(ĐSPL) - Cứ đến mùa hè, người dân xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) lại phải hứng chịu hàng trăm cơn thịnh nộ của thần sét. Với họ việc thần sét ghé thăm tựa như "cơm bữa", nhẹ thì cây cối trong vườn bị cháy khô, nặng thì người chết, vật nuôi cũng bị thần sét "thui" đen.
Đã có bao nhiêu câu chuyện bi đát diễn ra ở ngôi làng nổi tiếng trời hành này, nhưng đến tận bây giờ người dân vẫn chưa biết rõ vì sao làng nghèo của mình lại hay bị thần sét ghé thăm như vậy.
Những câu chuyện bi đát ở “làng sét đánh”
Men theo đường mòn Hồ Chí Minh, qua cầu Long Đại lịch sử, chúng tôi đến thăm xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), một xã nghèo nổi tiếng phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của thần sét. Vì quá quen thuộc với chuyện thần sét thường xuyên "ghé thăm" nên hỏi người dân nào cũng trả lời vanh vách: "Cứ đến mùa mưa là sấm sét lại "ghé thăm" làng chúng tôi. Ban đầu mỗi lần có mưa giông, sấm sét, người dân chúng tôi vẫn thản nhiên làm ruộng. Tuy nhiên, từ khi làng có người bị sét đánh chết thì người dân chúng tôi ai cũng sợ hãi, lo thu dọn để chạy về nhà sớm mỗi khi cơn giông đến", một người dân chia sẻ.
Vì thần sét thường xuyên "ghé thăm" nên người dân ở đây không còn lạ lẫm gì với chuyện tivi, các thiết bị điện tử trong gia đình hay cây cối bị sét đánh "tơi tả", thậm chí ngay cả con người và gia súc lớn cũng bị thần sét đánh chết. Bà Nguyễn Thị Hiền, thôn Hiền Ninh nhớ lại câu chuyện người đàn ông tên Trần Văn S. đi đánh cá trong đêm bị sét đánh chết năm nào: "Cách đây khá lâu, có một người đàn ông trung tuổi đi đánh cá trên đồng thì gặp trời mưa giông. Như mọi lần, ông vẫn nán lại đơm thêm ít cá để kiếm cái ăn, ai ngờ, một tia sét từ trên trời giáng xuống khiến người ông chết xám đen tại chỗ".
Cái chết của anh Trần Văn S. đã qua khá lâu, nhưng bây giờ mỗi lần nhắc lại, người dân thôn Long Đại vẫn không giấu được cảm giác sợ hãi. Theo người dân kể lại, vào một buổi chiều của năm 2011, anh S. cầm dây điều khiển xe bò trên cánh đồng của thôn. Lúc ấy, bất ngờ cơn giông bủa tới, sấm chớp sáng rực trời, giữa lúc đó, một tia sét trên trời đánh trúng người anh S., khiến anh ngã xuống đất, chết tại chỗ. Con bò bên cạnh anh S. cũng bị sét đánh cho đen nhẻm, nằm chết lăn quay giữa ruộng. Người chú ruột của anh S. đang ngồi trên thành xe bò cũng bị sét đánh văng xuống đất nhưng may mắn thoát chết.
Nỗi đau về sự ra đi của anh S. chưa nguôi ngoai thì người nhà lại lo sợ việc kẻ trộm lấy xác. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người nhà anh S. không mai táng tại nghĩa địa của thôn mà chôn cất anh ngay trong vườn nhà. "Từ xa xưa, người ta vẫn truyền tai nhau câu truyện ly kỳ về những người bị sét đánh chết. Theo câu chuyện này, những người hành nghề ăn trộm chỉ cần chặt cánh tay hay đầu của người bị sét đánh, sau đó đặt trên bàn thờ, cánh tay hay đầu của người đó quay về hướng nào thì tiến hành ăn trộm về hướng đó. Bằng cách này, những tên ăn trộm có thể ngang nhiên hành nghề mà không sợ bị phát hiện", một người dân kể.
Thậm chí, nhiều người còn truyền tụng nhau câu chuyện "kinh dị" hơn. Răng của người chết bị sét đánh bỏ lên rang vàng hạ thổ, sau đó tán nhỏ sẽ giúp người uống chữa được bách bệnh. Vì sợ những tin đồn đó, việc chôn cất anh S. phải diễn ra hết sức cẩn thận, người ta đào ngôi mộ thật sâu rồi lát xi măng xung quanh mộ. Sau khi chôn cất anh S. xong xuôi, những người thân trong gia đình phải thay nhau đến canh giữ ngôi mộ trong vườn nhà để tránh bị kẻ trộm đào xác. Sau vài năm, người nhà mới tiến hành xây ngôi mộ kiên cố.
Chuyện xã nghèo Hiền Ninh liên tục phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thần sét cứ thế diễn ra từ năm này qua năm khác. Và cho đến tận bây giờ, người dân vẫn chưa hiểu được ngọn ngành và nguyên nhân của nó. Chỉ có một số ít người dân lờ mờ đoán già đoán non: "Vị trí sét đánh thường tập trung ở ngoài đồng, ở khu vực có hố bom còn sót lại trong chiến tranh". Bên cạnh đó, cũng có nhiều luồng thông tin cho rằng, sở dĩ xã Hiền Ninh thường xuyên bị sét đánh vì dưới đất có quặng sắt nên kéo sét về. Tuy nhiên đây mới chỉ là tin đồn, cần có sự kiểm chứng của các nhà khoa học mới có thể kết luận được.
Ông Trần Hữu Đền, Trưởng thôn Long Đại cho biết: "Sau khi trong xã có người bị sét đánh, một đoàn cán bộ của Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đến địa phương tìm hiểu về hiện tượng sét đánh. Bước đầu kết luận, do địa hình của địa phương phức tạp, bị chắn gió theo hai hướng Bắc Nam và Đông Tây là điều kiện để mưa giông và sấm sét hay xuất hiện trên địa bàn".
Ông Trần Hữu Đền kể lại các câu chuyện về làng sét đánh. |
Chuyện ly kỳ về người đàn ông "trời đánh" không chết
Từ thôn Long Đại chúng tôi đến thôn Đồng Tư (xã Hiền Ninh), nơi có câu chuyện nổi tiếng về người đàn ông bị sét đánh không chết. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Hoàng Văn Thuyết (1956) ân cần pha trà mời khách. Mặc dù câu chuyện hi hữu của ông xảy ra đã lâu nhưng khi kể lại, ông Thuyết vẫn không giấu được vẻ bàng hoàng khi nhắc lại câu chuyện "sinh tử" của mình.
"Hôm đó, vào khoảng 4h chiều, hai vợ chồng tôi đang làm cỏ giữa đồng thì thấy mây đen từ xa đang kéo tới, trên trời nghe thấy tiếng rung chuyển ầm ầm. Nghĩ rằng trời chưa mưa, vợ chồng tôi làm ráng thêm ít nữa để hoàn thành công việc. Ai ngờ lúc đó, trên tay cầm cây liềm đang lúi húi bứt cỏ thì tôi thấy một tia sáng chớp nhoáng đánh vào người, từ đó tôi bất tỉnh không biết gì".
Từ ngày bị sét đánh không chết, ông Hoàng Văn Thuyết vẫn giữ lại bộ áo quần bị sét đánh rách tả tơi. |
Ngồi kế bên là bà Võ Thị Dung (1960), vợ ông Thuyết kể tiếp: "Thấy ông Thuyết bị sét đánh, ngã xuống đất bất tỉnh, nửa người xám đen, quần áo rách tả tơi tôi hốt hoảng chạy đi tìm người cứu. Thấy ông ấy trong tình trạng như vậy, mọi người nói ông ấy chết rồi, gọi người đến khiêng xác về. Cũng may hôm đó, có một người đàn ông địa phương tên Duy (đã từng cứu thành công một người bị sét đánh ở làng) kịp thời có mặt. Ông Duy cởi hết quần áo của ông Thuyết, lấy đất đắp lên khắp người, khoảng 15 phút sau thì ông Thuyết bắt đầu toát mồ hôi, miệng kêu đau. Thấy vậy, mọi người vui mừng khôn xiết, vội đưa ông đến bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cấp cứu. Sau 12 ngày điều trị tích cực, ông Thuyết được bác sỹ cho về nhà. Sau lần bị sét đánh ấy, ông Thuyết vẫn giữ lại bộ quần áo bị sét đánh tả tơi làm vật kỷ niệm về lần "suýt chết" của mình.
Bà Dung chia sẻ: "Ngày đó, câu chuyện ông Thuyết bị sét đánh khiến cả làng vô cùng sợ hãi. Bởi anh S. bên thôn Long Đại bị sét đánh chết thì đúng một tháng sau ông Thuyết cũng bị sét đánh lại. Vì vậy, đi đâu, làm gì người ta cũng bàn nhau tới chuyện sấm sét và cách phòng tránh bị sét đánh". Trong câu chuyện của mình, ông Thuyết nửa đùa nửa thật chia sẻ cách phòng tránh sấm sét từ kinh nghiệm xương máu của mình: "Khi thấy trời nổi cơn giông, mọi người phải tìm cách chạy vào nhà ẩn nấp. Nếu đi qua chỗ đất có bốc lên hơi nóng thì mình nên tránh đi, vì sét hay đánh vào những chỗ đó. Đặc biệt, là không nên mang trên người các vật làm từ kim loại".
Bước sang tuổi xế chiều, ông Thuyết bắt đầu cảm nhận những cơn đau ê ẩm do di chứng từ lần bị sét đánh mang lại. Tuy nhiên, nghĩ đến cuộc sống của mình hôm nay, ông vẫn vui vẻ và lạc quan vì mình là một trong những người hi hữu may mắn thoát chết từ chính lưỡi hái của tử thần.