000 chia sẻ. Điều bất ngờ, chưa biết câu chuyện này là có thật hay bịa nhưng người đàn ông thô lỗ mắng vợ bỗng nhiên trở thành “hình mẫu” được nhiều chị em ngợi ca, mơ ước…
Câu chuyện được đăng trên Facebook Hường Nguyễn gây nên cơn sốt cho cộng đồng mạng mấy ngày gần đây. |
Ông chồng thô lỗ mắng vợ gây bão cộng đồng mạng
Theo tác giả câu chuyện, khi bị tắc đường tại Đê La Thành, chị đã nghe được cuộc đối thoại của một cặp vợ chồng chở nhau trên xe máy. Người chồng xăm trổ đầy mình mắng vợ bằng những lời thô tục và xưng hô tao - mày.
Mặc dù người chồng sử dụng ngôn từ thô lỗ nhưng nội dung lời nói lại bênh vực, quan tâm và bảo vệ người vợ. Cuối câu chuyện, tác giả những dòng trạng thái đó viết rằng: “Nếu là vợ của người đó, mình sẽ khóc nhưng khóc vì sung sướng khi có được người chồng như vậy”.
Ngay lập tức câu chuyện trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng. Trong số hàng nghìn bình luận ngay dưới câu chuyện đó, đa số ý kiến trầm trồ khen ngợi, ngưỡng mộ thậm chí là ao ước có được một tấm chồng như vậy.
Có người còn phân tích: "Chúng ta đừng vội đánh giá vẻ ngoài. Anh chồng hình xăm đầy tay nhìn dữ tợn ăn nói thì cộc cằn mà lại có trách nhiệm với vợ và con như thế. Mình đọc mà thấy mừng vui cho chị ấy và thật ngưỡng mộ người chồng này”.
Hay “Nhiều người nhìn mặt mũi hiền lành đẹp đẽ nhưng sống lại vô trách nhiệm với vợ con nên không thể đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Chị vợ thật may mắn”.
Có người còn tâm sự với tác giả nói rằng: “Đọc mà tủi thân chị ạ. Chồng em chả bao giờ to tiếng với em nhưng vô tâm không ai bằng. Em bệnh nằm từ sáng hôm qua tới hôm nay không ăn gì cũng không thấy hỏi thăm hay mua thuốc cho em uống. Hồi trưa này, em phải gọi cho chị hai em nhờ mua hộ mấy gói cháo. Nghĩ tủi thân nuốt cháo cũng không nổi chị ạ…”.
Văn hóa mày - tao đến “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”: Khoảng cách rất gần
Một câu chuyện trời ơi đất hỡi được viết trên trang cá nhân mà chủ nhân đó lại là trang bán hàng thì tính xác thực rất khó để đong đếm. Thế nhưng, sự lan tỏa chóng mặt của những câu chuyện như vậy lại tác động rất lớn tới đời sống xã hội, nó có sức mạnh lay chuyển và làm thay đổi quan điểm, thái độ, lối sống của con người theo chiều hướng tiêu cực.
Trước làn sóng sôi sục tôn sùng người đàn ông thô lỗ mắng vợ đó, PV đã đưa câu chuyện gây bão này trao đổi với các chuyên gia tâm lý để làm rõ đúng, sai. Có điều gì bất thường không khi cộng đồng đang tôn sùng một người chồng xưng tao - mày và văng tục với vợ? Có hay không những người đàn ông có tình cảm trái ngược với cách thể hiện bằng lời nói?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi (Trung ương Đoàn TNCS HCM), trên thực tế có những người chồng thuộc giới giang hồ, dân xã hội đen nhưng rất yêu vợ. Tất nhiên, họ thường yêu theo cách của họ, còn người vợ có hạnh phúc hay không thì tùy người, chỉ người trong cuộc mới biết.
TS Nguyễn Thị Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) cho rằng, với văn hóa của người miền xuôi, vợ chồng bình thường không ai sử dụng xưng hô mày - tao, cách xưng hô đó thường chỉ sử dụng khi có sự xung đột.
Việc vợ chồng xưng hô tao - mày là thể hiện sự không tôn trọng hoặc do văn hóa ứng xử. Thường thì văn hóa ứng xử mày - tao đến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, khoảng cách đó rất gần.
Việc vợ chồng xưng tao - mày mà vẫn yêu thương nhau chỉ có thể xảy ra trong thời phong kiến. Bởi phong kiến xưa, yêu thương là người vợ phải phục tùng. Còn vợ chồng thời nay là bình đẳng, người chồng phải coi vợ như bạn.
Nói vợ chồng xưng hô mày - tao là thiếu tôn trọng là bởi trên thực tế có những người ngay từ bé đã quen văng tục nhưng khi lớn lên họ vẫn nhận thức rõ ngôn ngữ đó. Họ có thể văng vô tội vạ với người khác nhưng với ông chủ của họ, họ sẽ không bao giờ xưng hô như vậy khi nói chuyện.
Điều đó chứng tỏ, việc văng bậy chửi tục hay xưng tao - mày với vợ là cách thể hiện sự không tôn trọng. Nếu họ có quan tâm, hay tỏ ra quan tâm thương yêu vợ như người chồng được nêu trong câu chuyện ở trên thì đó chỉ là một khoảnh khắc, một thời điểm không nói lên được bản chất của con người.
Nếu nhìn vào hiện tượng đó mà khái quát thành bản chất con người là vô cùng sai lầm trong nhìn nhận con người. Cách xưng hô mày - tao là xem vợ là người dưới mình, việc quan tâm đến cái thai là cũng vì mình, vì thế không thể qua một mẩu đối thoại như vậy mà đánh giá bản chất của người chồng đó được.
“Việc tô vẽ người chồng ăn nói lỗ mãng như mẫu hình đàn ông được ao ước là sự biến thái của truyền thông. Còn việc người ăn nói thô tục mà sống tử tế với vợ con cũng có nhưng hiếm như vài giọt nước trong biển cả. Đó không phải mẫu hình để mà học hỏi, học tập hay là mẫu hình để các cô gái chọn lựa làm chồng”, TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý phân tích.
“Để đánh giá bản chất con người thì phải thông qua cả lời nói và việc làm, mà lời nói và việc làm đó phải là lâu dài, được thể hiện mọi lúc mọi nơi chứ không phải trong một thời khắc nào đó. Chỉ khi người ta sống thực sự đạo đức thì mới có thể biết yêu thương một cách thực sự. Mà người có đạo đức thì không thể ăn nói lỗ mãng, văng tục văng bậy như vậy”. TS Nguyễn Thị Kim Quý |
Theo Gia đình và Xã hội
Xem thêm video:
[mecloud]jEAMLKM11l[/mecloud]