Sau khi báo Thanh Niên đăng loạt bài phóng sự điều tra về băng nhóm Minh “Samasa” của tôi, nhất là sau khi từ những nội dung trên báo, bộ Công an quyết định “vào cuộc” thì tôi biết thắng lợi đã đến rất gần. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi phải rất cẩn thận, vì ngay cả giang hồ khét tiếng như Lâm “chín ngón” cũng ngán ngại thế lực và sự hung tàn của Minh “Samasa”.
Áp lực từ sự đe dọa
Một đêm mất ngủ sau tin báo của anh hàng xóm về vụ đám côn đồ lạ mặt bàn nhau: “Đem 1 xe cá mập (Toyota Hiace) tới, đổ 2 bao mã (mã tấu) xuống trước nhà nó, vô quất chết mẹ hết là xong chứ gì”- tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết mối nguy hiểm đang lảng vảng quanh cuộc sống của gia đình tôi.
Nhóm côn đồ lạ mặt theo dõi gia đình nhà báo. (Ảnh minh họa) |
Sáng hôm sau, tôi vội “phi” đến nhà anh Lâm “chín ngón”, nhờ anh tư vấn phương án tối ưu nhất để bảo vệ vợ con. Chưa thể báo Công an được, khi những bằng chứng cụ thể của sự đe dọa vẫn chưa có trong tay tôi. Nghe xong, anh Lâm trấn an: “Ôi, tụi nó “làm tuồng” đó Phú ơi, bây giờ tụi nó chưa dám làm gì đâu. Giết người thì cũng phải trả tiền thì tụi nó mới làm, bây giờ chưa có thằng nào trả tiền để làm chuyện đó đâu, em cứ yên tâm đi...”.
Biết Lâm “chín ngón” hiểu rất rõ và... rất thù Minh “Samasa” vì đã có thời, Minh mượn oai danh của Lâm để “nhất thống giang hồ” Vũng Tàu. Sau khi thực hiện được tham vọng, trấn áp được các băng đối lập như Hải “lộ”, Việt “Ba Vạc”, Minh đã huy động lực lượng “hất cẳng” Lâm khỏi Vũng Tàu. Dù là đại ca có số má khét tiếng từ trước 1975, nhưng thân cô thế cô, Lâm “chín ngón” bị Minh đánh bật về lại Sài Gòn. Như vậy, làm thế quái nào mà tôi yên tâm cho được? Tôi quyết đòi hỏi một sự đảm bảo “chắc ăn” hơn.
Với những người như anh Lâm, bạo lực chỉ có thể được “trả lời” bằng bạo lực, anh Lâm nói: “Thôi được rồi, nếu Phú lo lắng như vậy, anh sẽ cho “mấy thằng em” xuống ngồi canh trước cửa nhà Phú. Được chưa?”. Tất nhiên là được, kiểu gì thì có người bảo vệ nhà tôi khi tôi vắng nhà đi làm thì vẫn cứ hơn là không có ai, dù đó là thành phần nào đi chăng nữa. Tôi đồng ý với phương án tạm thời của anh Lâm “chín ngón”, yêu cầu triển khai thực hiện ngay, rồi xách xe chạy về tòa soạn.
Trên đường, càng nghĩ về việc xếp vô tình đẩy tôi và gia đình vào tình thế nguy hiểm tôi càng “điên máu”. Sự việc có vẻ đã đi quá xa. Vợ, con tôi đã bị lôi vào cuộc chơi khốc liệt này, hai người đó có tội tình gì cơ chứ? Với tư cách một người chồng, người cha, tôi cần phải bảo vệ gia đình mình bằng mọi giá. Dù vô tình hay cố ý, đây cũng là một điều rất khó khiến cho tôi không nổi nóng, coi như không có chuyện gì. Bây giờ, vợ con tôi đang gặp nguy hiểm, tôi không kềm chế nổi nữa!
Vào đến tòa soạn, tôi kiếm ngay anh trưởng ban để báo cáo tình hình và thẳng thắn phê phán anh đã bỏ qua bước nghiệp vụ cơ bản để bảo vệ phóng viên đang làm nhiệm vụ nguy hiểm. Việc anh khiến tôi “lộ diện” đi gặp Hoà “ken”- nữ đệ tử của “ông trùm” Năm Cam - đã khiến tôi và gia đình đối mặt với nguy cơ rất cao, mặc dù nhờ cuộc gặp này, tôi cảm nhận được mối quan hệ không tầm thường giữa Minh “Samasa” và Năm Cam.
Tất nhiên, là sếp thì... “có bao giờ sai?”, và chúng tôi đã cãi nhau một trận to. Kết quả màn tranh luận: Tôi thì uất ức tuyên bố sẽ bỏ luôn vụ án Minh “Samasa”, không theo nữa, chấp nhận bị kỷ luật.
Vụ việc được anh sếp Trưởng ban báo cáo lại với anh Đ.T.T. Phó tổng biên tập báo Thanh Niên. Kể từ đó, anh Trưởng ban Kinh tế - Chính trị - Xã hội tiếp nhận vụ việc, tiếp tục làm –nếu cần làm tiếp...
Hai ngày người của Lâm “chín ngón” canh giữ trước nhà tôi, không có chuyện gì xảy ra. Ngày thứ 3, người của anh Lâm vừa rút đi thì khoảng 9h sáng hôm ấy tôi nhận được điện thoại của Công an P.2, Q. Bình Thạnh gọi đến tòa soạn, báo cho tôi biết là vợ tôi đang ở trong... phường, đang khóc lóc dữ dội và đòi tôi phải về nhà gấp. Thì ra, trong lúc cô ấy đi chợ Bà Chiểu, có 2 tên cô hồn kè theo, đe dọa là sẽ giết chết cô ấy, bắn chết tôi. Quá hoảng sợ, cô ấy chạy vội vào công an phường để tránh (theo chỉ dẫn của tôi trước đó). Công an phường cách nhà tôi khoảng 150m, chợ Bà Chiểu cách nhà tôi khoảng 300m.
Hoạt động của xã hội đen làm đau đầu cơ quan chức năng. (Ảnh minh họa) |
Tôi đúng, trong việc dự báo trước là gia đình tôi sẽ gặp nguy hiểm, nhưng điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì, khi công việc của tôi gặp trục trặc lớn và người bị tổn hại cũng chính là vợ con tôi!
Trở lại Vũng Tàu
Sau khi “lãnh” vợ ra khỏi công an phường, đưa về nhà, tôi lập tức quay trở lại tòa soạn, yêu cầu cơ quan phải có trách nhiệm với gia đình tôi, nghiêm túc nhìn nhận việc này như bản chất vốn có của nó, đồng thời gởi công văn sang Công an TP.HCM, yêu cầu hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Chính tay tôi cầm công văn của báo Thanh Niên do anh N.T.M-Chánh văn phòng ký, đóng dấu, chạy sang phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM gặp anh Dương Minh Ngọc, Phó phòng Cảnh sát hình sự, trao đổi cụ thể vụ việc.
Ngay khi tiếp nhận công văn từ tôi, phòng Cảnh sát hình sự đã cử trinh sát xuống địa bàn xác minh vụ việc, làm việc với Công an P.2, Q.Bình Thạnh, lên phương án bảo vệ gia đình tôi khẩn cấp. Kể từ hôm đó, sáng thì có 2 cảnh sát hình sự thường phục túc trực ở nhà tôi; tối thì có dân phòng tuần tra liên tục... Việc bảo vệ kéo dài đến mấy tháng. Tôi yên tâm công tác...
Băng nhóm Minh “Samasa” vẫn không ngừng thưa kiện báo Thanh Niên, cả ban Kinh tế - Chính trị- Xã hội bất động không làm thêm động tác gì từ sau khi tôi rút lui khỏi vụ việc. Cho đến khi, BBT yêu cầu giải quyết vụ việc rốt ráo thì anh Trưởng ban Kinh tế - Chính trị - Xã hội tìm đến nhà tôi vào một buổi tối. Sau khi rào trước đón sau, nói chuyện, kể lể dông dài, sếp vào thẳng vấn đề: Anh muốn tôi quay lại giúp anh làm kết thúc vụ án Minh “Samasa”. Không hiểu sao, lúc ấy tôi lại đồng ý, dù trong tâm không hề muốn, sau tất cả những chuyện đã xảy ra.
Thế là tôi tiếp tục tham gia vào phá vụ án Minh “Samasa” trong ngày hôm sau, theo chân đoàn phóng viên hùng hậu của ban Kinh tế -Chính trị - Xã hội trực chỉ Vũng Tàu. Xuống đến nơi thì trời đã chiều, cả ban nhậu một bữa hoành tráng rồi ra biển tắm.
Hôm sau, lực lượng của Báo Thanh Niên “bão” qua một loạt các cơ quan công an ở địa phương để yêu cầu cung cấp thông tin. Dĩ nhiên, nhóm phóng viên báo Thanh Niên được tiếp đón niềm nở và được... hứa là sẽ cung cấp thông tin trong vài ngày nữa. Do tính chất cấp bách của công việc tòa soạn, đoàn phóng viên ban Kinh tế - Chính trị - Xã hội không thể ở lại chờ được (kéo đi gần hết cả Ban), phải vội về. Và, sếp cử... tôi ở lại Vũng Tàu, tiếp tục điều tra vụ án.
Nhìn các anh em trong Ban phơi phới ra về, tôi quay lại nhìn biển rồi cúi xuống nhìn mình, thở dài! Đời nó thế!
Tôi không ngu ở lại một mình trên đất Vũng Tàu. Ngay trong đêm, tôi quay về Sài Gòn để giữ an toàn tính mạng, sáng sớm hôm sau tôi quay lại. Cứ thế, tôi đi về giữa Sài Gòn – Vũng Tàu như con thoi trong nhiều ngày liền, có ngày tôi lên xuống Vũng Tàu đến 2 lần. Qua thời gian điều tra vụ việc kéo dài, tôi đã thiết lập được các mối quan hệ khá vững chắc trong cơ quan chức năng các cấp. Cuối cùng, tôi cũng “chốt” được một lượng hồ sơ, đủ để băng nhóm Minh “Samasa” phải im miệng cho đến lúc bị bộ Công an bắt giữ toàn bộ.
Vụ án Minh “Samasa” kết thúc, gia đình tôi không còn được bảo vệ nữa, báo Thanh Niên toàn thắng, riêng tôi thì tổn thương không hồi phục.
Xét về tính chất, Minh “Samasa” cũng chẳng khác gì Khánh "trắng" ở Hà Nội; Năm Cam ở TP. Hồ Chí Minh trước đây hoặc Đường “ Nhuệ” ở Thái Bình gần đây. Minh mời Lâm "chín ngón" về hợp sức vì hắn biết Lâm "chín ngón" là tay anh chị có số má, là đệ tử cuối cùng của Đại Cathay khét tiếng một thời tại Sài Gòn. Biết chuyện Lâm bị Năm Cam "triệt", phải lui về phụ vợ bán hàng thịt chó nên Minh “Samasa” vội lên Sài thành mời Lâm về Vũng Tàu làm việc. Sau một thời gian, thấy Minh kiếm tiền tỷ dễ như trở bàn tay, trong khi mình đường đường là đàn anh mà phải đi làm thuê, Lâm "chín ngón" đã âm thầm chuẩn bị tách ra làm ăn riêng thì bị Minh huy động lực lượng đánh bật về Sài Gòn. Lúc này, Lâm thu thập rất nhiều tài liệu về việc làm ăn phi pháp của băng Minh “Samasa”. Khi hai vợ chồng Minh - Phụng bị bắt, Lâm "chín ngón" đem nộp tất cả những bằng chứng đó cho cơ quan điều tra. |
Tướng Phạm Xuân Quắc (nguyên Cục trưởng cục Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội-bộ Công an) cho biết, khi thực hiện chuyên án triệt phá băng nhóm tội phạm xã hội đen có tổ chức Minh "Samasa", các trinh sát có thêm nhiều tài liệu về Lâm "chín ngón" với những mối quan hệ xã hội ngầm chằng chịt của “đại ca” giang hồ khét tiếng này với nhiều băng nhóm khác nhau. Và cũng chính từ đây, cơ quan công an đã bắt đầu nắm được cái đuôi của ông trùm Năm Cam. Sau một thời gian ngắn hợp tác với Minh “Samasa”, khi bị đánh bật khỏi các cảng cá ở Vũng Tàu, Lâm "chín ngón" nghi là có bàn tay của Năm Cam. Vì vậy mà đi đâu, Lâm cũng rêu rao thoá mạ, công khai chửi bới Năm Cam. Ngày 14/7/1999, trong lúc chở vợ và con trai đi ăn tối, Lâm bất ngờ bị tạt một ca axit vào mặt và trở thành tàn phế với một gương mặt biến dạng vĩnh viễn. Từ đó, Lâm thoái ẩn giang hồ, đến ngày 12/12/2001, ông trùm Năm Cam bị bắt. Cho đến lúc này, Lâm "chín ngón" mới đi tố cáo Năm Cam là kẻ chủ mưu vụ tạt axit trước đây. Tại phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn một năm sau đó, Lâm "chín ngón" đã ra trước tòa tố cáo tội ác của băng nhóm Năm Cam. |
Hữu Phú
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (79)